Yên Nhân là xã miền núi của huyện Thường Xuân, song từ sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị và Nhân dân đưa địa phương dần vượt qua khó khăn, phát huy nội lực phát triển kinh tế.
Xã Yên Nhân là xã vùng cao của huyện miền núi Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Với xuất phát điểm thấp, hạ tầng thiếu đồng bộ, nguồn lực trong Nhân dân hạn chế nên ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế của địa phương. Ngay cả trong triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM) cũng gặp rất nhiều khó khăn. Do vậy, cấp ủy, chính quyền và Nhân dân xã Yên Nhân đã vào cuộc mạnh mẽ, phát huy nội lực để đưa ra nhiều giải pháp phát triển kinh tế, hoàn thành các tiêu chí XDNTM.
Từ một xã đặc thù của vùng núi cao Thanh Hóa, Yên Nhân nỗ lực đẩy mạnh các phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi, thúc đẩy kinh tế rừng, tạo điều kiện cho thương mại – dịch vụ phát triển. Địa phương huy động các nguồn lực giảm nghèo hiệu quả, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.
Bước sang năm 2024 trong tình hình, điều kiện kinh tế gặp nhiều khó khăn, thách thức đã làm ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, kinh doanh và đời sống của Nhân dân. Song dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, công tác quản lý, điều hành của chính quyền cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng tình, hưởng ứng của Nhân dân. Tình hình phát triển kinh tế- xã hội, Quốc phòng- An ninh đã đạt được những kết quả quan trọng.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, giám sát của HĐND, sự quản lý điều hành của UBND, công tác phối hợp của Mặt trận, đoàn thể,cùng với sự đồng tình hưởng ứng của toàn thể cán bộ và nhân dân đã thực hiện đạt được một số kết quả trên các lĩnh vực. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản ước 49 tỷ đồng, đạt 52% KH, bằng 102% cùng kỳ; trồng rừng tập trung được 40 ha; tổng diện tích gieo trồng vụ xuân 2024 là 146 ha; tổng sản lượng cây có hạt 639.9 tấn; tổng đàn gia súc, gia cầm có 20.396 con.
Giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp, xây dựng cơ bản đạt 11 tỷ đồng. Hiện nay trên địa bàn xã đã và đang thi công, công trình Trường THCS Yên Nhân với số vốn: 21.293.291.000 đồng đã sớm đưa vào sử dụng năm học 2024 – 2025. Công trình Tràn Na Cá, số vốn 12.990.517.000đ (do UBND huyện làm chủ đầu tư), đập Na xá Thôn Mỵ, số vốn 2.260.000.000đ; sửa chữa Trạm Y tế số vốn 1.333.000.000đ, (do UBND xã làm chủ đầu tư).
Hoạt động thương mại, dịch vụ có bước phát triển tốt, đảm bảo phục vụ đầy đủ hàng hoá, các nhu yếu phẩm phục vụ Nhân dân. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu từ các ngành dịch vụ ước đạt 26 tỷ đồng đạt 47%KH, bằng 104% cùng kỳ. Yên Nhân đã xây dựng được các sản phẩm OCOP như mật ong hoa rừng, măng khô Yên Nhân…
Trước, hạ tầng giao thông đi qua địa bàn còn khó khăn nhưng từ công cuộc xây dựng NTM, giao thông không ngừng được hoàn thiện. Cảnh quan ở các khu dân cư ngày càng khởi sắc; nhà cửa, tường rào cổng ngõ cải thiện đáng kể. Như không riêng các nếp nhà sàn truyền thống tại thôn Khong, các thôn trong xã cũng khởi sắc thấy rõ. Trên dọc tuyến đường từ trung tâm xã giờ cũng có những sắc màu tươi mới từ những mái nhà tầng, nhà bằng kiên cố sơn son đẹp mắt.
Nâng cao đời sống nhân dân
Với Chương trình giảm nghèo Yên Nhân đã có nhiều cách làm hay như tổ chức rà soát, đánh giá và nhận định nhanh số hộ dự kiến và có khả năng thoát nghèo là 232 hộ và 287 hộ thoát cận nghèo năm 2024. Địa phương đưa ra các giải pháp, hỗ trợ giảm nghèo phát triển sản xuất từ các nguồn vốn hỗ trợ thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Tỷ lệ hộ nghèo của xã đến nay còn 27%, thu nhập bình quân trên đầu người là 31 triệu đồng/năm. Chương trình xây dựng nông thôn mới đến nay đạt 9/19 tiêu chí. Đời sống nhân dân cơ bản được ổn định, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cũng như công tác quốc phòng được giữ vững.
Ông Hà Thanh Hắng, Chủ tịch UBND xã Yên Nhân chia sẻ, Đảng ủy, UBND xã Yên Nhân xây dựng nhiều kế hoạch chương trình hành động, chú trọng phát triển kinh tế rừng là ngành kinh tế mũi nhọn. Giao nhiệm vụ cho các đơn vị, đoàn thể, tạo điều kiện cho hộ nghèo vay vốn chính sách phát triển kinh tế. Địa phương quyết liệt triển khai các các cơ chế, chính sách của nhà nước như hỗ trợ vay vốn đối với hộ nghèo, cận nghèo đăng ký thoát nghèo; đào tạo gắn với giải quyết việc làm; các chính sách hỗ trợ khác…Khuyến khích xây dựng và nhân rộng các mô hình trồng rừng kết hợp chăn nuôi. Phát huy thế mạnh của kinh tế vườn với các loại cây chủ lực. Tiếp tục kiểm tra, hướng dẫn và duy trì các mô hình phát triển kinh tế, mô hình nuôi ong mật và mô hình trồng lá rong dưới tán rừng, các dự án hỗ trợ chăn nuôi bò, lợn…
Yên Nhân hôm nay cùng với phát huy nội lực đã biết vận dụng các lợi thế, tìm năng bên ngoài như các Chương trình 135, 30a, chương trình đề án giảm nghèo nhanh, bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới…ngày càng đưa xã miền núi nghèo Yên Nhân giàu đẹp và khang trang hơn. Với đó là khi tinh thần đoàn kết của cán bộ, đảng viên và nhân dân tiếp tục được tăng cường cho quyết tâm cao xây dựng một quê hương tươi đẹp. Đó là khi những công trình, dự án thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước các cấp đến nhân dân các dân tộc vùng cao được phát huy. Đó cũng là khi những cán bộ kế cận, tiếp bước, được đào tạo, thử thách, tôi luyện từ hôm nay sẽ trưởng thành, đóng góp nhiều hơn trong sự nghiệp đổi mới quê hương…
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn