Đây là ca phẫu thuật có số lượng sỏi nhiều nhất được thực hiện tại Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê (Phú Thọ).
Theo bác sĩ Hà Quốc Toản – Khoa Ngoại tổng hợp, bệnh nhân có tiền sử sỏi túi mật nhiều năm, điều trị viêm túi mật nhiều lần và có chỉ định cắt túi mật, tuy nhiên bệnh nhân chưa sắp xếp được thời gian để phẫu thuật. 5 ngày trước khi nhập viện, bệnh nhân sốt nóng, đau tức vùng hạ sườn phải nên nhập viện điều trị.
Sau khi được các bác sĩ giải thích phải tiến hành phẫu thuật cắt túi mật để loại bỏ nguyên nhân gây viêm, bệnh nhân đồng ý thực hiện phẫu thuật.
Ca phẫu thuật được thực hiện thành công, túi mật được lấy ra có chứa hàng trăm viên sỏi lớn nhỏ màu vàng óng. Đây là ca phẫu thuật có số lượng sỏi nhiều nhất được thực hiện tại Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê.
Sau 7 ngày điều trị, bệnh nhân tiến triển tốt.
Để phòng ngừa các bệnh lý về mật, ngay khi bị sỏi mật, người bệnh cần chủ động phối hợp nhiều phương pháp trong điều trị để bài sỏi, ngăn ngừa biến chứng bằng cách điều chỉnh ăn uống, sinh hoạt khoa học. Theo đó, cần ăn nhiều rau xanh và hoa quả tươi giàu vitamin C để cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể. Giảm thực phẩm nhiều chất béo như phủ tạng động vật, đồ chiên rán, lòng đỏ trứng vì có thể làm tăng kích thước sỏi.
Ngoài ra, cần hạn chế trà, cà phê và chất kích thích như bia, rượu vì dễ dẫn đến xơ gan. Luyện tập thể thao 30 phút/ ngày để hạn chế sự ứ đọng dịch mật.
Nguồn: vtv.vn