Cựu bí thư cùng nhiều cựu lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh hầu tòa với cáo buộc nhận hối lộ hàng tỉ đồng, trong vụ án liên quan đến cựu Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn.
Ngay từ sáng sớm, an ninh xung quanh trụ sở TAND tỉnh Bắc Ninh được siết chặt. Người ra vào bên trong được phân luồng theo 2 hướng, gồm cổng trước và sau, đều phải chịu sự kiểm soát của lực lượng cảnh sát.
TAND tỉnh Bắc Ninh bố trí nhiều bàn làm việc để tiếp nhận thông tin, cung cấp thẻ ra vào cho luật sư và người liên quan. Riêng báo chí phải qua 3 lớp kiểm tra an ninh, được bố trí tác nghiệp thông qua màn hình tivi, nhưng không được mang thiết bị điện tử vào phòng mà phải sử dụng giấy, bút.
Theo thông báo của thư ký, trong số 13 bị cáo có 2 người bị xét xử vắng mặt do đang bỏ trốn, gồm Nguyễn Thị Thanh Nhàn và Nguyễn Hồng Sơn, cựu Phó tổng giám đốc Công ty AIC. Các bị cáo còn lại đều có mặt.
Để phục vụ xét xử, tòa triệu tập gần 60 cá nhân, pháp nhân với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, người làm chứng… Đại diện Ban Quản lý dự án công trình xây dựng y tế, nay là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp Bắc Ninh, được triệu tập với tư cách là bị hại, song vắng mặt.
Vụ án này có 4 cựu quan chức tỉnh Bắc Ninh cùng hầu tòa về tội nhận hối lộ, gồm: Nguyễn Nhân Chiến, cựu Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Tử Quỳnh, cựu Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Hạnh Chung, cựu Phó chủ tịch HĐND tỉnh và Trần Văn Tuynh, cựu Giám đốc Ban Quản lý dự án công trình xây dựng y tế tỉnh.
Ngoài ra, cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Tiến Nhường bị xét xử về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Cựu chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn là người duy nhất bị xét xử về tội đưa hối lộ. Đáng chú ý, đây là vụ án thứ 4 bà Nhàn bị đưa ra xét xử vắng mặt, trong tổng số 5 vụ án mà bà này bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Cùng với bà Nhàn còn có bị cáo Nguyễn Hồng Sơn, cựu Phó tổng giám đốc Công ty AIC. Việc 2 người này bỏ trốn bị đánh giá là gây khó khăn cho quá trình giải quyết vụ án.
Cáo trạng của Viện KSND tối cao xác định, giai đoạn 2006 – 2008, UBND tỉnh Bắc Ninh phê duyệt dự án cải tạo, xây dựng mới 6 bệnh viện đa khoa tuyến huyện trên địa bàn, gồm Gia Bình, Yên Phong, Thuận Thành, Lương Tài, Quế Võ và Tiên Du. Tổng mức đầu tư hơn 497 tỉ đồng.
Đầu năm 2013, 6 bệnh viện cơ bản thực hiện xong các hạng mục xây dựng và tiếp tục triển khai mua sắm trang thiết bị y tế. Tuy nhiên, phần lớn vốn dự toán đã sử dụng để đầu tư xây dựng nên phần mua sắm, lắp đặt trang thiết bị y tế bị thiếu vốn.
Trong khoảng thời gian này, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Chủ tịch Công ty AIC) và ông Đặng Tiên Phong (Chủ tịch Công ty Sông Hồng, đã chết năm 2021) cùng liên hệ với lãnh đạo Ban Quản lý dự án công trình xây dựng y tế, nói có thể hỗ trợ tỉnh Bắc Ninh xin bổ sung vốn từ T.Ư. Đổi lại, 2 công ty muốn được ưu ái trúng các gói thầu mua sắm trang thiết bị.
“Để tránh va chạm”, sau khi trao đổi, lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh thống nhất sẽ phân chia 6 gói thầu cho mỗi công ty một nửa. Kết quả, Công ty AIC và Công ty Sông Hồng “ẵm trọn” 6 gói thầu, gây thiệt hại hơn 48,6 tỉ đồng cho ngân sách.
Sau khi quyết toán, bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn nhiều lần đưa tiền cho bị cáo Nguyễn Nhân Chiến, tổng số 3 tỉ đồng. Phía Công ty Sông Hồng cũng đưa tiền cho bị cáo Trần Văn Tuynh để chuyển cho bị cáo Chiến 1 tỉ đồng.
Tổng số tiền cựu Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh nhận hối lộ là 4 tỉ đồng. Ông Chiến còn khai nhiều lần nhận tiền mặt từ bà Nhàn, với tổng số 10 tỉ đồng. Tuy nhiên, số tiền này không liên quan đến việc thực hiện 6 gói thầu.
Tương tự, bị cáo Nguyễn Tử Quỳnh cũng nhận từ lãnh đạo Công ty Sông Hồng và Công ty AIC mỗi đơn vị 1 tỉ đồng. Ông Quỳnh còn khai được bà Nhàn nhiều lần đến phòng làm việc “biếu” tổng số tiền 8,1 tỉ đồng. Tuy nhiên, số tiền này không liên quan đến việc thực hiện các gói thầu.
Về phần bị cáo Trần Văn Tuynh, cũng nhận tổng cộng 6 tỉ đồng từ phía Công ty Sông Hồng, sau khi đưa cho cấp trên một phần thì còn lại 3,2 tỉ đồng, sử dụng chi tiêu cá nhân…
Nguồn: thanhnien.vn