Friday, November 22, 2024

Thương mại điện tử dược phẩm: Bổ sung quy định, tránh khoảng trống pháp lý

Kinh doanh theo phương thức thương mại điện tử là phương thức kinh doanh mới, xu hướng tất yếu. Với dược phẩm, bổ sung quy định, xây dựng hành lang pháp lý đối với phương thức kinh doanh thương mại điện tử để tránh khoảng trống pháp lý.

Thương mại điện tử ngày càng trở nên phổ biến

Trong bối cảnh đổi mới liên tục của công nghệ và ảnh hưởng của tình hình đại dịch COVID-19 trong thời gian qua và ứng dụng ngày càng rộng rãi của công nghệ thông tin trong thương mại, việc mua bán theo phương thức thương mại điện tử ngày càng trở nên phổ biến trên thế giới và tại Việt Nam.

Theo một số nghiên cứu, tại Việt Nam, số lượng người tiêu dùng kết nối trong năm 2015 là 23 triệu người, tuy nhiên, con số này được dự đoán sẽ tăng gần gấp đôi, đạt 40 triệu người trong năm 2025, chi tiêu hàng năm của người tiêu dùng kết nối tại Việt Nam sẽ tăng mạnh trong những năm tới.

Qua đó, có thể thấy việc kinh doanh theo phương thức thương mại điện tử là phương thức kinh doanh mới, xu hướng tất yếu trong thời đại công nghệ số. Do đó cần bổ sung, xây dựng hành lang pháp lý đối với phương thức kinh doanh trên trong lĩnh vực dược để tránh khoảng trống pháp lý đối với vấn đề này.

Thương mại điện tử dược phẩm: Bổ sung quy định, tránh khoảng trống pháp lý

Dự thảo luật Dược sửa đổi bổ sung quy định về thương mại điện tử với dược phẩm, tránh khoảng trống pháp lý ẢNH: LIÊN CHÂU

Quy định chặt chẽ với cơ sở dược kinh doanh thương mại điện tử

Dự kiến, luật Dược sửa đổi sẽ bổ sung quy định yêu cầu một cơ sở muốn thực hiện thương mại điện tử phải được đánh giá cụ thể điều kiện về cơ sở vật chất, nhân sự, hồ sơ tài liệu và phải được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược. Nghĩa là, đây phải là một cơ sở kinh doanh hiện hữu, đã được cấp phép kinh doanh theo phương thức truyền thống. Bán hàng trực tuyến chỉ là một hoạt động được thực hiện song song với bán hàng truyền thống.

Do đó, dù kinh doanh theo phương thức truyền thống hay kinh doanh trực tuyến, cơ sở vẫn phải tuân thủ các quy định chung.

Theo đánh giá của một chuyên gia, phương thức kinh doanh mới này có nhiều tác động đến hình thức bán lẻ hơn là bán buôn do có liên quan đến việc tương tác với khách hàng. cơ sở bán lẻ thuốc có trách nhiệm cung cấp thông tin cho khách hàng về thuốc và tư vấn sử dụng thuốc.

Tại dự thảo luật Dược sửa đổi quy định cơ sở khi kinh doanh theo thương mại điện tử có trách nhiệm:

+ Đăng tải, cung cấp thông tin về Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược của cơ sở, thông tin về thuốc;

+ Phải tổ chức tư vấn, hướng dẫn cách sử dụng thuốc trực tuyến theo đúng quy định của pháp luật cho người mua thuốc và tổ chức thực hiện hoạt động vận chuyển thuốc đến người mua theo quy định.

+ Thông báo tới cơ quan Sở Y tế trước khi thực hiện bán hàng theo phương thức thương mại điện tử.

Dự kiến, khi Luật dược sửa đổi được ban hành, các Thông tư hướng dẫn thực hành tốt bán lẻ thuốc sẽ được điều chỉnh và sửa đổi theo và có các yêu cầu cụ thể đối với hoạt động của cơ sở kinh doanh thuốc theo hình thức thương mại điện tử, bao gồm cả cách thức tiến hành, tư vấn hướng dẫn sử dụng thuốc, trách nhiệm của người phụ trách chuyên môn đối với việc bán thuốc trên môi trường điện tử cho phù hợp với đặc thù của hình thức kinh doanh này (ví dụ như việc kiểm soát, phê duyệt cấp phát thuốc của cơ sở bán lẻ; việc tư vấn và ghi lại nội dung thông tin tư vấn sử dụng thuốc trước khi thuốc được giao cho khách hàng…), quy định nhận đơn hàng trực tuyến nhưng trước khi thực hiện việc bán phải có liên hệ trực tuyến hoặc bằng điện thoại để xác định có thuộc trường hợp được bán thuốc không, tư vấn sử dụng trước khi bán thuốc cho người mua.

Kinh doanh dược theo phương thức thương mại điện tử là một chính sách mới, dự kiến, giai đoạn đầu, dự thảo Luật quy định chỉ cho phép bán lẻ các thuốc thông thường, thuộc danh mục thuốc không kê đơn mà không phải là thuốc phải kiểm soát đặc biệt; thuốc, nguyên liệu làm thuốc được bán buôn sẽ thuộc danh mục các thuốc, nguyên liệu không phải kiểm soát đặc biệt.

Để đảm bảo công tác cung ứng thuốc cho người bệnh được liên tục, dự thảo cũng quy định trường hợp đặc biệt khi có cách ly y tế khi có bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A đã được công bố dịch theo quy định của pháp luật về phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, cơ sở được phép bán thuốc kê đơn.

Sau quá trình triển khai, cơ quan chủ trì sẽ đánh giá, rà soát lại để xem xét có điều chỉnh các chính sách này trong trường hợp cần thiết.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img