Saturday, November 23, 2024

Quy định ‘bất hợp lý, gây tốn kém’ tồn tại gần 10 năm

Kết quả xét nghiệm nồng độ cồn chỉ có giá trị tại thời điểm khám sức khỏe, không mang lại giá trị nào trong việc kiểm soát người lái xe. Quy định xét nghiệm nồng độ cồn khi khám sức khỏe để thực hiện thủ tục cấp giấy phép lái xe đang bất hợp lý, gây tốn kém và nên bãi bỏ.

Không cần thiết

Năm 2019, anh Phan Trọng (tên nhân vật đã thay đổi, trú tại Hà Nội) tham gia khóa đào tạo và sát hạch giấy phép lái xe (GPLX) hạng B2. Một trong những thủ tục cần chuẩn bị là giấy khám sức khỏe (KSK) của người lái xe, trong đó có xét nghiệm nồng độ cồn. Đây là quy định bắt buộc theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 24/2015 của Bộ GTVT và Bộ Y tế, nhằm đảm bảo đủ điều kiện được cấp GPLX. “Tôi cứ ngỡ là chỉ khi điều khiển phương tiện thì CSGT mới kiểm tra và đo nồng độ cồn để phát hiện vi phạm, chứ đi KSK để học lái xe mà cũng phải xét nghiệm, không hiểu mang lại giá trị gì”, anh Trọng thắc mắc.

Quy định 'bất hợp lý, gây tốn kém' tồn tại gần 10 năm

Thanh tra Chính phủ đề xuất bỏ quy định xét nghiệm nồng độ cồn khi khám sức khỏe lái xe (ảnh minh họa)

ẢNH: TUYẾN PHAN

Câu hỏi 5 năm trước của anh Trọng lặp lại vào hồi tháng 5.2024 vừa qua, khi vợ anh đăng ký đào tạo và sát hạch GPLX hạng B1. Vợ anh cũng phải lấy mẫu máu để xét nghiệm nồng độ cồn, hoàn thiện giấy KSK theo mẫu quy định, để được cấp GPLX. Thậm chí, có bệnh viện tại Hà Nội còn cẩn thận khuyến cáo người đến KSK lái xe không nên uống rượu, bia hoặc đồ uống có cồn trước 5 ngày tính đến ngày khám, tránh ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm. “Không ngờ đến nay quy định vẫn còn. Tôi thấy vừa tốn kém tiền bạc vừa mất thời gian chờ đợi kết quả. Cứ cho là khi lấy mẫu, nồng độ cồn bằng 0, nhưng khi ra khỏi cổng bệnh viện mà uống một vài lon bia dẫn tới có nồng độ cồn, vậy xét nghiệm trước đó có ý nghĩa gì không?”, anh Trọng đặt vấn đề.

Nhiều chuyên gia, đại biểu Quốc hội cũng đồng quan điểm bỏ xét nghiệm nồng độ cồn. Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM, ủng hộ việc KSK lái xe vì việc này có ý nghĩa rất quan trọng nhằm kiểm tra, đánh giá tình trạng sức khỏe của người lái xe có đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định hay không. Về lý thuyết, bà Lan cho rằng “khám càng kỹ càng tốt”, nhưng “kỹ” ở đây nên hiểu là tập trung vào các yếu tố như thị lực, tâm thần hoặc có mắc chứng bệnh gì ảnh hưởng đến khả năng điều khiển phương tiện hay không. Còn với xét nghiệm nồng độ cồn, thậm chí là cả chất ma túy, kết quả chỉ thể hiện người đó có hoặc không có các chất này tại thời điểm lấy mẫu khi KSK, chứ không có nhiều giá trị trong việc kiểm soát quá trình điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Trong kết luận thanh tra về trách nhiệm thực hiện công vụ tại Bộ GTVT ban hành mới đây, Thanh tra Chính phủ cũng nhận định, kết quả kiểm tra nồng độ cồn theo quy định tại Thông tư số 24/2015 chỉ phản ánh tại thời điểm KSK, không phải tại thời điểm điều khiển phương tiện của người lái xe. Do đó, việc này là không cần thiết, làm tăng chi phí cho người dân khi thực hiện thủ tục hành chính cấp mới, cấp đổi GPLX.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp, Ủy viên Ủy ban Pháp luật) cho rằng việc bắt buộc phải xét nghiệm nồng độ cồn khi KSK lái xe chẳng khác nào một loại “giấy phép con”. Quy định này không chỉ gây tốn kém về vật chất mà còn ảnh hưởng đến thời gian, sức khỏe của người dân, nhưng hiệu quả về mặt quản lý nhà nước đổi lại thì không đáng là bao. “Thông tư đã được áp dụng suốt 9 năm qua, phải chờ đến bây giờ khi cơ quan thanh tra vào cuộc mới chính thức chỉ ra bất cập, muộn nhưng vẫn hơn không”, ông Hòa nói và cho rằng điều cần làm hiện giờ là sớm sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn.

Đề xuất bãi bỏ

Thanh tra Chính phủ dẫn số liệu từ Cục Đường bộ VN cho thấy, từ 1.1.2021 đến 1.1.2023, toàn ngành GTVT cấp hơn 9,9 triệu GPLX các loại. Tính theo đơn giá 35.050 đồng/xét nghiệm, chi phí người dân phải bỏ ra để xét nghiệm nồng độ cồn một cách bất hợp lý khi KSK cấp GPLX là khoảng 350 tỉ đồng.

Lưu ý rằng, số tiền này chỉ tính toán trong vòng 2 năm. Trong khi đó, Thông tư số 24/2015 có hiệu lực từ năm 2015 cho đến nay. Vậy với các trường hợp cũng phải thực hiện xét nghiệm nồng độ cồn khi KSK lái xe chưa được thống kê, điển hình như vợ chồng anh Trọng, thì số tiền họ đã phải bỏ ra là bao nhiêu?

Từ bất cập đã chỉ ra, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế nghiên cứu, sửa đổi mẫu giấy KSK của người lái xe theo hướng bỏ chỉ định “xét nghiệm nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở”, nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi và giảm chi phí cho người dân khi thực hiện thủ tục cấp GPLX.

Theo ông Phạm Văn Hòa, việc bãi bỏ quy định xét nghiệm nồng độ cồn khi KSK lái xe còn góp phần thực hiện chủ trương cải cách thủ tục hành chính đang được các bộ, ngành nỗ lực phấn đấu thời gian qua.

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN, nhận định với xét nghiệm nồng độ cồn khi KSK lái xe, kết quả xét nghiệm chỉ có ý nghĩa chứng minh thời điểm lấy mẫu là có hoặc không có nồng độ cồn, nếu có mà không điều khiển phương tiện tham gia giao thông thì cũng không vi phạm pháp luật. Do đó ông Quyền ủng hộ phương án bãi bỏ quy định như kiến nghị của Thanh tra Chính phủ, giúp giảm chi phí, phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img