Ngân hàng thế giới WB mới đây đã công bố kế hoạch tăng gấp đôi nguồn vốn hỗ trợ lĩnh vực nông nghiệp toàn cầu lên 9 tỷ USD mỗi năm.
Quá trình tăng vốn sẽ được hoàn tất vào năm 2030 nhằm thúc đẩy nông nghiệp số và nông nghiệp thân thiện với môi trường.
Bà Shobha Shetty, Giám đốc toàn cầu lĩnh vực nông nghiệp của Ngân hàng thế giới WB cho biết, áp lực với ngành nông nghiệp thế giới sẽ tăng mạnh trong các thập niên tới. Đến năm 2050, dân số toàn cầu được dự báo tăng lên 10 tỷ người và nhu cầu lương thực sẽ tăng thêm 60% so với hiện nay.
Bà Shobha Shetty – Giám đốc toàn cầu lĩnh vực nông nghiệp, Ngân hàng Thế giới cho biết: “Để giải quyết bài toán lương thực, Ngân hàng Thế giới sẽ tăng đáng kể quy mô nguồn vốn hỗ trợ nông nghiệp từ nay đến năm 2030”.
Nguồn vốn bổ sung sẽ được phân bổ chủ yếu vào các công nghệ mới nhằm thúc đẩy nông nghiệp thông minh và nông nghiệp bền vững.
Bà Shobha Shetty – Giám đốc toàn cầu lĩnh vực nông nghiệp, Ngân hàng Thế giới chia sẻ: “Ngân hàng thế giới sẽ tập trung vào ba lĩnh vực chủ chốt. Thứ nhất là nông nghiệp số, nhằm đưa người nông dân lên các nền tảng số. Thứ hai là giảm rủi ro cho người nông dân. Chúng tôi muốn đảm bảo rằng người nông dân sẽ tiếp cận được với bảo hiểm nông nghiệp. Thứ ba là môi trường. Chúng tôi sẽ tăng cường huy động nguồn vốn công và tư cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu”.
Theo Ngân hàng Thế giới, có đến 500 triệu hộ gia đình đang làm nghề nông một cách biệt lập và không được tiếp cận với nguồn vốn vay, công nghệ hiện đại, kênh phân phối và thị trường. Ngành nông nghiệp vẫn được xem là một lĩnh vực nhiều rủi ro với giới đầu tư và Ngân hàng thế giới muốn phối hợp cùng Chính phủ các nước thay đổi tình trạng này.
Nguồn: vtv.vn