Monday, November 25, 2024

Cứu sống bệnh nhân nhiễm Leptospira nặng – hiểm hoạ từ chuột

VTV.vn – Bệnh viện Nhân dân 115 (TP Hồ Chí Minh) vừa tiếp nhận điều trị cho một bệnh nhân nhiễm Leptospira nặng.

Bệnh nhân H.T.N. (41 tuổi, trú tại Long An) vừa được chuyển khoa sau hơn 2 tuần chiến đấu với bệnh nhiễm khuẩn Leptospira diễn tiến thành hội chứng Weil.

Trước nhập viện 2 ngày, bệnh nhân có ớn lạnh, mệt mỏi, ngày nhập viện thì than đau bụng mơ hồ, nôn ói, chán ăn. Chụp cắt lớp vi tính ổ bụng cũng chỉ phát hiện có sỏi bùn túi mật. Bệnh nhân được chẩn đoán viêm tụy cấp và nhập viện theo dõi tiếp.

Trong quá trình điều trị tại Khoa Ngoại tổng hợp – Bệnh viện Nhân dân 115, bệnh nhân được phát hiện có tình trạng khó thở nhiều, vàng da nhẹ, suy thận nặng, nhiễm toan chuyển hóa nặng. Dù chưa rõ bệnh lý căn nguyên nhưng nhận định tình trạng bệnh nhân có thể diễn tiến phức tạp nên Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc đã tiếp nhận bệnh nhân. Mục tiêu điều trị là nâng đỡ chức năng cơ quan và phải tìm ra bệnh lý gốc rễ.

Về nâng đỡ chức năng cơ quan, bệnh nhân nhanh chóng được đặt ống để thở máy và lọc máu để kiểm soát tình trạng suy thận và ổn định nội môi. Dù đã dùng kháng sinh mạnh theo kinh nghiệm nhưng tình trạng vàng da ngày càng tăng, các chỉ số cận lâm sàng hướng nhiễm trùng không cải thiện. Do tình trạng lâm sàng của bệnh nhân không phù hợp với viêm tụy nên các bác sĩ phải đặt ra hàng loạt chẩn đoán phân biệt khác, trong đó có sốt rét và bệnh nhiễm khuẩn Leptospira – các bệnh lý không hiếm ở Việt Nam nhưng dễ bị bỏ sót trong tiếp cận ban đầu.

Khai thác kỹ lại bệnh sử, bệnh nhân làm công nhân dập hộp đựng cơm tại một nhà máy ở Long An, nguồn nước sử dụng là nước giếng bơm, bệnh nhân không để ý thấy môi trường làm việc có chuột hay loài động vật khác. Bệnh nhân chỉ thỉnh thoảng uống bia với bạn, không hút thuốc lá, không dùng bất kỳ loại thuốc nào.

Đến ngày thứ 3 sau khi nhập viện, trong khi các kết quả tầm soát sốt rét âm tính thì bệnh nhân diễn tiến xuất huyết kết mạc. Với các đặc điểm lâm sàng này, các bác sĩ nhận định bệnh nhân bị nhiễm Leptospira nặng.

Ngay lập tức, bệnh nhân được sử dụng ceftriaxone đường tiêm – loại kháng sinh đặc trị Leptospira. Bệnh nhân còn được xét nghiệm tìm kháng thể IgG và IgM trong máu của Leptospira bằng kỹ thuật ELISA. Kết quả giúp chẩn đoán xác định tình trạng nhiễm cấp tính Leptospira với IgM > 100 U/L và IgG 14,6 U/L.

Leptospirosis là một bệnh nhiễm khuẩn do vi khuẩn Leptospira gây ra, lây truyền từ động vật sang người. Đây là một bệnh lý phổ biến ở các khu vực có điều kiện vệ sinh kém, khu vực đô thị đông dân cư… Leptospirosis có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi và trong nhiều môi trường khác nhau, nhưng thường thấy nhất ở những người có nguy cơ cao do tiếp xúc với môi trường hoặc động vật bị nhiễm bệnh.

Bệnh Leptospirosis do xoắn khuẩn Leptospira gây ra. Loại vi khuẩn này tồn tại nhiều trong cơ thể các loài động vật, đặc biệt là chuột. Chuột là nguồn chứa chủ yếu của vi khuẩn Leptospira và chúng lây lan vi khuẩn qua dịch tiết và nước tiểu. Con người bị nhiễm bệnh chủ yếu do tiếp xúc với nguồn nước hoặc môi trường có chứa vi khuẩn từ nước tiểu chuột và các loài động vật khác.

Bệnh có thể lây qua da nếu có vết thương hoặc qua màng nhầy (ví dụ như mắt, mũi). Người có nguy cơ cao mắc bệnh bao gồm nông dân, thợ săn, người chăm sóc động vật và những người tham gia các hoạt động ngoài trời như bơi lội, chèo thuyền, hoặc đi bộ đường dài.

Leptospirosis có thể được phòng ngừa bằng cách tránh tiếp xúc với nguồn nước ô nhiễm hoặc các khu vực có nguy cơ nhiễm khuẩn. Đối với những người làm việc trong môi trường có nguy cơ cao, cần sử dụng thiết bị bảo hộ và đảm bảo vệ sinh cá nhân kỹ lưỡng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Nguồn: vtv.vn

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img