Monday, November 25, 2024

Đại sứ Thụy Điển kể về ‘giấc mơ’ Việt Nam

Trong buổi trả lời phỏng vấn độc quyền đầu tiên đầu tiên ở Việt Nam, Đại sứ Thụy Điển Johan Ndisi chia sẻ với Báo Thanh Niên những ưu tiên trong nhiệm kỳ, các bí quyết thành công của Thụy Điển trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo và tiềm năng đẩy mạnh phát triển thương mại với Việt Nam.

Đại sứ Thụy Điển kể về 'giấc mơ' Việt Nam

Đại sứ Thụy Điển Johan Ndisi bắt đầu nhiệm kỳ Việt Nam từ tháng 8

 Ảnh: Nhật Thịnh

Trao đổi với Thanh Niên bên lề sự kiện Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế Xanh 2024 (GEFE 2024) hôm 21.10 ở TP.HCM, Tân Đại sứ Thụy Điển Johan Ndisi đề cập những ưu tiên trong nhiệm kỳ mới và các mục tiêu ông muốn đạt được trong nhiệm kỳ Việt Nam.

Những ưu tiên trong nhiệm kỳ ở Việt Nam

Đại sứ Johan Ndisi: Tôi cho rằng trên cương vị Đại sứ Thụy Điển, Việt Nam là chủ nhà tuyệt vời. Và điều đó bắt nguồn từ quan hệ đối tác mạnh mẽ giữa hai nước chúng ta. Việt Nam và Thụy Điển năm nay kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Thật sự là vinh dự cho tôi khi trở thành đại sứ trong giai đoạn này. Về các ưu tiên trong nhiệm kỳ, tôi có mục tiêu hết sức rõ ràng.

Về Thụy Điển, chúng tôi có sự hiện diện đông đảo các công ty ở Việt Nam, khoảng 70 công ty. Và mối quan tâm về thương mại đang gia tăng. Thế nên ưu tiên số một của tôi là củng cố quan hệ thương mại song phương. Chúng tôi cũng đang chứng kiến các công ty Việt Nam đầu tư vào Thụy Điển. FPT vừa mở hai văn phòng và khai trương văn phòng đầu tiên. Chúng tôi có NutriFoods hoạt động tại Thụy Điển. Vì thế thương mại đang diễn tiến hai chiều.

Và đó là điều chúng tôi đang nỗ lực, và mục tiêu tôi theo đuổi trên vai trò đại sứ chính là Việt Nam tiếp nhận thêm đầu tư từ Thụy Điển và ngược lại. Tính đến thời điểm hiện tại, đầu tư song phương đang vào khoảng 730 triệu USD. Chỉ tính riêng trong năm ngoái, có khoảng 330 triệu USD tiền đầu tư và tôi dự kiến con số này sẽ gia tăng trong tương lai.

Kim ngạch thương mại song phương đạt 1,3 tỉ USD/năm. Chúng ta đang xây dựng trên nền tảng tuyệt vời nhờ vào quan hệ ngoại giao lâu dài. Vì thế việc các công ty Thụy Điển tìm đến Việt Nam là điều hoàn toàn tự nhiên. Từ thập niên 1970 đến 1990, Thụy Điển là một trong các nước cung cấp nhiều tài trợ phát triển nhất cho Việt Nam, lên đến 5 tỉ USD theo thời giá hiện tại.

Cũng cần lưu ý đôi khi con số chỉ là một nửa câu chuyện, chẳng hạn như trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Thụy Điển. Trong trường hợp tập đoàn lớn như IKEA, 6% tổng sản lượng sản xuất ở Việt Nam được xuất khẩu trên toàn cầu, và con số này không thể hiện trong kim ngạch song phương.

Đại sứ Thụy Điển kể về 'giấc mơ' Việt Nam

Khai trương Gian hàng Thụy Điển ở Triển lãm Kinh tế Xanh 2024 tại TP.HCM hôm 21.10

 Ảnh: Nhật Thịnh

Ưu tiên thứ hai của tôi là làm sâu sắc hơn quan hệ chính trị và tăng cường các hoạt động trao đổi về lĩnh vực này. Năm nay một thứ trưởng, một bộ trưởng Thụy Điển đã thăm Việt Nam, và dự kiến sẽ có thêm nhiều chuyến thăm song phương cấp cao trong tương lai gần.

Bên cạnh quan hệ chính trị tuyệt vời, quan hệ nhân dân cũng ấn tượng không kém. Số lượng du khách Thụy Điển đến Việt Nam gia tăng sau thời gian gián đoạn vì đại dịch Covid-19. Mọi thứ đang trên đà khởi sắc.

Tôi cũng muốn nhắc đến tin vui gần đây, sau khi Ericsson hợp tác với Viettel và VNPT triển khai mạng 5G. Đó là ví dụ “chất” cho quan hệ Việt Nam-Thụy Điển. Mạng 5G đồng thời mở ra những khả năng mới, chẳng hạn như tự động hóa tại các nhà máy, tạo thêm nhiều việc làm trong lĩnh vực mới. Tôi cho rằng 5G cũng mang đến tiềm năng hợp tác trong các lĩnh vực khác.

Cần nhớ các công ty Thụy Điển luôn là những nhà đầu tư dài hạn và muốn xây dựng mối quan hệ lâu dài. Ví dụ Ericsson đang đầu tư vào các trường đại học Việt Nam, như hợp tác mở các khóa đào tạo về phát triển trí thông minh nhân tạo (AI) ở RMIT. Công tác đào tạo là một phần cốt lõi và xuyên suốt trong quá trình hoạt động của công ty.

Đại sứ Thụy Điển kể về 'giấc mơ' Việt Nam

Khách tham quan Gian hàng Thụy Điển ở Triển lãm Kinh tế Xanh 2024 tại TP.HCM hôm 21.10

 Ảnh: Nhật Thịnh

Phải chấp nhận thất bại để thành công

Về bí quyết giúp Thụy Điển trở thành một quốc gia công nghệ đổi mới sáng tạo đứng thứ hai thế giới, tôi cho rằng đó là sự kết hợp của thực tế chúng tôi là nước xuất khẩu, như Việt Nam. Thụy Điển là quốc gia theo đuổi định hướng xuất khẩu và cần phải đứng đầu để cạnh tranh. Chúng tôi đã quen với việc phải cạnh tranh từ khi còn nhỏ, và trong hệ thống giáo dục của chúng tôi, thành công là điều luôn được hoan nghênh, nhưng nếu muốn thành công thì bạn cần phải thất bại, vì nhiều sự đổi mới sáng tạo được xây dựng trên không ít thất bại. Tôi cho rằng để đạt được sự đổi mới, chúng ta phải chấp nhận và kết hợp thử nghiệm với sai sót. Sai sót thì luôn đầy rẫy ngoài kia.

Bạn cần phải chấp nhận thất bại. Phải như thế. Kế đến bạn rút kinh nghiệm từ những thất bại của mình, tiến hành điều chỉnh và thế là thành công. Nếu nói chuyện với nhiều công ty hàng đầu trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, họ sẽ nói với bạn rằng đó không phải là dự án đầu tiên của họ. Phải chấp nhận sự thất bại vì đó là một phần của quy trình dẫn đến thành công sau này.

Đại sứ Thụy Điển kể về 'giấc mơ' Việt Nam

Đại sứ Thụy Điển Johan Ndisi và cẩm nang ‘Dấu ấn Thương mại Việt Nam-Thụy Điển’

 Ảnh: Nhật Thịnh

Thụy Điển định hướng ra sao để tiếp tục dẫn đầu trong lĩnh vực bền vững?

Tôi cho rằng dẫn đầu về đổi mới sáng tạo là một chuyện, nhưng bạn cần tiếp tục tạo dựng môi trường có thể thử nghiệm và thử áp dụng các ý tưởng. Tại trường học, ở cấp đại học, tất cả đều có trung tâm đổi mới sáng tạo, nơi bạn được phép thử nghiệm và thất bại. Điều đó hoàn toàn bình thường. Và bạn không thể chỉ ngồi yên ở vị trí số 2, mà luôn phải đưa ra những sáng kiến mới.

Nhiều công ty lớn hiện nay nhưng 10 năm trước lại chẳng có tiếng tăm gì. Vì thế bạn cần phải tiếp tục tạo điều kiện cho các công ty lớn ra đời và đủ sức cạnh tranh trên trường thế giới. Cách đây 15 năm, Spotify là cái tên vô danh. Ngày nay, Spotify đặt văn phòng đối diện bên kia đường văn phòng cũ của tôi ở Stockholm. Và những công ty lớn trong tương lai hiện vẫn chưa được khai sinh.

Đại sứ Thụy Điển kể về 'giấc mơ' Việt Nam

Cẩm nang ‘Dấu ấn Thương mại Việt Nam-Thụy Điển’ bản đầu tiên vừa được phát hành

 Ảnh: Nhật Thịnh

Thụy Điển có thể hỗ trợ gì cho Việt Nam về nỗ lực tái tạo và kinh tế tuần hoàn?

Chúng tôi có thể giúp đỡ thông qua các sự kiện như GEFE 2024, nơi các công ty có thể gặp gỡ nhau, đặt câu hỏi, và trình bày những khía cạnh đổi mới sáng tạo. Điều này quan trọng vì người Việt, các công ty và chính phủ Việt Nam biết được Thụy Điển có thể cung cấp những gì. Các bạn cũng biết cách làm sao liên lạc và nguồn tài chính chúng tôi đang sở hữu để tiếp cận những nguồn tài chính này. Chúng tôi có nguồn tài chính và bảo hiểm tín dụng xuất khẩu tốt. Bên cạnh đó, đối với các công ty Việt Nam muốn xuất khẩu sang Thụy Điển, bạn cần biết được những khoản bảo hiểm trong trường hợp phía công ty Thụy Điển phá sản và bạn không được trả tiền. Chúng tôi có các đại lý bảo hiểm để bạn, với tư cách là nhà xuất khẩu, không phải hứng chịu rủi ro.

Cẩm nang “Dấu ấn Thương mại Việt Nam-Thụy Điển” mà tôi đang cầm trên tay là ấn bản đầu tiên cung cấp các hướng dẫn về liên lạc, thông tin phía tổ chức, đại sứ quán, lãnh đạo thương mại, Phòng Thương mại Bắc Âu, liên lạc ở Thụy Điển, các hãng xuất khẩu tín dụng…. Ấn phẩm này sẽ mang đến sự giúp đỡ to lớn (cho phía Việt Nam đang tìm hiểu thị trường Thụy Điển-NV).

Đại sứ Thụy Điển kể về 'giấc mơ' Việt Nam

Gian hàng Thụy Điển gồm 7 công ty chuyên về đổi mới sáng tạo và hoạt động bền vững

 Ảnh: Nhật Thịnh

Lĩnh vực có tiềm năng hợp tác lớn nhất cho Thụy Điển và Việt Nam

Bên cạnh năng lượng, tôi cho rằng ngành dệt may thực sự có tiềm năng. Chúng tôi có một công ty rất quan tâm đầu tư vào Việt Nam và họ có thể tái chế vật liệu polyester hoặc nhựa thành sợi polyester. Đây là công nghệ thực sự thay đổi cuộc chơi vì tạo điều kiện cho kinh tế tuần hoàn 0% khí phát thải, tức đảm bảo net zero. Công ty đang nhận được sự hỗ trợ lớn từ các công ty như H&M, Volvo (liên quan đến túi khí trên ô tô), và IKEA về đồ nội thất.

Công ty này nắm trong tay công nghệ tái chế nhựa và đang tìm kiếm nơi đặt nhà máy lớn đầu tiên. Họ đã có nhà máy thử nghiệm ở Mỹ phục vụ cho nghiên cứu và phát triển, và đang cân nhắc đặt nhà máy lớn đầu tiên tại Việt Nam. Việt Nam đang đứng trước cơ hội thay đổi cuộc chơi với công nghệ tái chế mới, khi dệt may chiếm tỷ lệ đáng kể trong lĩnh vực xuất khẩu.

Nhà ngoại giao thích bánh mì Việt Nam

Sau 2 tháng ở Việt Nam, Đại sứ Johan Ndisi cho hay món ăn khoái khẩu của ông hiện là bánh mì. “Theo tôi, bánh mì rất phù hợp cho bữa trưa”, ông cho biết, thêm rằng đây là món ăn tiện dụng và có thể dễ dàng mang theo người. Trước khi trở thành đại sứ tại Việt Nam từ tháng 8, sự nghiệp ngoại giao của ông Ndisi từ năm 2003 tập trung vào các vấn đề Liên minh châu Âu (EU), châu Phi, chính sách an ninh, thương mại và phát triển. Ông là Đại sứ Thụy Điển tại Albania năm 2016-2019 và làm việc tại Văn phòng Đại diện thường trực tại EU, bao gồm cả trong thời gian Thụy Điển làm Chủ tịch EU năm 2009, cũng như tại Đại sứ quán tại Zimbabwe.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img