Sunday, November 24, 2024

Qua bão nhìn nhau – Truyện ngắn của Thanh Trúc

Lại thế. Bà Thịnh làu bàu bình luận. Nhưng hôm nay bà còn vỗ cả đùi. Tiếng đanh nghe cứ như đập muỗi. Rồi bà thét thật to, “Sắp bão”. Chị giật nảy. Bọt rửa chén bắn lên mặt nhếch nhác.

1. Lại thế. Bà Thịnh giật lấy quả trứng khỏi tay chị. Ngón trỏ miết lên vỏ nhẵn, như muốn ấp vội bọn vịt, rồi đập vỡ bằng cái bực dọc hừng hực nóng. Chẳng ai được ăn quá hai quả trong tuần. “Mì còn dư, lại muốn trương ra rồi húp?”. Bà liếc sắc lẹm, như lưỡi móc câu thọc vào miệng cá.

Lại thế. Bà Thịnh hất nghiêng cán chổi. Mớ bụi mịn dính mắc rắc khắp bậc thềm. Bọn kiến nhích chân sang thứ hỗn độn dưới sàn. Những vệt ngang dọc như một loại ký hiệu đánh dấu. “Có quét cái nhà cũng chẳng xong, rồi lại tới tay bà già này”. Bà gằn giọng để âm thanh giống lọt qua khe đá. Những tiếng nói như được phát sóng bằng thứ âm vực vượt ngưỡng. Chị chợt cảm thấy chói tai.

À không, phải là chị thấy mình như đang ở tầng 18. Những bực dọc sau hai năm làm dâu như một căn phòng chất đầy đồ cũ ngột ngạt mà đụng tới cái gì cũng chẳng nỡ vứt. Thứ không khí tù đọng và bức bối khiến chị luôn căng cứng người. Một loại tư thế kháng cự. Chẳng biết bắt đầu từ đâu, bao giờ, mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu lại đi tới chung điểm. Đôi mắt chẳng muốn nhìn nhau và cửa sổ tâm hồn cũng đóng chặt với hàng mi như ba làn ổ khóa. Chị bóp ghì miếng chà xoong đang lõng bõng nước rửa chén. Đôi tay đã chẳng còn mịn. Làm vợ lính thì phải chịu nhiều gian khổ, chị biết trước, nhưng ai nghĩ lại là nỗi khổ này? Nỗi khổ của nàng dâu không hợp mẹ chồng. Nỗi khổ cần chia sẻ lại chẳng có chồng bên cạnh. Hai người phụ nữ vắng tình thương cọ xát tóe tia lửa giận dỗi. Tự nhiên chị thấy mệt mỏi như vừa đi nắng vừa vác bao gạo hai mươi cân.

Gió đập vài nhánh cây vào cửa kính. Hơi lạnh tắt ngúm trước cái trừng mắt của bà Thịnh. Vậy là gió chỉ còn tiếng xào xạc lá bàng. Bà Thịnh đang quét mớ rác ra ngõ. Cái chổi hất bụi tung, kéo mớ bùi nhùi vào góc nhà hàng xóm. Có tiếng mở cổng. Hình như nhà bên cũng cầm chổi. Tiếng kéo xàn xạt như tức tối. “Ái chà, bắt tận tay. Ai cho bà quét rác vào nhà tôi, hửm?”. Là bà Qua. Làm nghề bán thịt ngoài chợ và thích hát karaoke, bà Qua có tông giọng khỏe. Chị khẽ ngừng tay, ngó chừng. Bà Thịnh cũng dừng chổi. Bà chống nạnh tự tạo điểm tựa. Rồi bà cong cớn cằm: “Rác quét ra, chả lẽ vớt vào nhà”. Đoạn bà Thịnh hất vội mớ bụi, đập chổi hai ba lần, rồi ngúng nguẩy đi vô. Bà Qua sững, rồi bà Qua tỉnh thần. “Ơ cái con mụ dám làm không dám nhận”. Tiếng chổi lại xào xạc. Tiếng lầm bầm chửi vẫn văng vẳng vọng. Bà Thịnh chọn ngó lơ.

Chị chép miệng. Bà Thịnh có vẻ chẳng bao giờ muốn đi đường thẳng. Bà luôn có cách riêng để khiến người ta giận. Rồi bà lại hả hê tới độ ăn thêm được vài ba chén. Chị chợt nhớ tới Phong. Người chồng điềm đạm luôn giành đi bên ngoài mỗi lúc dắt chị ra đường. Một anh chàng mặc áo lính giàu đức hy sinh. Chẳng lẽ trúc xấu ra măng tốt? Chị nhìn ngoài hiên. Gió đã lặng kỳ lạ. Những khoảng trống vô định trong căn nhà không ấm trở nên tê tái. Chị muốn gặp Phong, nhưng không phải vì nhớ.

Rồi chị lại thở dài. Mẹ chị bảo con gái thở dài sẽ khổ. Nhưng cái khổ có khi chẳng bắt đầu bởi một tiếng thở. Từ ngày lấy Phong rồi ở cùng bà Thịnh, có bao giờ chị vui sướng? Chị như cái chậu cây mà Phong đem về dịp Tết hãy còn yếu ớt vì chưa quen khí hậu, bị bà Thịnh tưới sũng dù đang trong cơn mưa. Người ta luôn có vô số cách làm khổ nhau. Nghĩ tới vài điều, tiếng thở dài lại bật trút từ khoang mũi.

“Lại chờ bà đây hầu ăn?”.

Lại thế. Bà Thịnh thích dùng câu hỏi cho thể mệnh lệnh. Chị mím môi đến dọn bàn. Những bữa cơm chẳng bắt đầu khi mình đói. Chị nén bụng chờ bà Thịnh hết no và con chó trong nhà đòi xúc xích. Chị cảm thấy mình đã đánh mất dạ dày trong vô số nhẫn nhịn. Phong có biết không? Phong biết, nhưng anh như khúc gỗ lềnh bềnh trôi giữa hai bờ bồi lở. Anh ngờ nghệch đến độ chẳng nỡ làm ai buồn. Phong cứ háo hức về nhà, rồi bứt rứt quay lại bộ đội. Phong thương chị không? Phong thương. Nhưng anh cũng thương mẹ đã một mình nuôi anh lớn. Thương cả con chó già giữ nhà nhiều năm. Những tình thương khiến anh chẳng thể lựa chọn. Có đôi khi trong một cơn giận dỗi, chị nghĩ tới cái tình thương bao la của anh. Phải chăng vì tranh giành tình thương mà bà Thịnh mới không vui với chị như thế? Nhưng tình thương nào là cái để tranh giành? Chị cũng chẳng có nhiều hơn.

Lại thế. Bà Thịnh ngồi võng. Cái võng kẽo kẹt lay dưới chân đẩy. Tay bà cầm lấy chiếc điện thoại thông minh. Bà thích lướt tin tức sau bữa tối. Những âm thanh ồn ào của tiếng nói và nhạc hiệu chương trình. Bà Thịnh luôn mở loa to khi chị lọ mọ rửa chén. Chị lại ghì chặt miếng chà xoong như bao lần. Chẳng lúc nào chị nghĩ mình sẽ ghét một người tới nỗi chỉ cần nghe âm thanh cũng có thể bực dọc. Nhưng bây giờ chị đã bắt đầu nghĩ tới. Chị thậm chí còn chẳng dám muốn một đứa con dù rất yêu chồng. Chị sợ nó lớn lên trong tiếng ồn cãi vã. Gần đây, chị đã nghĩ kỹ tới cả sự ra đi. Chỉ chờ Phong về.

Lại thế. Bà Thịnh làu bàu bình luận. Nhưng hôm nay bà còn vỗ cả đùi. Tiếng đanh đách nghe cứ như đập muỗi. Rồi bà thét thật to, “Sắp bão”. Chị giật nảy. Bọt rửa chén bắn lên mặt nhếch nhác. Bà lại tiếp “Gần chỗ mình”. Sau đó là một khoảng lặng. Chị nhìn ra cửa sổ. Cây cối im lìm đến chẳng có nổi một cơn gió lay cành. Chị nhìn về khe tường. Bầy kiến ôm trứng bò thành đàn nhung nhúc nhìn rợn cả da. Chị lại ngó về con chó già. Nó đang khục khặc dùng móng cào cái ghế gỗ. Rồi chị lại trông về chiếc điện thoại trên bàn. Một sự chờ đợi chẳng biết liệu có ngày mai.

Qua bão nhìn nhau - Truyện ngắn của Thanh Trúc

ẢNH: THIÊN ANH

2. Tối. Gió bắt đầu rít. Những cơn gió kèm mưa đủ khiến người ta ù tai dưới mái nhà bằng tôn lạnh. Bà Thịnh chặn cửa sổ, rồi nằm trong võng ngó ra. Chị ngồi bên con chó già. Chị nhớ tới tin nhắn ban nãy. Phong sẽ chẳng về như lời hẹn. Đôi vai của anh đang gánh cả một bầu trời trĩu gió. Lệnh điều động được hỏa tốc trong đêm. Hai từ “Chờ anh” tự nhiên nặng tới thắt ngực. Đơn ly hôn đã được ký sẵn, gấp gọn trong ngăn kéo hộc tủ. Nhưng anh lại chẳng thể về. Mỗi giây lại kéo dài lê thê cái khắc khoải, cũng chùn chân mỏi gối chị trước những vẩn vơ. Chị sợ lại thêm vài ba ngày nữa, chút quyết tâm mới góp đủ sẽ theo gió bão mà bay tới tận ngoài khơi. Nhưng chính là, Phong chẳng thể về.

Lại thế. Chị choàng tỉnh bởi những tiếng ồn. Mà hình như chị cũng chẳng ngủ cả đêm qua. Giấc ngủ chập chờn bởi vài sự sốt ruột tới nóng ran bụng. Bà Thịnh đang quét sân xàn xạt. Gió mưa hôm trước như một đợt kéo co. Kéo ngã hàng bàng già, trụ đèn giao thông cùng cây cột điện cạnh rạp chiếu bóng. Giữa hàng cây gãy đổ, người ta đã bắt đầu đi lại. Những vũng nước như biến phố phường thành Venice ở Ý, nhưng không đẹp được vậy. Nước ngập đầy bùn đất, với chất nhầy lênh láng. Vài mái tôn ngã đổ. Bà Qua cũng đang hốt mớ lá trước nhà. Những đống lá bị gió bão thổi rơi, dính sát rạt dưới đường bởi nước mưa như keo dán ống nhựa, nhầy nhụa và khó tróc. Bà Qua mím chặt môi. Cái chân bị trẹo vì tai nạn hãy còn khập khễnh. Bà ta có vẻ đau đớn. Kìa. Chị nín thở nhìn bà Thịnh đang cầm chổi lại gần bà Qua. Mưa bão mà bà cũng định gây chiến? Rồi chị thấy bà Thịnh lại chống nạnh tạo điểm tựa, cằm cong cớn quen thuộc. “Có thế này mà cũng khảy không lên?”. Nói đoạn, bà Thịnh chà chổi dưới nền, dùng sức bung mở cái chắp nối của đám lá ướt. Mớ lá bong tróc, theo cán chổi lung lay chạy về sọt rác. Bà Qua đứng đó há hốc mồm. Bà Qua lại bị sững. Lát sau, bà Qua tỉnh thần. “Ơ cái con mụ dám làm không dám nói. Bộ giúp người cũng khó mở lời?”. Bà Qua huých vai. Cái chổi cũng chà mạnh dưới đất. Miệng bà Thịnh bĩu ra cố ngăn mấy giọt cười. Chẳng hiểu sao, chị chợt có chút thinh lặng.

Lại thế. Cả ngày nay bà Thịnh sai bảo chị đủ việc. Nhưng không phải cho bà. Khu phố đang cong lưng dọn dẹp đống hoang tàn sau bão. Chỉ bị tạt vài cơn gió vì ảnh hưởng vùng rìa, vậy mà nơi đây vẫn trơ trọi tới lạ lẫm. Chị cùng bà Thịnh vừa dọn xong nhà mình, đã vội chạy đi hỗ trợ hàng xóm. Bọn trẻ con đang nghịch nước trước mái hiên, dùng nhành cây gãy tát nước như một thú vui. Người lớn thì đẩy cây gãy vào lề, dọn dẹp thứ lộn xộn ngoài phố. Họ cũng bắt đầu cười nói. Qua cơn bão, nỗi sợ hãi tối qua như đã bị lãng quên. Nhiều người mạnh miệng, cái gì mà siêu bão, chả phải là chỉ đổ vài cái cây?

Không, chị lắc đầu trong bụng, nào chỉ là vài cái cây. Nếu đơn giản thế thì Phong đã có thể hồi âm tin nhắn. Anh được điều đi chống bão, vào ngay vùng bị thiệt hại nặng. Gần một ngày mất liên lạc. Chị chợt muốn anh như cơn gió ngoài trời, thổi tới cho chị vài lời nhắn nhủ. Chị chỉ muốn biết anh có bình an, dù rằng họ sắp ly hôn. Chị cũng chẳng biết liệu họ có ly hôn.

Lại thế. Bà Thịnh nằm trên võng. Tay bà cầm điện thoại lướt mạng. Chị lọ mọ rửa mớ chén nồi. Những âm thanh cuộc sống như làm người ta quên khuấy những trắc trở. Nhưng sao nay nghe bà Thịnh có vẻ lạ lẫm. Bà trầm ngâm và thiếu hẳn tiếng bình luận. Lát sau bà chỉ hô nhỏ, “Tội quá”. Giọng bà xót xa hệt Phong, những lúc anh thấy đồng bào bị đói khổ. Rồi bà đứng bật dậy. Chị nghe tiếng bà mở tủ trong phòng. Thanh âm sột soạt như đang khui mở một bọc nhựa kèm giấy. Khá lâu sau, bà đi về phía bếp.

“Đây” – Bà chìa một xấp tiền được gói kỹ – “Mày biết chuyển khoản, thì chuyển hộ mẹ nhiêu này vào quỹ cứu trợ đồng bào bão lũ của Trung ương”. Như nghĩ tới gì, bà Thịnh lại nâng cằm cong lên: “Cấm có ăn quỵt!”. Chị chùi tay vào tạp dề, nhận mớ tiền có chẵn, có lẻ. Những đồng tiền cũ, mới đan xen, như được tích trữ từ cái thời xa lắc. Bà Thịnh thấy chị im ru, liền nhíu mày: “Lại ngẩn người? Hay mày tiếc? Đừng quên chồng mày là quân nhân”. Chị vội lắc đầu. Tiếng dạ khẽ khàng bật từ cánh môi. Bà Thịnh nhắc đôi câu, rồi trở ra chiếc võng. Cái điện thoại vẫn đang phát tình hình lũ lụt, sạt lở. Những đứa trẻ vùng cao đã chẳng thể về nhà…

3. Khác thế. Chị bóp ghì miếng rửa xoong. Đã năm ngày Phong như mất hút. Tình hình lũ lụt vẫn rất cam go. Nhưng ít ra cũng nên có một chút tin tức. Chị đã chẳng nghĩ nổi đến cái đơn ly hôn trong ngăn kéo. Chị chỉ nhớ Phong.

Bà Thịnh gần đây cũng trầm ngâm và bớt câu châm chọc. Chắc là bản năng và trực giác người mẹ. Chị thấy bà hay nhìn chị rồi ngẩn người. Cái nhìn chứa đầy sự phức tạp.

“Vào ăn”. Bà Thịnh gọi to. Đã bớt hẳn những câu hỏi dạng mệnh lệnh. Khác thế. Chẳng lẽ bão lũ làm người ta sống thiện lành với nhau?

Tiếng chén đũa lách cách vang. Ngôi nhà lại trở về cái không khí quánh đặc tới ngột ngạt. Họ dường như có quá nhiều điều để nói, lại dường như chẳng thể nói cái gì. Hai năm như một. Chị và cơm trong vô thức. Chị lại nhớ tới Phong.

“Cả tuần nay nó có nhắn gì không?” – Bà Thịnh đột ngột cất tiếng.

Chị lắc khẽ đầu, “Vẫn chưa. Điện thoại ngoài vùng phủ sóng”. Đoạn chị đặt xuống chén cơm, môi mím chặt.

Bà Thịnh nén tiếng thở dài. Nhưng trong hơi thở nặng nhọc, chị biết bà cũng khó chịu chẳng kém. “Tao thấy cái đơn ly hôn trong tủ rồi. Nó có gọi thì đừng vội nói. Cái gì cũng chờ nó bình an về nhà rồi tính. Mày hiểu ý mẹ không?”. Giọng bà Thịnh có vẻ van lơn.

Chị ngẩng phắt đầu. Đôi mắt hai người hiếm hoi đối diện nhau, rèm mi cũng mở tung làn khóa. Chị lắp bắp gọi mẹ hai tiếng, rồi im bặt. Con chó già đang dụi đầu vào chân chị. Đã tới giờ nó được ăn xúc xích. Chị xoa khẽ đầu nó, rồi ngẩng mặt nhìn bà Thịnh. Giọng chị khàn khàn, nhưng kiên định:

“Con sẽ chờ anh về”.

 
 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img