Thursday, October 31, 2024

Mái ấm Quan Âm chuyển 2 trẻ đến chùa, có đúng quy định pháp luật?

Vụ 2 người mẹ trình báo vì không gặp được con sau khi gửi ở Mái ấm Quan âm (TP.HCM), vậy pháp luật quy định sao về việc cơ sở này đưa 2 bé đến chùa ở tỉnh Bình Phước?

Chuyển 2 trẻ đến chùa vì mái ấm vượt số lượng trẻ

Theo UBND Q.12, người đại diện theo pháp luật cơ sở trợ giúp xã hội mái ấm tình thương Quan Âm (gọi tắt là Mái ấm Quan Âm) là ông Huỳnh Văn Giàu. Đây là cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập không thu phí. Chức năng: tiếp nhận, nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không nơi nương tựa hoặc gia đình không có khả năng nuôi dưỡng, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em mồ côi với quy mô chăm sóc và nuôi dưỡng không quá 33 trẻ.

Mái ấm Quan Âm chuyển 2 trẻ đến chùa, có đúng quy định pháp luật?

Theo quy định, mái ấm muốn chuyển 2 trẻ đến chùa phải hỏi ý kiến của mẹ các cháu

ẢNH: TRẦN DUY KHÁNH

Ngày 24.10, Công an P.Hiệp Thành nhận được tin báo của bà H.G.A (33 tuổi) và bà Đ.T.M.T (31 tuổi), trình báo về việc Mái ấm Quan Âm không cho thăm con (2 bé chưa có giấy khai sinh, chưa đặt tên).

Theo trình báo, tháng 2 vừa qua, chị A. và chị T. mang thai, nhưng hoàn cảnh khó khăn nên đã chủ động liên hệ với ông Giàu để hỏi thăm, nhờ giúp đỡ và tiếp nhận, hỗ trợ và chăm sóc. Sau khi hai người sinh con, họ thống nhất gửi con về Mái ấm Quan Âm để chăm sóc vì không thể nuôi con. Hằng tháng, hai người phụ nữ trên đều đến thăm con, nhưng từ tháng 9 đến nay ông Giàu không cho họ gặp con.

Chiều 24.10, hai người phụ nữ nói trên tiếp tục đến mái ấm để hỏi thăm về con, nhưng ông Giàu cho biết đã đưa hai cháu đến cơ sở khác và hẹn đến ngày 28.10 sẽ giải quyết cho gặp con, do ông đang làm lễ cúng tại Q.Gò Vấp. Nghi ngờ 2 con mất tích, 2 người mẹ trên đã trình báo công an.

Ngay sau khi nhận được tin báo, UBND Q.12 đã chỉ đạo công an quận khẩn trương xác minh, làm rõ vụ việc. Bà Trần Thị Lập (Mái ấm Quan Âm) cho biết cơ sở chỉ cho phép chăm sóc, giám sát tối đa 33 em nên đã đưa 2 em về chùa Thanh Nghiêm (tỉnh Bình Phước) từ tháng 8. Đến tối 24.10, cơ sở đã đưa 2 cháu về mái ấm để người thân vào thăm gặp.

Tối 25.10, cơ quan chức năng đã liên hệ với chị A. và chị T. và làm thủ tục bàn giao 2 cháu về cho gia đình. Đồng thời, UBND Q.12 đã ký quyết định về việc kiểm tra đột xuất cơ sở Mái ấm Quan Âm để xử lý vi phạm (nếu có).

Trước khi xảy ra vụ việc trên, hôm 8.9, UBND Q.12 cùng Sở Lao động – Thương binh và Xã hội kiểm tra liên ngành Mái ấm Quan Âm. Qua kiểm tra, mái ấm có 33/33 trẻ (không có mặt 2 trẻ này). Đoàn kiểm tra đề nghị khắc phục những mặt còn hạn chế: tiếp tục hoàn thiện hồ sơ lao động, hồ sơ quản lý trẻ, an toàn vệ sinh thực phẩm…

Mái ấm Quan Âm chuyển 2 trẻ đến chùa, có đúng quy định pháp luật?

Công an làm việc với những người liên quan tại Mái ấm Quan Âm, hôm 24.10

ẢNH: TRẦN DUY KHÁNH

Khi nào mới được chuyển 2 trẻ đến cơ sở khác?

Vậy pháp luật quy định sao về trường hợp trên, trao đổi với Thanh Niên, luật sư Đào Thị Bích Liên (Văn phòng luật sư Hà Hải và cộng sự) cho biết, quyền thăm nom và chăm sóc của cha mẹ được pháp luật bảo vệ, và mọi hành vi cản trở, hoặc yêu cầu từ bỏ quyền này đều vi phạm quy định của pháp luật.

Không ai được ngăn cản quyền thăm nom của cha mẹ, trừ khi có quyết định của tòa án, hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc hạn chế quyền thăm nom (như trong các trường hợp cha mẹ có hành vi xâm phạm quyền lợi của con, bị tước quyền nuôi con…).

“Cơ sở bảo trợ xã hội chỉ có vai trò hỗ trợ chăm sóc trẻ khi cha mẹ có yêu cầu, hoặc khi trẻ cần được bảo vệ. Cơ sở không có quyền buộc cha mẹ từ bỏ quyền chăm sóc và thăm nom trẻ bằng tờ giấy cam kết”, luật sư Bích Liên nhấn mạnh.

Nếu người nào có hành vi ép buộc, hoặc yêu cầu cha mẹ ký cam kết từ bỏ quyền thăm nom con thì sẽ bị xử phạt từ 5 triệu đến 10 triệu đồng theo điều 56 Nghị định 144 năm 2021.

Khi cơ sở bảo trợ xã hội vượt quá số lượng quy định, và chuyển trẻ sang một chỗ khác phải đảm bảo quyền lợi của trẻ và tuân thủ quy định pháp luật. Trường hợp chuyển trẻ sang nơi khác phải có sự đồng ý của cha mẹ, hoặc người giám hộ hợp pháp. Trong trường hợp nêu trên thì cở sở mái ấm cần cần hỏi ý kiến đồng ý của người mẹ mới chuyển trẻ đến chùa Thanh Nghiêm.

Luật sư Đặng Hoài Vũ (Trưởng văn phòng luật sư Đặng Hoài Vũ và đồng sự) do hai người mẹ tự nguyện gửi con vào mái ấm, nên thủ tục để gửi trẻ là hai bên ký hợp đồng cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội theo mẫu của Nghị định 20 năm 2021. Khi hết hạn hợp đồng bên gửi trẻ (người giám hộ, thân nhân) buộc phải nhận lại cháu. Hoặc trong trường hợp muốn nhận lại để chăm sóc, nuôi dưỡng thì viết đơn đề nghị, cơ sở bắt buộc phải trao trả trẻ lại cho gia đình.

Căn cứ điểm đ, khoản 2 điều 30 Nghị định 20 năm 2021 quy định về điều kiện dừng trợ giúp xã hội: cơ sở trợ giúp xã hội không có khả năng cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội phù hợp cho đối tượng. Như vậy, trong trường hợp nói trên thì người đứng đầu cơ sở trợ giúp xã hội phải ra quyết định dừng trợ cấp xã hội do đã dư thừa số lượng trẻ, vượt quá khả năng cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội.

Cũng theo luật sư Hoài Vũ, nếu người đứng đầu mái ấm có nhiều cơ sở thì có thể thỏa thuận, thương lượng với mẹ của hai trẻ về việc thay đổi địa điểm chăm sóc, trợ giúp và ký kết lại hợp đồng, hoặc ký phụ lục hợp đồng. Bởi trong hợp đồng ban đầu cũng đã thể hiện rõ trẻ được ở tại phòng nào, nhà nào, địa chỉ ở đâu. Cho nên, khi có sự phát sinh, thay đổi ảnh hưởng nội dung hợp đồng, thì chủ cơ sở buộc phải đàm phán, thỏa thuận lại với mẹ của các cháu.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img