Chi phí trọng tài ở Việt Nam thấp hơn nhiều so với nhiều quốc gia trên thế giới, thời gian giải quyết vụ tranh chấp giữa các bên thường nhanh hơn tòa án.
Doanh nghiệp chưa chú trọng về trọng tài quốc tế
Trọng tài thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp do các bên thỏa thuận và được tiến hành theo quy định của luật Trọng tài thương mại. Thỏa thuận trọng tài là thỏa thuận giữa các bên về việc giải quyết bằng trọng tài tranh chấp có thể phát sinh hoặc đã phát sinh.
Theo PGS-TS Trần Việt Dũng, Phó hiệu trưởng Trường đại học Luật TP.HCM, trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu hiện nay, số lượng doanh nghiệp Việt Nam tham gia các giao dịch thương mại quốc tế ngày càng tăng. Song song đó, các tranh chấp phát sinh từ những giao dịch này cũng trở nên phổ biến hơn, đòi hỏi việc giải quyết thông qua trọng tài quốc tế là một giải pháp lựa chọn phù hợp.
Tuy nhiên, thực tế các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa chú trọng trang bị các kinh nghiệm và kiến thức về trọng tài quốc tế vì vậy thường gặp nhiều khó khăn, thách thức và lo lắng khi phải đối mặt với thủ tục trọng tài phức tạp và có chi phí cao.
Cũng theo PGS-TS Việt Dũng, hoạt động trọng tài ở Việt Nam hiện đang phát triển, chi phí trọng tài thấp hơn nhiều so với các nước và quy trình rất ngắn.
Luật sư Phạm Minh Thắng, Công ty luật YKVN, chia sẻ thêm, so với chi phí trọng tài ở Singapore thì ở Việt Nam rẻ hơn rất nhiều. Một phán quyết trọng tài ở Việt Nam thường có sai sót trong tống đạt, chẳng hạn như hội đồng trọng tài gửi nhầm địa chỉ thông báo, đây là một trong những căn cứ mà bị tòa bác bỏ phán quyết của trọng tài.
Phí trọng tài gồm những khoản nào?
Phí trọng tài gồm: thù lao trọng tài viên, chi phí đi lại và các chi phí khác cho trọng tài viên; phí tham vấn chuyên gia và các trợ giúp khác theo yêu cầu của hội đồng trọng tài; phí hành chính; phí chỉ định trọng tài viên vụ việc của trung tâm trọng tài theo yêu cầu của các bên tranh chấp; phí sử dụng các dịch vụ tiện ích khác được cung cấp bởi trung tâm trọng tài.
Phí trọng tài do trung tâm trọng tài ấn định. Trường hợp vụ tranh chấp được giải quyết bởi trọng tài vụ việc, phí trọng tài do hội đồng trọng tài ấn định. Bên thua kiện phải chịu phí trọng tài, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác, hoặc quy tắc tố tụng trọng tài quy định khác, hoặc hội đồng trọng tài có sự phân bổ khác.
Hội đồng trọng tài ra phán quyết trọng tài bằng cách biểu quyết theo nguyên tắc đa số. Trường hợp biểu quyết không đạt được đa số thì phán quyết trọng tài được lập theo ý kiến của chủ tịch hội đồng trọng tài.
Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được phán quyết trọng tài, nếu một bên có đủ căn cứ để chứng minh được rằng hội đồng trọng tài đã ra phán quyết thuộc một trong những trường hợp quy định tại khoản 2 điều 68 của luật Trọng tài thương mại, thì làm đơn gửi tòa án yêu cầu hủy phán quyết này.
Cụ thể, phán quyết trọng tài bị hủy nếu thuộc một trong các trường hợp như:
- Không có thỏa thuận trọng tài hoặc thỏa thuận trọng tài vô hiệu.
- Thành phần hội đồng trọng tài, thủ tục tố tụng trọng tài không phù hợp với thỏa thuận của các bên hoặc trái với các quy định của luật này.
- Vụ tranh chấp không thuộc thẩm quyền của hội đồng trọng tài; trường hợp phán quyết trọng tài có nội dung không thuộc thẩm quyền của hội đồng trọng tài thì nội dung đó bị hủy.
- Chứng cứ do các bên cung cấp mà hội đồng trọng tài căn cứ vào đó để ra phán quyết là giả mạo; trọng tài viên nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của một bên tranh chấp làm ảnh hưởng đến tính khách quan, công bằng của phán quyết trọng tài.
- Phán quyết trọng tài trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.
Hết thời hạn thi hành phán quyết trọng tài mà bên phải thi hành phán quyết không tự nguyện thi hành, và cũng không yêu cầu hủy phán quyết trọng tài, bên được thi hành có quyền làm đơn yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự thi hành phán quyết này.
Nguồn: thanhnien.vn