Bảo ngồi đó, lặng lẽ giữa những âm thanh hỗn độn của thành phố. Chiếc bàn làm việc tràn ngập giấy tờ, báo cáo – những con chữ chết cứng, vô hồn. Màn hình laptop vẫn sáng, nhưng Bảo chẳng buồn nhìn.
Tiếng động cơ xe máy vọng vào từ con hẻm chật chội, nơi những ngôi nhà san sát với bức tường loang lổ rêu phong. Hẻm ấy, nơi cậu lớn lên, từng là sân khấu cho những câu chuyện đời thường, những tiếng cười, và cả những nỗi đau lặng lẽ dịch Covid-19 tràn qua. Bảo đã từng ghi lại tất cả, trong những ngày còn là chàng sinh viên nghèo ôm ấp mộng văn chương. Giờ, giữa lòng thành phố vội vã, cậu thấy mình bế tắc.
Một buổi chiều mưa tầm tã, Bảo đóng laptop, rời khỏi phòng. Lòng cậu trống rỗng, vô định như những giọt mưa tí tách rơi trên mái nhà. Quán cà phê quen thuộc. Âm thanh nhỏ giọt đều đặn của cà phê như một sự an ủi vô hình, lấp đầy không gian tĩnh lặng xung quanh Bảo. Trước màn hình laptop, cậu dường như bế tắc với từng dòng chữ. Ý tưởng đến chậm, và khi hiện ra trên trang, chúng chỉ là những dòng chữ trống rỗng, khô khốc. Cậu cố gắng nhớ lại những câu chuyện từ quá khứ, về những con người, những góc phố hẹp, và những đứa trẻ từng chạy chơi. Nhưng mọi thứ vẫn mờ nhạt, như thể Bảo đang lạc lối giữa chính những kỷ niệm của mình.
Cảm giác thất bại bao trùm. Có phải mình đã mất khả năng viết? Cậu lo sợ niềm đam mê viết giờ chỉ còn lại sự tiếc nuối và hoài niệm.
Bảo giật mình ngước lên khi nghe giọng Hùng, người bạn cũ thời đại học. Hùng hiện giờ là chủ chuỗi quán cà phê nổi tiếng và vài dự án bất động sản đình đám. Nụ cười nửa đùa nửa thật trên môi Hùng như chứa đựng một sự thách thức ngầm.
“Cậu đang làm gì đấy, Bảo?”. Hùng hỏi, giọng điệu nhẹ nhàng nhưng đầy ẩn ý. “Vẫn viết mấy thứ vô nghĩa đó à? Sao không kiếm tiền từ việc này?”.
Câu nói như xoáy vào tim Bảo. Cậu chợt nhận ra khoảng cách giữa mình và Hùng giờ lớn đến chừng nào. Hùng đã thành công theo cách mà bao người ngưỡng mộ, còn Bảo vẫn đang lạc lối trong những trang viết mà chính anh cũng bắt đầu hoài nghi.
Bảo không trả lời. Cậu xoay ý nghĩ của mình về đứa trẻ từ bản làng miền Tây Bắc mà cậu từng gặp trong chuyến đi tình nguyện trước đây. Cậu bé, với đôi mắt chứa đầy nỗi buồn, vẫn khắc sâu trong tâm trí Bảo. Cậu nhớ lại hình ảnh đứa trẻ đứng bên bờ lũ, nhìn vào khoảng trống nơi từng là ngôi nhà của mình. Cậu bé không nói gì, nhưng đôi mắt đã nói lên tất cả. Nỗi đau, sự mất mát, và một thứ gì đó còn mạnh mẽ hơn – hy vọng mong manh.
Bảo đứng dậy, ánh mắt thoáng lướt qua Hùng. Cậu không muốn kéo dài cuộc trò chuyện vô nghĩa. “Đang có chút việc, mình về trước nhá”, Bảo nói, giọng nhẹ bâng.
Bảo không rõ tại sao mình lại chọn quay lại ngôi làng này. Có lẽ vì ký ức, có lẽ vì nỗi nhớ một nơi nào đó mà thực ra cậu chưa từng thuộc về. Nhưng khi xe dừng lại, bụi bám mờ trên kính xe phản chiếu một thế giới xa lạ. Làng không còn như Bảo từng tưởng.
Con đường làng, từng nhỏ hẹp nhưng dễ thương, giờ bị lũ cuốn trôi. Đất bùn phủ kín ngõ ngách, như một bức tranh loang lổ, màu nâu xám của hoang tàn. Bảo bước chậm, đôi chân lún sâu trong bùn lầy, để lại những dấu chân không mong muốn. Những căn nhà xiêu vẹo còn lại, như chờ đợi sự sụp đổ cuối cùng.
Những đứa trẻ cậu từng hứa sẽ tặng tập sách, nhưng ai có thể nhớ được những lời hứa viển vông đó bây giờ? Chúng lớn hơn, không còn hồn nhiên, không còn là những đứa trẻ trong trí nhớ của Bảo. Ánh mắt chúng là sự giao thoa giữa hy vọng cũ và sự thất vọng hiện tại. Nhìn chúng, Bảo tự hỏi: liệu cậu có phải người duy nhất đã thay đổi? Hay là chính thế giới đã biến dạng, lặng lẽ nhưng vô cùng tàn nhẫn, đẩy mọi thứ vào vòng xoáy của thời gian mà không một ai có thể cưỡng lại.
Thực tại này không giống như những gì Bảo tìm kiếm. Có lẽ vì thế mà cậu không thể tìm lại cảm hứng nơi đây. Cảm hứng chỉ là một ảo ảnh. Nó không hiện hữu trong những ngôi nhà xiêu vẹo, trong những ánh mắt mệt mỏi, trong bùn lầy phủ kín đường làng. Nhưng Bảo vẫn ở đây, như một người lạc lối, không biết điều gì đã kéo mình quay lại, chỉ biết nơi này, trong sự hoang tàn và khắc nghiệt, đang phản chiếu chính cậu.
Trong màn sương mờ ảo của buổi sáng, Bảo trao những món quà cho bọn trẻ. Khi Bảo cúi xuống trao quà cho một cậu bé, ánh mắt của thằng bé bắt lấy ánh mắt của cậu, trong vắt nhưng mang theo điều gì đó thật sâu lắng.
“Anh sẽ quay lại chứ?”. Câu hỏi ấy vang lên, nhẹ nhàng nhưng lại xoáy sâu vào lòng Bảo. Bảo đứng lặng một lúc lâu. Lời hứa vốn dĩ dễ dàng thốt ra, nhưng liệu cậu có thực sự quay lại không? Trong ánh mắt chờ đợi của thằng bé, Bảo thấy cả sự mong mỏi và chút gì đó như một tia hy vọng, nhỏ nhoi nhưng rõ rệt.
Cậu gật đầu, nhưng trong lòng lại có điều gì đó trĩu nặng. Liệu sau lần này, cậu có thực sự quay lại hay không? Hay lời hứa đó chỉ là một trong những lời hứa trôi theo sương mù, tan biến khi ánh nắng lên?
Bảo nhận ra những nỗ lực của cậu không phải vô ích, nhưng cậu không thể là người hùng cứu thế. Cậu chỉ là một phần nhỏ trong thế giới này, và điều quan trọng nhất không phải là cậu có thể làm gì cho người khác, mà là cách cậu kết nối với họ.
Trở lại thành phố, Bảo không còn cảm giác mình đã thất bại. Cậu ngồi trước màn hình laptop, bắt đầu viết lại. Cậu viết về những điều mà cậu thấy, những câu chuyện nhỏ, những mảnh đời vụn vỡ thơ dại đáng được yêu thương.
Và khi Bảo viết, cậu nhận ra điều mà cậu đã quên bấy lâu nay: Viết không phải là để đạt được thành công hay cứu rỗi. Đó là cách để cậu tìm lại chính mình, kết nối với những con người xung quanh và cả với thế giới mà cậu đã bỏ lỡ.
Bên ngoài, tiếng động cơ xe máy vẫn vang lên từ con hẻm nhỏ, hòa vào nhịp sống thường nhật của thành phố. Nhưng trong lòng Bảo, cậu không còn thấy mình lạc lối nữa.
***
Những giọt mưa phùn nhẹ nhàng rơi xuống, bám vào tóc và áo Bảo. Cảm giác lạnh lẽo len lỏi vào thịt da, nhưng trong lòng Bảo lại ấm áp. Cậu nhìn quanh, thấy nụ cười ngại ngùng của những đứa trẻ, nhưng cũng nhận ra có những ánh mắt dò xét, như đang đặt ra câu hỏi: “Bọn nó đến đây để làm gì?”.
Một người đàn ông trong làng tiến lại gần Bảo. Ông ta nhìn đống quần áo, tập sách, gạo, mì gói… chất đống trên xe, rồi ngước nhìn Bảo, vẻ mặt chẳng mấy thiện cảm. “Lại những kẻ đi làm màu, muốn nổi tiếng đây mà…”, ông ta buông lời lạnh lùng. Giọng ông nặng nề, như thấm đẫm những nỗi cay đắng của cuộc đời.
Bảo nhìn ông già. Cậu đã gặp nhiều người như vậy trong những chuyến thiện nguyện trước đây, những người không thể tin rằng lòng tốt có thể đến từ trái tim, thay vì để được ghi nhận hay tung hô. Một hồi tưởng chợt hiện lên trong đầu Bảo, về lần đầu tiên cậu cùng mẹ đi phát quà ở một trại trẻ mồ côi. Hình ảnh những đứa trẻ mắt sáng rực khi nhận quà khiến cậu cảm thấy hạnh phúc hơn bất kỳ lời khen nào.
Bảo đã học cách im lặng và hành động thay vì đôi co. Đối với Bảo, không cần phải giải thích quá nhiều, không cần phải chứng minh bản thân. Việc cậu làm là vì chính những người em nhỏ ở bản làng xa xôi, không phải để thuyết phục những người hoài nghi.
Buổi chiều hôm đó, Bảo cùng nhóm thiện nguyện bắt đầu phân phát quà cho các hộ dân trong làng. Từng túi gạo, từng cuốn vở, từng chiếc áo ấm được trao tay. Những đứa trẻ vui mừng đón nhận những món quà, còn các bậc phụ huynh thì có người mừng rỡ, có người lặng lẽ cất đồ vào nhà mà không nói gì. Người đàn ông lúc sáng đứng từ xa, đôi mắt vẫn nhìn đầy nghi hoặc. Trong một khoảnh khắc, Bảo bắt gặp ánh mắt của một bé gái, đôi mắt trong veo, đầy hy vọng. Cậu chợt nghĩ, chính những ánh mắt đó là lý do để mình tiếp tục.
Trời đột nhiên mưa nặng hạt. Mưa rào ào ạt như trút nước, nhưng nhóm thiện nguyện vẫn không ngừng tay. Những người làng vội vã chạy về nhà, riêng ông ta vẫn đứng đó, ánh mắt lạnh lùng nhưng có phần mềm mỏng hơn. Cuối cùng, ông già tiến lại gần Bảo lần nữa, giọng điệu như một thử thách cuối cùng: “Mày làm những việc này… có thực sự vì bọn trẻ không? Cái kiểu phông bạt… đáng ghét”.
Bảo vẫn bình thản, đưa mắt nhìn người đàn ông. Dưới ánh mưa nhạt nhòa, Bảo cười nhẹ. “Chú có thể nghĩ gì cũng được. Nhưng với bọn cháu, thấy tụi nhỏ cười, thấy người ta đỡ khổ, là đủ rồi”.
Ông già im lặng. Một khoảng không gian căng thẳng giãn ra giữa hai người xa lạ. Giây phút này, dường như Bảo và người đàn ông ấy đang thử lòng nhau. Mưa vẫn rơi! Bảo vẫn đứng đó, không ngần ngại trước những lời nghi ngờ. Rồi, ông ta quay lưng bước đi, để lại một cảm giác như mưa đã gột rửa phần nào sự nghi ngại của mình.
Một tuần sau chuyến đi ấy, trên mạng xã hội bất ngờ lan truyền một đoạn video quay lại cảnh Bảo trao quà cho người dân, kèm theo những bình luận mỉa mai rằng Bảo “làm màu”, “chỉ muốn được nổi tiếng”. Những lời chỉ trích vô căn cứ ấy như ngọn lửa lan nhanh.
Bạn bè, đồng nghiệp của Bảo xôn xao, ai cũng lo lắng cho Bảo. Một người bạn thân của Bảo gọi điện ngay trong đêm, giọng đầy lo lắng: “Bảo, có phải Bảo thấy đoạn video rồi không? Bảo phải làm gì để đính chính đi chứ!”. Bảo bình tĩnh trả lời: “Tao biết, nhưng mà không sao đâu”.
Những tin đồn tiếp tục lan truyền, thậm chí có người bắt đầu điều tra về nguồn gốc của các khoản quyên góp mà Bảo và nhóm thiện nguyện của Bảo nhận được. Một ngày nọ, khi Bảo đang chuẩn bị cho chuyến thiện nguyện tiếp theo, một phóng viên bất ngờ tìm đến nhà Bảo.
“… Chúng tôi muốn tìm hiểu sự thật về các hoạt động từ thiện của anh. Anh có thể giải thích rõ không?”.
Bảo mỉm cười, mời phóng viên ngồi xuống và từ tốn trả lời: “Anh có thể tự mình kiểm tra mọi giấy tờ và sao kê liên quan. Chúng tôi không có gì để giấu diếm. Nhưng tôi cũng muốn nói rõ rằng, tôi làm những việc này không phải để được công nhận…”.
Mấy tháng sau, Bảo nhận được một lá thư có dấu bưu điện sau khi câu chuyện của mình dần lắng xuống. Người gửi chính là người đàn ông trong làng hẻo lánh mà cậu đã gặp hôm mưa.
Đêm đó, Bảo mở laptop, tiếp tục viết. Cậu viết về những đứa trẻ với đôi mắt sáng, về những cơn mưa rơi trên mái nhà cũ nát, về bà Sáu – người mẹ đã dạy Bảo cách cho đi mà không cần nhận lại. Những dòng chữ chảy ra từ trái tim Bảo, như dòng suối trong lành sau cơn mưa.
Nguồn: thanhnien.vn