Tuesday, November 26, 2024

Viện KSND TP.Mỹ Tho: Cựu đại tá Đoàn Văn Thanh phạm tội không vì lợi lộc

Viện KSND TP.Mỹ Tho (Tiền Giang) giữ quyền công tố tại tòa tranh luận rằng cựu đại tá Đoàn Văn Thanh, Trưởng công an TP.Mỹ Tho phạm tội không vì lợi lộc vật chất mà vì muốn nâng cao uy tín, địa vị…

Chiều 23.10, TAND TP.Mỹ Tho (Tiền Giang) tiếp tục xét xử sơ thẩm vụ án lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ đối với 3 bị cáo Đoàn Văn Thanh (60 tuổi, cựu đại tá, Trưởng công an TP.Mỹ Tho), Võ Trần Chí Công (40 tuổi), Phạm Thị Quỳnh Anh (39 tuổi, cùng là cựu cán bộ Đội xử lý vi phạm hành chính, Công an TP.Mỹ Tho).

Cựu đại tá Đoàn Văn Thanh kêu oan

Trong phần bào chữa, luật sư bào chữa và bị cáo Đoàn Văn Thanh cho rằng, bị cáo bị truy tố ra tòa là oan sai. Bởi, đối chiếu với hướng dẫn của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao (tại mục 7, 8 điều 3 Nghị quyết số 03/2020/NQ-HĐTP ngày 30.1.2020) thì bút phê cho phạt cảnh cáo (đối với thân nhân của cán bộ trong và ngoài ngành công an) không có yếu tố vụ lợi, cũng như động cơ cá nhân khác. Đơn giản chỉ là áp dụng pháp luật xử phạt hành chính chưa đúng với hình thức xử phạt.

Viện KSND TP.Mỹ Tho: Cựu đại tá Đoàn Văn Thanh phạm tội không vì lợi lộc

Các bị cáo Võ Trần Chí Công, Đoàn Văn Thanh và Phạm Quỳnh Anh (từ phải sang) tại phiên tòa sơ thẩm ngày 23.10

ẢNH: BẮC BÌNH

Ngoài ra, trong trường hợp hơn 10 vụ có mức xử phạt trên 10 triệu đồng dẫn đến bị truy tố trong vụ án này, bị cáo Đoàn Văn Thanh chỉ bút phê cho cấp dưới xem xét tình tiết giảm nhẹ cho người vi phạm. Sau đó, cấp dưới không tham mưu văn bản nào lên để Thanh ký quyết định phạt cảnh cáo. Do đó, đối chiếu với trình tự 3 bước trong xử phạt hành chính, bị cáo chỉ mới hoàn thành bước đầu, tức chưa có bất kỳ quyết định phạt cảnh cáo nào do bị cáo ký.

Tương tự, cơ quan điều tra và Viện KSND tỉnh Tiền Giang căn cứ vào kết quả giám định tư pháp đối với 10 vụ có mức xử phạt trên 10 triệu đồng để kết luận điều tra, truy tố bị cáo là chưa đủ cơ sở pháp lý. Và đó cũng là căn cứ duy nhất để khởi tố, truy tố bị cáo. Trong khi cơ quan điều tra không có thẩm quyền giám định tư pháp trong lĩnh vực xử lý vi phạm hành chính (cụ thể là trái với quy định tại điều 3, Thông tư 40/2022-TT-BTC của Bộ Tài chính về giám định, có 8 lĩnh vực thuộc trường hợp giám định tài chính thì không có trong lĩnh vực xử lý vi phạm hành chính).

Bị cáo Đoàn Văn Thanh và luật sư của mình cũng cho rằng, Viện KSND tỉnh Tiền Giang ban hành cáo trạng truy tố ra TAND TP.Mỹ Tho để xét xử bị cáo là chưa phù hợp với quy định tại khoản 2 điều 268 bộ luật Tố tụng hình sự. Bởi, trong giai đoạn 2010 – 2016, bị cáo Thanh là Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Mỹ Tho, tức là cán bộ chủ chốt của địa phương nên không thuộc diện đối tượng TAND TP.Mỹ Tho xét xử mà phải là TAND tỉnh Tiền Giang xét xử sơ thẩm.

Ngoài ra, bị cáo cho rằng, phía Công an tỉnh Tiền Giang và Viện KSND tỉnh Tiền Giang áp dụng pháp luật đối với bị cáo là thiếu công bằng. Bởi, có nhiều trường hợp là kiểm sát viên, công an xin bị cáo phạt cảnh cáo và được bị cáo giúp đỡ. Tuy nhiên, các trường hợp nhờ cậy bị cáo sau đó vẫn lên chức, chuyển qua chức vụ cao hơn nhưng Giám đốc Công an tỉnh và Viện trưởng Viện KSND tỉnh Tiền Giang không xem xét trách nhiệm của họ mà lại cho khởi tố, truy tố bị cáo.

Viện KSND TP.Mỹ Tho tranh luận gì với quan điểm phía bị cáo?

Tranh luận với quan điểm bào chữa của phía bị cáo Đoàn Văn Thanh, 2 kiểm sát viên giữ quyền công tố tại tòa cho rằng, hành vi phạm tội của bị cáo Thanh thực tế đã cấu thành tội phạm lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ. Bởi, trong 10 vụ vi phạm hành chính có mức xử phạt trên 10 triệu đồng/vụ thì pháp luật không có quy định được áp dụng cho phạt cảnh cáo.

Viện KSND TP.Mỹ Tho: Cựu đại tá Đoàn Văn Thanh phạm tội không vì lợi lộc

Viện KSND giữ quyền công tố tại tòa

ẢNH: B.B

Đại diện Viện kiểm sát giữ quyền công tố cũng khẳng định, bị cáo Thanh bút phê cho phạt cảnh cáo không phải vì lợi lộc vật chất, phạm tội không vì lợi lộc vật chất mà vì muốn nâng cao uy tín, địa vị danh dự bản thân. Đó chính là động cơ khác.

Ngoài ra, việc Viện KSND tỉnh Tiền Giang quyết định truy tố bị cáo Đoàn Văn Thanh và 2 đồng phạm ra TAND TP.Mỹ Tho cũng đúng quy định pháp luật. Bởi, bị cáo đã không còn là Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Mỹ Tho nên bị cáo tất nhiên không phải là cán bộ chủ chốt của địa phương…

Nói lời sau cùng, bị cáo Đoàn Văn Thanh tiếp tục kêu oan và cho rằng hành vi của mình chỉ ở mức độ vi phạm về hành chính nên việc bồi thường thiệt hại cho ngân sách nhà nước là phù hợp, truy tố bị cáo và 2 thuộc cấp là quá nặng.

HĐXX sơ thẩm vụ cựu đại tá Đoàn Văn Thanh và 2 đồng phạm được nghị án kéo dài và dự kiến tuyên án vào ngày 25.10.

Ngày 12.6, Viện KSND tỉnh Tiền Giang ban hành cáo trạng truy tố Đoàn Văn Thanh cùng 2 đồng phạm về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ.

Theo cáo trạng, từ năm 2013 – 2016, có 253 hồ sơ vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông và trật tự được đại tá Đoàn Văn Thanh bút phê chỉ đạo phạt cảnh cáo vì các hồ sơ này được người thân hoặc người trực tiếp vi phạm có đơn xin được phạt cảnh cáo với nhiều lý do. Hành vi này gây thiệt hại cho ngân sách hơn 650 triệu đồng, trong đó có 10 hồ sơ gây thiệt hại trên 10 triệu đồng, với tổng số tiền hơn 183 triệu đồng. Mặc dù đại tá Thanh bút phê hoàn toàn vì “tình đồng chí”… và không có tiêu cực, vụ lợi nhưng đã cấu thành tội phạm. Đoàn Văn Thanh đã nộp số tiền 650 triệu đồng để khắc phục hậu quả.

Võ Trần Chí Công và Phạm Thị Quỳnh Anh là đồng phạm với Thanh. Cụ thể, Công đã không xử phạt hành chính 130 hồ sơ nêu trên theo chỉ đạo phạt cảnh cáo của Thanh, gây thiệt hại 385 triệu đồng; Phạm Thị Quỳnh Anh xử lý sai quy định 42 hồ sơ vi phạm hành chính theo chỉ đạo phạt cảnh cáo của Thanh gây thiệt hại 166 triệu đồng.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img