Sunday, November 24, 2024

Viện kiểm sát tối cao truy tố vụ ‘chuyến bay giải cứu’ giai đoạn 2

Viện KSND tối cao truy tố 17 bị can trong giai đoạn 2 vụ án ‘chuyến bay giải cứu’, trong đó nhiều cựu cán bộ bị cáo buộc nhận hối lộ.

Ngày 23.10, Viện KSND tối cao ban hành cáo trạng truy tố vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2.

17 bị can bị truy tố về các tội đưa hối lộ, nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ và quyền hạn trong khi thi hành công vụ, che giấu tội phạm.

Viện kiểm sát tối cao truy tố vụ 'chuyến bay giải cứu' giai đoạn 2

Viện KSND tối cao ban hành cáo trạng truy tố vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2 (ảnh minh họa)

ẢNH: ĐẬU TIẾN ĐẠT

Nhận hối lộ tiền tỉ

Theo cáo trạng, khi dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, Chính phủ đã chỉ đạo tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước để phòng chống dịch.

Chính phủ giao cho Văn phòng Chính phủ, tổ công tác của một số bộ, ngành và địa phương thực hiện quy trình cấp phép chuyến bay và cho chủ trương cách ly.

Lợi dụng chủ trương của Đảng, Nhà nước và chức vụ quyền hạn được giao, một số cá nhân tại UBND các tỉnh, thành phố đã thỏa thuận đưa, nhận hối lộ, làm trái công vụ để tham mưu, đề xuất chấp thuận chủ trương cho các doanh nghiệp đưa công dân về nước cách ly y tế tại các địa phương.

Các bị can còn trực tiếp hoặc qua trung gian móc nối, thỏa thuận với cán bộ thuộc Bộ Y tế đưa hối lộ nhận hối lộ với số tiền lớn để có văn bản chấp thuận, xét duyệt cho công dân (khách lẻ) về trên các chuyến bay đơn lẻ.

Đáng chú ý, có bị can lợi dụng vị trí công tác hướng dẫn, xúi giục người liên quan khai báo gian dối, che giấu tội phạm, gây cản trở việc điều tra, làm rõ tội phạm của cơ quan chức năng.

Về vai trò cụ thể, Viện KSND tối cao xác định trong số những người bị truy tố, bị can Trần Tùng, nguyên Phó giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Thái Nguyên đã nhận hối lộ 3 lần, tổng số hơn 4,4 tỉ đồng của phía doanh nghiệp.

Ngoài ra, bị can Tùng còn lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ làm trái công vụ để tham mưu, đề xuất UBND tỉnh Thái Nguyên trong việc thực hiện 7 chuyến bay, hưởng lợi số tiền hơn 3,2 tỉ đồng.

Một bị can khác là Lê Thị Phượng, nguyên chuyên viên Phòng Khoa giáo văn xã, Văn phòng UBND tỉnh Hải Dương nhận hối lộ 2 lần, tổng số 650 triệu đồng.

Bị can Nguyễn Văn Văn, nguyên Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam nhận hối lộ 5 lần, tổng số 450 triệu đồng.

Bị can Lê Ngọc Tường, nguyên Phó giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Quảng Nam nhận hối lộ 4 lần, tổng số 400 triệu đồng.

Bị can Nguyễn Mạnh Trường, nguyên chuyên viên Phòng Vận tải hàng không, Cục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT), nhận hối lộ 4 lần, tổng số 244 triệu đồng.

Viện kiểm sát tối cao truy tố vụ 'chuyến bay giải cứu' giai đoạn 2

Các bị cáo trong giai đoạn 1 của vụ án

ẢNH: PHÚC BÌNH

Giai đoạn 2 vụ “chuyến bay giải cứu”

Viện KSND tối cao cho hay, tháng 1.2020, dịch Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc và diễn biến phức tạp. Trước tình hình trên, tháng 3.2020, Chính phủ đã tổ chức 1 chuyến bay giải cứu đưa 30 công dân Việt Nam từ Vũ Hán (Trung Quốc) về nước.

Đến tháng 4.2020, Chính phủ tổ chức một số chuyến bay giải cứu chỉ thu phí vé máy bay và cách ly tại cơ sở quân đội (chuyến bay giải cứu). Tháng 11.2020, do nhu cầu của công dân về nước rất lớn, trong khi việc cách ly và chi phí gặp khó khăn, Chính phủ đã cho phép tổ chức thí điểm 10 chuyến bay công dân tự nguyện trả phí toàn bộ (chuyến bay combo) và giao Tổ công tác của 4 bộ, ngành (Bộ Y tế, Bộ GTVT, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao), sau đó, bổ sung Bộ Công an cùng phối hợp tổ chức các chuyến bay.

Việc tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước được thực hiện dưới 3 hình thức: chuyến bay do cơ quan nhà nước phối hợp tổ chức đưa công dân về nước cách ly tại cơ sở quân đội (gọi tắt là chuyến bay giải cứu); các chuyến bay thí điểm, hình thức trọn gói đón công dân Việt Nam về nước bằng kinh phí tự nguyện của công dân (gọi tắt là chuyến bay combo); chuyến bay đơn lẻ, phát sinh đột xuất ngoài kế hoạch.

Theo các chỉ đạo của Chính phủ thì nhiệm vụ của các bộ, ngành trong việc tổ chức thực hiện các chuyến bay combo như sau: Văn phòng Chính phủ có nhiệm vụ tập hợp tham mưu, đề xuất lãnh đạo Chính phủ phê duyệt kế hoạch tổ chức các chuyến bay theo đề xuất của Bộ Ngoại giao.

Bộ Ngoại giao (thông qua Cục Lãnh sự) có nhiệm vụ xây dựng, đề xuất kế hoạch tổ chức các chuyến bay combo; chủ trì và xin ý kiến, trao đổi thống nhất với các bộ trong tổ công tác và báo cáo, trình lãnh đạo Chính phủ phê duyệt, quyết định và thông báo việc thực hiện chuyến bay.

Bộ Y tế, Bộ GTVT, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an theo chức năng, nhiệm vụ về công tác phòng chống dịch cho ý kiến việc phê duyệt gửi Bộ Ngoại giao; UBND một số tỉnh, thành phố được giao nhiệm vụ cho chủ trương cách ly tại địa phương.

Quá trình thực hiện, một số cá nhân thuộc các bộ, ngành được giao nhiệm vụ cấp phép chuyến bay, cách ly ở địa phương và một số cá nhân đại diện doanh nghiệp, cùng một số đối tượng khác đã thực hiện hành vi phạm tội.

Trong giai đoạn 1 vụ án, Bộ Công an đã khởi tố 54 bị can về các tội đưa hối lộ, nhận hối lộ, môi giới hối lộ, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Tháng 7.2023 TAND TP.Hà Nội xét xử sơ thẩm, tuyên án mức án đối với 54 bị cáo. Đến tháng 12.2023, TAND cấp cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm vụ án nêu trên.

Trong quá trình giải quyết, các cơ quan tố tụng đã tách các nội dung liên quan có dấu hiệu sai phạm nhưng chưa được điều tra làm rõ ở giai đoạn 1 để tiếp tục điều tra, xác minh, làm rõ và kết luận ở giai đoạn 2 vụ án.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img