Thời gian qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng cộng đồng doanh nghiệp Thái Bình đã nỗ lực vượt khó duy trì sản xuất, kinh doanh, đóng góp vào phát triển KT-XH của địa phương.
Thời gian qua là khoảng thời gian rất khó khăn của các doanh nghiệp như: Đại dịch COVID-19, kinh tế toàn cầu suy thái dẫn đến chuỗi cung ứng bị đình trệ, tê liệt, khan hiếm nguyên vật liệu sản xuất, thiếu hụt lao động, việc làm. Nhiều doanh nghiệp ở nhiều ngành nghề khác nhau bị thu hẹp quy mô, hoạt động cầm chừng, sụt giảm doanh thu, thậm chí “đóng băng” giao dịch, ngừng hoạt động. Gánh nặng đè lên chủ doanh nghiệp khi vừa phải đảm bảo thu nhập cho người lao động, vừa phải duy trì các chi phí thường xuyên, định kỳ của doanh nghiệp.
Trong thời điểm khó khăn nhất, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trong tỉnh Thái Bình vẫn nỗ lực vượt khó.
Công ty Cổ phần Gốm sứ Long Hầu thành lập năm 1968. Trải qua các giai đoạn phát triển, hiện Công ty đã trở thành doanh nghiệp hàng đầu trong ngành gốm sứ không riêng ở Thái Bình mà cả trong nước.
Đến nay Công ty có 3 dây chuyền sản xuất độc lập, công suất trên 4 triệu sản phẩm/tháng với trên 60 mẫu mã sản phẩm có giá trị cao, doanh thu đạt hơn 350 tỷ đồng/năm, nộp ngân sách cho nhà nước mỗi năm hơn 10 tỷ đồng, tạo việc làm cho hơn 700 lao động địa phương.
Ông Nguyễn Quốc Phòng – PGĐ Công ty cho biết: Những năm gần đây, mặc dù ngành gốm sứ, vật liệu xây dựng gặp phải rất nhiều khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm nhưng Công ty luôn nỗ lực đổi mới, sáng tạo, nắm bắt thời cơ, duy trì và phát triển doanh nghiệp, bảo đảm việc làm cho người lao động, thực hiện tốt nghĩa vụ đối với nhà nước. Ngoài ra, Công ty luôn đồng hành với chính quyền các địa phương trong hoạt động an sinh xã hội, nhất là phong trào xóa nhà ở dột nát cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn.
Theo ông Phạm Ngọc Kế – Chủ tịch UBND huyện Tiền Hải cho biết, hiện nay địa phương có 523 doanh nghiệp và hơn 12.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh hoạt động trên các lĩnh vực: sành sứ, thủy tinh, gạch ốp lát, cơ khí, dệt may, xây dựng, thủ công mỹ nghệ, chế biến nông, lâm, thủy sản…, tạo việc làm cho gần 30.000 lao động với thu nhập bình quân 7 triệu đồng/người/ tháng. Năm 2024, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng các doanh nghiệp trong huyện đã nỗ lực thực hiện các giải pháp để duy trì và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm ổn định cho người lao động.
Bà Nguyễn Thị Hiên – Phó Giám đốc Công ty TNHH Dệt may An Nam cho biết: Công ty chúng tôi chuyên sản xuất sợi OE với 100% cotton. Từ năm 2023 đến nay, ngành dệt may, đặc biệt đối với ngành sợi gặp phải nhiều khó khăn. Để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, Công ty phải nỗ lực tìm kiếm các thị trường xuất khẩu mới như Thái Lan, Hàn Quốc, đồng thời duy trì ổn định đơn hàng xuất khẩu sang thị trường truyền thống Trung Quốc. 10 tháng năm 2024, tình hình sản xuất, kinh doanh của Công ty tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm ngoái với tổng sản lượng đạt hơn 10.000 tấn, tạo việc làm ổn định cho 230 lao động với thu nhập bình quân 7 triệu đồng/ người/tháng.
Không ngừng lớn mạnh
Ông Phạm Bách Tùng – Chủ tịch Hội Doanh nghiệp huyện Tiền Hải, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Kỹ thương Thiên Hoàng cho biết: Cùng với doanh nghiệp dệt may, các doanh nghiệp sản xuất sứ vệ sinh, gạch ốp lát, thủy tinh… trong khu công nghiệp Tiền Hải đã nỗ lực vượt qua khó khăn, duy trì ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp có sản phẩm chất lượng cao, có thương hiệu và uy tín trên thị trường trong và ngoài nước như Công ty Cổ phần Gốm sứ Long Hầu, Công ty Sứ Hảo Cảnh, Công ty Sứ Đông Lâm, Công ty Cổ phần Gạch ốp lát Thái Bình, nhà máy gạch Mikado, nhà máy gạch Viglacera, Công ty Thủy tinh pha lê Việt Tiệp…
Theo ông Bách, hàng năm, ngoài tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động, cộng đồng doanh nghiệp trong huyện còn đóng góp lớn vào nguồn thu ngân sách của huyện; tích cực tham gia cùng các cấp, các ngành thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, nhất là tham gia hưởng ứng xóa nhà dột nát trên địa bàn huyện, giúp đỡ người có công, gia đình chính sách, hộ nghèo, trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật, ủng hộ đồng bào bị thiên tai, ủng hộ quỹ phòng, chống dịch COVID-19…
Ông Đỗ Văn Vẻ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Bình chia sẻ: Hiện nay cộng đồng doanh nghiệp Thái Bình đã có bước phát triển mạnh mẽ cả bề rộng lẫn chiều sâu đưa số doanh nghiệp tăng từ 1500 doanh nghiệp năm 2004 lên 11.269 doanh nghiệp.
Trong đó có nhiều doanh nghiệp, doanh nhân đã khẳng định được vị thế, thương hiệu trên các lĩnh vực ở thị trường trong và ngoài nước. Số lao động việc làm từ 140.000 việc làm năm 2004 lên 310.000 việc làm năm 2024. Số thu nội địa từ 608 tỷ năm 2004, tăng lên trên 11,5 nghìn tỷ đồng năm 2024, trong đó số tiền thuế doanh nghiệp đóng góp chiếm hơn 62% tổng thu nội địa.
Ông Vẻ cho biết thêm, nhiều doanh nghiệp, doanh nhân đã tư duy đổi mới, cơ cấu lại doanh nghiệp nhằm nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm và trưởng thành lớn mạnh với những thương hiệu nổi tiếng quốc gia và quốc tế. Hiện, các doanh nghiệp Thái Bình đã và đang tích cực đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh theo hướng công nghệ cao, hiện đại phù hợp với cuộc cách mạng công nghiêp lần thứ tư 4.0 công nghệ AI, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, vươn ra biển lớn, hội nhập quốc tế thành công, và đồng hành với tỉnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tập trung đẩy mạnh kinh doanh, tăng trưởng kinh tế bền vững, đóng góp nhiều ngân sách cho tỉnh.
Theo ông Ngô Đông Hải, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Những năm gần đây, cộng đồng doanh nghiệp của tỉnh Thái Bình có bước phát triển cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu và lĩnh vực hoạt động, đã và đang đóng góp lớn vào phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Năm 2023, Thái Bình thu hút FDI đạt 3 tỷ USD, xếp thứ 5 toàn quốc.
Tính riêng 8 tháng năm 2024, có trên 284 triệu USD đầu tư vào Thái Bình và dự kiến thu hút đầu tư nước ngoài năm 2024 đạt 1 tỷ USD, cho thấy sự đóng góp quan trọng của cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp vào sự tăng trưởng kinh tế và phát triển công nghiệp của địa phương.
Để đồng hành cùng các doanh nghiệp, thời gian tới, tỉnh Thái Bình tiếp tục thực hiện quyết liệt công tác cải cách hành chính tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, người dân thực hiện những thủ tục liên quan đến đầu tư, phát triển sản xuất; đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng, nhất là các dự án trọng điểm về công nghiệp trên địa bàn.
Tăng cường phối hợp với các sở, ngành chức năng ưu tiên cho các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất trên địa bàn về thủ tục vay vốn ưu đãi từ các kênh tín dụng. Trong đó, thường xuyên lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư để hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn