Friday, November 22, 2024

Có khả năng bão chồng bão trên Biển Đông

Cơn bão Trà Mi sẽ vào Biển Đông vào cuối tuần này và ảnh hưởng trực tiếp đất liền nước ta. Đến đầu tháng 11, khả năng xuất hiện một áp thấp mới có khả năng mạnh lên thành bão.

Trong khi đó, miền Bắc bị ảnh hưởng không khí lạnh tràn về. Thời tiết khắp cả nước rất xấu, mưa to đến rất to kéo dài trên diện rộng đặc biệt ở miền Trung và Nam bộ.

Bão Trà Mi diễn biến phức tạp

Đến chiều 22.10, tâm bão Trà Mi (Trami) đang trên vùng biển phía đông khu vực miền Trung Philippines. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62 – 74 km/giờ), giật cấp 10. Di chuyển theo hướng tây bắc, tốc độ 15 – 20 km/giờ. Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia (NCHMF) cho biết: Bão Trà Mi đang tiếp tục mạnh lên và có thể đạt cấp 10 giật cấp 12 trước khi vào Biển Đông. Đến khoảng trưa 25.10, bão sẽ đi vào Biển Đông thành cơn bão số 6, mạnh cấp 11 giật cấp 14.

Có khả năng bão chồng bão trên Biển Đông

Miền Trung và Nam bộ tiếp tục xuất hiện mưa to trong những ngày tới

ẢNH: NHẬT THỊNH

Th.S Lê Thị Xuân Lan, chuyên gia dự báo khí tượng thủy văn, cảnh báo: Cơn bão Trà Mi hoạt động hết sức phức tạp. Ban đầu, các mô hình dự báo cho rằng bão sẽ đổ bộ vào khu vực Quảng Đông và đảo Lôi Châu của Trung Quốc. Đến sáng 22.10, nó chuyển hướng vào khu vực đảo Hải Nam (Trung Quốc) và sau đó vào khu vực vịnh Bắc bộ của VN. Nhưng đến chiều 22.10, các mô hình dự báo của Mỹ và Nhật đều có chung nhận định bão sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh miền Trung khu vực từ Quảng Bình đến Thừa Thiên-Huế. Hướng di chuyển của bão Trà Mi phức tạp do chịu tác động của không khí lạnh từ phía bắc tăng cường xuống phía nam. Đến chiều tối 22.10 không khí lạnh đã ảnh hưởng tới khu vực phía bắc của Bắc bộ và sau đó bao trùm cả miền Bắc. Đây là đợt không khí lạnh có cường độ mạnh, nhiệt độ không khí giảm sâu. Tác động của nó làm hướng đi của bão lệch xuống phía nam. Nếu không khí lạnh mạnh thêm, nó có thể khiến vùng tâm bão đi qua ảnh hưởng Đà Nẵng.

Điều đáng chú ý hơn là bão Trà Mi sẽ tiếp tục mạnh lên khi vào Biển Đông và sẽ giữ nguyên cường độ cấp 12 giật cấp 14 khi vào gần bờ.

Điểm đáng chú ý tiếp theo là sau cơn bão số 6 thì nhiều khả năng từ ngày 1 – 5.11, trên vùng biển tây Thái Bình Dương khu vực gần Biển Đông có một áp thấp khác có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới thậm chí là bão. Do ảnh hưởng của không khí lạnh và các đợt không khí lạnh tăng cường nên diễn biến của cơn bão Trà Mi và bão tiếp theo sẽ rất phức tạp.

“Đây là giai đoạn cao điểm trong mùa bão trên khu vực tây Thái Bình Dương. Bên cạnh đó do xu hướng La Nina sẽ xuất hiện cộng với các đợt không khí lạnh tăng cường nên mùa mưa bão còn tiếp tục kéo dài và phức tạp”, bà Lan giải thích.

Miền Bắc rét, Trung và Nam bộ mưa to kéo dài

NCHMF cho biết bộ phận không khí lạnh đã báo đang tiếp tục di chuyển xuống phía nam. Từ đêm 23.10, vùng núi Bắc bộ trời rét; nhiệt độ thấp nhất ở Bắc bộ phổ biến từ 19 – 21 độ C, vùng núi 17 – 19 độ C, vùng núi cao có nơi dưới 16 độ C; ở Thanh Hóa và Nghệ An nhiệt độ thấp nhất phổ biến từ 20 – 23 độ C. Trên biển, khu vực bắc Biển Đông gió đông bắc mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8 – 9; biển động mạnh, sóng biển cao từ 2,5 – 4,5 m.

Trong khi miền Bắc đón không khí lạnh về thì tại TP.HCM, tình trạng ngập nước do triều cường cao vừa giảm bớt thì liên tiếp những ngày qua hứng mưa rất to vào chiều tối. Lượng mưa nhiều nơi vượt mức 100 mm khiến cho tình trạng ngập, kẹt xe tiếp tục kéo dài đảo lộn cuộc sống thường nhật của nhiều người dân.

Không chỉ có TP.HCM, nhiều nơi khác ở miền Tây Nam bộ cũng bị ngập sâu do triều cường cao kỷ lục kết hợp mưa to. Trong khi đó, ở khu vực Trung bộ xuất hiện những trận “mưa trắng trời” gây ngập nặng ở hàng loạt đô thị như: TP.Nha Trang (Khánh Hòa), TP.Đồng Hới (Quảng Bình), TP.Tam Kỳ (Quảng Nam)… mưa to diện rộng, thậm chí nhiều nơi có mưa rất to với lượng mưa trong 24 giờ đạt trên 100 mm thậm chí vượt 200 mm như: Vườn quốc gia Bạch Mã (Thừa Thiên-Huế) 245,6 mm, Tam Trà (Quảng Nam) 178,8 mm, Đông Hiếu (Nghệ An) 205 mm, Sơn Kim (Hà Tĩnh) 129,8 mm, Quảng Phúc (Quảng Bình) 148,4 mm, Phú An (Thừa Thiên-Huế) 139,2 mm, Vạn Bình (Khánh Hòa) 209,4 mm…

Theo các chuyên gia khí tượng, hiện tại dải hội tụ nhiệt đới có trục qua khu vực nam Trung bộ và Nam bộ nối với cơn bão Trà Mi; cộng với nhiễu động gió đông trên cao đang hoạt động mạnh trên khu vực Nam bộ là nguyên nhân khiến khu vực miền Trung và Nam bộ có mưa vừa mưa to trên diện rộng kéo dài nhiều ngày tới; cục bộ có mưa rất to.

NCHMF dự báo: Trong giai đoạn từ nay đến ngày 20.11, trên Biển Đông có khả năng xảy ra 2 cơn bão bao gồm cả áp thấp nhiệt đới, trong đó có 1 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Bên cạnh đó, không khí lạnh cũng gia tăng về tần suất và cường độ. Điều này khiến khu vực Trung bộ có khả năng xuất hiện các đợt mưa lớn diện rộng tập trung chủ yếu từ Nghệ An đến Khánh Hòa. Khu vực Tây nguyên và Nam bộ tiếp tục xuất hiện nhiều ngày có mưa rào và giông, trong đó có ngày có mưa vừa, mưa to. Do ảnh hưởng của không khí lạnh nên ở Bắc bộ lượng mưa phổ biến ở mức thấp hơn từ 15 – 25% so với trung bình nhiều năm. Ngược lại, do bão có khả năng nhiều hơn trung bình nhiều năm nên khu vực Trung bộ, Tây nguyên và Nam bộ phổ biến cao hơn từ 10 – 30%. Bên cạnh đó, cần đề phòng các hiện tượng thời tiết cực đoan như giông, lốc xoáy trên biển có khả năng gây ra gió mạnh, sóng lớn ảnh hưởng đến các hoạt động trên khu vực Biển Đông. Trên đất liền là các hiện tượng mưa lớn, giông mạnh kèm theo lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Trong những ngày qua xuất hiện mưa và mưa to diện rộng. Do ảnh hưởng của những cơn bão sắp tới, tình hình thời tiết sẽ rất phức tạp. Ở khu vực miền Trung, đặc biệt là khu vực vùng núi, người dân cần đặc biệt chú ý phòng tránh các hiện tượng mưa bão kéo dài gây lũ lụt, lũ quét và sạt lở đất.

Th.S Lê Thị Xuân Lan

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img