Với tất cả những ai đã qua rồi tuổi 17 đều cảm thấy xốn xang trước bài hát của Hữu Xuân. Một mình đối diện với cơn mưa và nghe lại bài hát này ta mới thầm cảm ơn nhạc sĩ Hữu Xuân và nhà thơ Cao Vũ Huy Miên nói hộ lòng mình – Kỷ niệm ngày xưa nhẹ nhàng mà sâu sắc là vì vậy.
Bài hát “Hoa tím ngày xưa” được nhạc sĩ Hữu Xuân phổ bài thơ của nhà thơ Cao Vũ Huy Miên.
Nhà báo, nhà thơ Cao Vũ Huy Miên tên thật là Đinh Đoan Hùng, anh sinh ngày 31/12/1955 tại xã Xuyên Trà, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.
Nhà thơ Đỗ Trung Quân kể: “Cao Vũ Huy Miên thuộc thế hệ Thanh niên xung phong (TNXP) TP.HCM sau 1975. Sau khi tốt nghiệp Đại học sư phạm, từ lực lượng này anh xuất hiện trong đội ngũ những người làm thơ, viết văn của TNXP như Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Đông Thức, Trần Ngọc Châu, Nam Thiên… Sau chiến dịch biên giới Tây Nam 1978, giới trẻ biết đến anh qua những bài thơ và ca khúc viết về hoạt động của lực lượng TNXP, qua đội văn công danh tiếng một thời của TNXP mà người vợ anh – ca sĩ Ánh Hồng cũng là một đồng đội. Những ca khúc có sự đóng góp đã trở thành truyền thống như “Trăng treo đỉnh đầu” (Lê Đức Dư phổ nhạc) vẫn thường vang lên hàng năm trong ngày kỷ niệm Lực lượng: “Vầng trăng sáng tròn quay/Theo anh đường tải đạn/Vầng trăng nay là bạn Treo lung linh trên đầu… Trăng theo anh qua cầu/Nước trôi trăng ngừng lại/Còn anh thì đi mãi/Vì đạn còn trên vai”.
Cao Vũ Huy Miên cùng một số nhà văn, nhà thơ TNXP thay nhau thực hiện tờ báo Tuyến Đầu rất được tuổi trẻ thành phố yêu mến suốt thời gian dài từ 1978 đến 1995. Sau đó anh giải ngũ và về làm việc tại báo Sài Gòn Giải Phóng trong hơn 20 năm”.
Các tác phẩm của Cao Vũ Huy Miên đã xuất bản: “Thời kỷ niệm”, “Hoa tím ngày xưa”… Đặc biệt các ca khúc được phổ nhạc từ thơ ông được nhiều người yêu thích như: “Hoa tím ngày xưa” (nhạc sĩ Hữu Xuân), “Có đôi khi” (nhạc sĩ Lã Văn Cường), và “Sài Gòn trong tôi”(nhạc sĩ Thế Hiển). Ca khúc “Sài Gòn trong tôi” từng đoạt giải 3 cuộc thi sáng tác với chủ đề “Hát về thành phố yêu thương” do Báo SGGP tổ chức.
Về bài thơ “Hoa tím ngày xưa” tôi được biết đây là một bài thơ gắn bó với kỷ niệm nơi có ngôi nhà với giàn hoa giấy màu tím sẫm và cây lan già lúc nào cũng tỏa hương… thời còn đi học trung học ở Đà Nẵng của nhà thơ Cao Vũ Huy Miên. Lần ấy, trở về chốn cũ, chợt trú mưa ở giàn hoa giấy xưa, cảm xúc ùa về trong ông, ngay đêm đó bài thơ sáu chữ ra đời: “Con đường em về ban trưa/Hoa tím nghiêng nghiêng đợi chờ/Tuổi em vừa tròn mười bảy/ Tóc em vừa chớm ngang vai…”. Bài thơ được đăng trên báo Tuổi trẻ năm 1985 và được một số nhạc sĩ phổ nhạc nhưng không gây tiếng vang. Phải đến năm 1998 phần phổ nhạc của nhạc sĩ Hữu Xuân với giọng hát ca sĩ Lam Trường, bài hát “Hoa tím ngày xưa” mới được nhiều người biết đến và yêu thích.
Lại nói về nhạc sĩ Hữu Xuân, tên đầy đủ của ông là Nguyễn Hữu Xuân, sinh ngày 23/02/1941 quê ở Hà Nam. Từ một nhạc công violoncell tốt nghiệp trường Âm nhạc Việt Nam (Nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam) năm 1963, ông đã nỗ lực phấn đấu trở thành tác giả của nhiều ca khúc và các bản hòa tấu nhạc dân tộc. Năm 1989, nhạc sĩ Hữu Xuân chuyển về công tác tại Công ty du lịch Đường sắt Sài Gòn. Những tác phẩm của ông được nhiều người biết đến như: “Hát về Tổ quốc tôi”; “Thuyền và biển” thơ Xuân Quỳnh; “Hà nội mùa lá bay”; “Mùa thu viết cho em”; ca khúc “Hoa tím ngày xưa” thơ Cao Vũ Huy Miên rất được khán thính giả yêu thích.
Ngoài sáng tác ca khúc, nhạc sĩ Hữu xuân còn viết nhạc múa, nhạc phim, hòa tấu, độc tấu nhạc cụ dân tộc truyền thống… có thể kể tên các tác phẩm “Mùa xuân đến” viết cho đàn Kloong pút và dàn nhạc; “Mùa hái quả” viết cho đàn T’rưng và dàn nhạc; tác phẩm “Nhà Rông trên buôn mới”; “Vũ hội Hơ rê”; “Mùa xuân Tây Nguyên”…
Nay tuổi đã cao nhưng nhạc sĩ vẫn viết khá đều đặn. Ông tâm sự “Đi nhiều, sương gió mưa nắng mới có thực tế để làm nhạc hay được, chứ ngồi một chỗ là tôi bức bách lắm”. Những cống hiến của ông trong âm nhạc đã được ghi nhận bằng Huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng ba; Huy chương Vì sự nghiệp Văn hóa và nhiều Huy chương Vàng, Huy chương Bạc, bằng khen, Giấy khen trong các Hội diễn Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc cũng như trong các lĩnh vực hoạt động khác.
Về ca khúc “Hoa tím ngày xưa” – nhạc sĩ Hữu Xuân phổ thơ nhà thơ Cao Vũ Huy Miên, năm 2003, bạn Lại Thị Linh ở thôn 5, Hà Vân, Hà Trung, Thanh Hóa đã viết những dòng cảm nhận bài hát gửi về chuyên mục “Bạn yêu nhạc bình nhạc” của chương trình Ca nhạc theo YCTG: “Một trưa hè nắng gắt, tôi lặng lẽ đếm bước trên con đường tới trường năm xưa, dừng lại ở một bóng mát và cảm thấy tâm hồn mình bay bổng… khi từ đâu đó cất lên giai điệu ngọt ngào của “Hoa tím ngày xưa”. Trong chốc lát bao kỷ niệm lại trỗi dậy quen thuộc. Quen thuộc giống như màu hoa tim tím dại ven đường tôi từng yêu mến: Con đường em về ban trưa/Hoa tím nghiêng nghiêng đợi chờ/Tuổi em vừa tròn mười bảy/Tóc em vừa chấm ngang vai…
Hơn ai hết Hữu xuân là người đã hiểu được kỷ niệm một thời học trò nó nhẹ nhàng, qua mau nhưng làm ta nhớ mãi. Kỷ niệm của cái tuổi 17 theo giai điệu chầm chậm của bài hát hiện về, không ồn ào… Đó là một chàng trai yêu thầm nhớ trộm cô bé tóc ngang vai… Đó là màu tím của tuổi học trò… Là mùi hoa Ngọc Lan khuya, là tiếng dương cầm đâu đây… tất cả đều đẹp mà xa. Trở về với thực tại, thực tại của tuổi 17 chỉ còn là ký ức. Giờ đây hoa tím không còn chờ nữa, và “chỉ còn ta đứng dưới mưa”. Với tất cả những ai đã qua rồi tuổi 17 đều cảm thấy xốn xang trước bài hát của Hữu Xuân. Một mình đối diện với cơn mưa và nghe lại bài hát này ta mới thầm cảm ơn nhạc sĩ Hữu Xuân và nhà thơ Cao Vũ Huy Miên nói hộ lòng mình – Kỷ niệm ngày xưa nhẹ nhàng mà sâu sắc là vì vậy”.
Nguồn: vov.vn