Sau vụ đấu giá mỏ cát tăng giá 308 lần so với giá khởi điểm gây xôn xao dư luận thời gian qua, tỉnh Quảng Nam chỉ đạo tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực đấu giá quyền khai thác khoáng sản.
Chú trọng khâu lập hồ sơ mời tham gia đấu giá
UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố khi tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản phải chú trọng khâu lập hồ sơ mời tham gia đấu giá, xét chọn hồ sơ chặt chẽ để lựa chọn những doanh nghiệp có đủ năng lực, kinh nghiệm tham gia đấu giá.
Trước khi tiến hành phiên đấu giá, cần phổ biến thông tin cho tổ chức, cá nhân tham gia hiểu rõ số tiền trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản chỉ là một phần nghĩa vụ của doanh nghiệp phải nộp cho ngân sách nhà nước (để được quyền khai thác khoáng sản).
Ngoài số tiền trúng đấu giá, doanh nghiệp khai thác khoáng sản phải thực hiện nhiều khoản chi phí khác như thăm dò, khai thác, chế biến và phải thực hiện nghĩa vụ thuế tài nguyên khoáng sản, phí bảo vệ môi trường theo quy định.
Trong thời hạn không quá 6 tháng kể từ ngày kết thúc phiên đấu giá, đơn vị trúng đấu giá ở khu vực chưa thăm dò khoáng sản phải nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép thăm dò khoáng sản cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép. Và để được cấp giấy phép khai thác khoáng sản, đơn vị trúng đấu giá phải có vốn chủ sở hữu ít nhất bằng 30% tổng số vốn đầu tư của dự án khai thác khoáng sản, trong đó có số tiền trúng đấu giá.
UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu trong quá trình thực hiện đấu giá, trường hợp có yếu tố bất thường với giá trả cao hơn nhiều lần so với giá bán ra của cùng chủng loại khoáng sản đấu giá tại địa phương để nhằm mục đích “phá” cuộc đấu giá, gây nhiễu loạn thị trường hoặc có biểu hiện lợi dụng tham gia đấu giá để các tổ chức, cá nhân khác phải thương lượng nhằm trục lợi… thì thông báo ngay cho các cơ quan chức năng để kiểm tra, xác minh, xử lý.
Xác minh các cuộc đấu giá có dấu hiệu bất thường
Ngoài ra, UBND tỉnh Quảng Nam giao Công an tỉnh chỉ đạo các bộ phận nghiệp vụ và công an các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, xác minh các cuộc đấu giá có dấu hiệu bất thường, kiên quyết ngăn chặn và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá có các hành vi vi phạm.
Sở TN-MT phối hợp Sở Tư pháp theo dõi, kiểm tra việc tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản của các huyện. Trường hợp quy trình, thủ tục và việc tổ chức thực hiện còn bất cập, chưa đảm bảo quy định thì đề xuất sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp để ngăn chặn các hành vi tiêu cực; ngăn chặn tình trạng cố tình trả giá cao rồi bỏ tiền đặt trước, gây nhiễu loạn các phiên đấu giá để trục lợi.
Sau khi cấp giấy phép khai thác khoáng sản, Sở TN-MT và UBND các huyện, thị xã, thành phố cùng cơ quan thuế, các ngành liên quan phải tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát sản lượng khoáng sản khai thác; xử lý nghiêm các trường hợp không kê khai, nộp đầy đủ nghĩa vụ thuế, phí trong hoạt động khoáng sản và các trường hợp khai thác vượt trữ lượng cấp phép, đặc biệt là các mỏ cát, sỏi trên địa bàn tỉnh..
Như Thanh Niên đã thông tin, sáng 18.10, Công ty CP đấu giá hợp danh Hòa Thuận (đơn vị được thuê thực hiện đấu giá) đã tổ chức cuộc đấu giá quyền khai thác khoáng sản cát làm vật liệu xây dựng thông thường tại điểm mỏ ký hiệu ĐB2B.
Phiên đấu giá trải qua 200 vòng đấu giá, kéo dài hơn 20 giờ đồng hồ. Kết quả, mỏ cát được chốt giá 370 tỉ đồng, cao hơn 308 lần so với giá khởi điểm (1,2 tỉ đồng). Doanh nghiệp trúng đấu giá là Công ty CP MT Quảng Đà có địa chỉ tại Q.Cẩm Lệ, TP.Đà Nẵng.
Liên quan đến vụ đấu giá mỏ cát “bất thường” này, ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, đã đề nghị Công an tỉnh chỉ đạo điều tra, xác minh, làm rõ động cơ, mục đích của việc trả giá cao bất thường; xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng đấu giá gây nhiễu loạn thị trường để trục lợi.
Trong thời gian chờ các ngành chức năng kiểm tra, xử lý, tỉnh Quảng Nam yêu cầu UBND TX.Điện Bàn tạm thời chưa ban hành quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản tại điểm mỏ ĐB2B.
Nguồn: thanhnien.vn