Saturday, November 23, 2024

Lợi bất cập hại từ cú bắt tay bất ngờ giữa ông Trump và đối thủ Kennedy Jr.

Trong kế hoạch xây dựng một chính quyền mới vừa được công bố, ông Trump tiết lộ sẽ dành một vị trí đối thủ cũ Robert F. Kennedy Jr. Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát nhận định, điều này có thể ảnh hưởng đến sự ủng hộ của cử tri dành cho ông Trump khi cuộc đua đang tiến gần về đích.

Cú bắt tay bất ngờ với đối thủ cũ Kennedy

Trong thời gian tham gia chính trường với tư cách một đảng viên Dân chủ, ông  Robert F. Kennedy Jr đã nhiều lần công khai chỉ trích cựu Tổng thống Mỹ. Một trong những đòn tấn công chính mà ông Kennedy nhắm thẳng vào đối thủ Trump trong năm tranh cử 2024 là tuyên bố cáo buộc ông chủ cũ Nhà Trắng phạm tội tham nhũng Theo ông Kennedy, ông Trump đã “giao chính quyền của mình cho những người vận động hành lang doanh nghiệp và các nhóm lợi ích đặc biệt”, khiến nền chính trị Mỹ “không còn trong sạch”.

Mọi chuyện đột ngột rẽ hướng sau cái bắt tay bất ngờ giữa cựu ứng viên Dân chủ Kennedy Jr. và người đại diện tranh cử của đảng Cộng hòa Trump tại một cuộc vận động ở Desert Diamond Arena, Arizona ngày 23/8/2024. Đó cũng là lúc ứng viên độc lập Robert F. Kennedy Jr. rút tên khỏi lá phiếu của 10 bang chiến trường và tuyên bố sẽ hậu thuẫn ông Trump.

Ông Kennedy Jr. (70 tuổi) là con trai cựu bộ trưởng tư pháp Robert F. Kennedy và cháu của cố tổng thống John F. Kennedy, đều là những chính trị gia nổi bật của đảng Dân chủ. Gia tộc Kennedy có nhiều thành viên phục vụ trong đảng Dân chủ cho đến khi ứng viên này tạo ra ngoại lệ.

Ông Kennedy Jr. cho biết đã gặp ông Trump và các cố vấn của cựu tổng thống nhiều lần. Họ nhất trí về những vấn đề như an ninh biên giới, tự do ngôn luận và chấm dứt các cuộc xung đột tại Gaza, Ukraine. “Vẫn còn nhiều vấn đề và cách tiếp cận mà chúng tôi có khác biệt lớn, song chúng tôi đã đồng thuận về các vấn đề quan trọng khác”, ông nói.

Tiếp tục xuất hiện với đối thủ cũ Robert F. Kennedy trên sân khấu tranh cử ở Madison Square Garden, New York hồi cuối tuần trước, ông Trump đã hứa sẽ trao cho ứng viên này quyền cải tổ cách thức bộ máy y tế của chính phủ bảo vệ người dân Mỹ.

Trong đoạn video do hãng tin CNN công bố đầu tuần này, ông Kennedy cũng nhắc lại tuyên bố trên và cho biết: “Cựu Tổng thống Trump đã hứa trao cho tôi vị trí đứng đầu các các cơ quan y tế công cộng cũng như các cơ quan trực thuộc khác như Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm, Viện Y tế Quốc gia,… Bạn biết đấy, vị trí này sẽ giúp tôi có cơ hội để làm nước Mỹ khỏe mạnh hơn”.

Chiến dịch tranh cử của Trump cho biết mặc dù chưa có quyết định chính thức nào được đưa ra về Nội các tương lai nếu ông Trump thắng cử; song cũng nhắc đến việc cựu Tổng thống sẽ “làm việc cùng” những người như ông Kennedy trong các hoạt động liên quan đến lĩnh vực y tế.

Chiến thuật giành sự ủng hộ từ các đảng viên bất mãn với chính sách nghị sự từ phe đối lập đã thường xuyên được sử dụng xuyên suốt cuộc đua vào Nhà Trắng. Trong khi ông Trump đưa ông Kennedy Jr. lên sân khấu tranh cử, bà Harris cũng vừa có chuyến thăm kéo dài một ngày tới các tiểu bang “bức tường xanh” là Michigan, Pennsylvania và Wisconsin cùng với cựu Dân biểu đảng Cộng hòa Liz Cheney.

Lợi bất cập hại

sự ủng hộ của ông Kenedy cũng tiềm ẩn rủi ro đối với cựu Tổng thống khi phe Dân chủ đang tìm mọi cách khắc họa ứng viên đại diện đảng Cộng hòa với các mối quan hệ “kỳ lạ” là “hiểm họa” đối với đất nước.

Theo các nhà quan sát nhận định, phần lớn những gì ông Kennedy đang nỗ lực thúc đẩy đều có vẻ tích cực nhưng đó chỉ là vẻ ngoài. Uỷ ban tranh cử “Make America Healthy Again” của ông hứa hẹn sẽ tập trung vào “các hoạt động nông nghiệp tái tạo, bảo tồn môi trường sống tự nhiên và loại bỏ độc tố khỏi thực phẩm, nước và không khí của con người”. Tuy nhiên, những ý tưởng đó vẫn thiếu chi tiết, chưa kể bản thân ông Kennedy cũng vướng phải nhiều sự chỉ trích kể từ khi rời đảng Dân chủ để ra tranh cử tự do. Lý lịch tư pháp không hoàn toàn trong sạch với một lần bị bắt giam và nhiều tuyên bố gây tranh cãi liên quan đến “các loại hóa chất có trong nước khiến trẻ em trở thành người đồng tính” cũng khiến ông Kennedy Jr. khó thu hút được sự ủng hộ từ cử tri.

Ngoài ra, hồi tháng 9, ông Kennedy Jr. cho biết bản thân chỉ “đình chỉ” chiến dịch tranh cử, chứ không “chấm dứt hoàn toàn”. Ông cũng rút tên khỏi lá phiếu của 10 bang chiến trường trong khi vẫn giữ tên trên lá phiếu của những bang còn lại. Điều đó đồng nghĩa với việc ứng viên tự do này vẫn là một trong những đối thủ tranh cử của cựu Tổng thống Trump, dù mức độ ảnh hưởng của ông tới cuộc đua không lớn như Phó Tổng thống Kamala Harris.

Vào ngày 5/11 này, tại mỗi tiểu bang chiến trường, sẽ có ít nhất một ứng cử viên độc lập hoặc ứng viên của đảng thứ ba có tên trên lá phiếu. Các cử tri có tới có thể có tới sáu lựa chọn, bên cạnh hai ứng viên lưỡng đảng lớn, trong ngày bầu cử 5/11. Ngoài ông Trump đại diện đảng Cộng hòa và bà Harris đại diện đảng Dân chủ, ứng cử viên Đảng Xanh Jill Stein, ứng cử viên Đảng Tự do Chase Oliver và các ứng cử viên độc lập Cornel West và Robert F. Kennedy, Jr. cũng đang tham gia vào cuộc đua.

Các nhà phân tích nhận định, dù các ứng viên của bên thứ ba khó có thể giành chiến thắng nhưng cũng không phủ nhận rằng họ vẫn có thể đóng vai trò then chốt trong cuộc đua bằng cách thúc đẩy một trong những ứng cử viên của đảng lớn đắc cử. Trong khi nhiều người vẫn khẳng định “cử tri Mỹ xứng đáng được lựa chọn” và các ứng cử viên độc lập buộc những người được đề cử của đảng lớn phải chú ý đến các vấn đề thường xuyên bị bỏ qua, có ý kiến cho rằng những cái tên đến từ bên thứ ba không khác gì những “kẻ phá đám”.

Ứng viên Kennedy Jr. có thể gây tác động lớn nhất ở các bang chiến trường, nơi ông đã kêu gọi người dân ủng hộ bỏ phiếu cho Trump. Tên của ông sẽ vẫn xuất hiện trên lá phiếu ở các bang chiến trường Wisconsin và Michigan, sau khi hai bang này từ chối xóa tên ông khỏi phiếu bầu.

Một tháng sau khi yêu cầu giới chức New York giữ tên mình trên lá phiếu bầu Tổng thống của tiểu bang này, ngày 30/10, ông Kennedy Jr. đã yêu cầu Tòa án Tối cao xóa tên mình khỏi những lá phiếu tại tiểu bang chiến trường Wisconsin. Ông Kennedy cũng có ý định đưa khiếu nại tương tự lên Tòa án Tối cao để được “biến mất” khỏi ngày bầu cử ở Michigan.

Tuy nhiên, Tòa án Tối cao đã từ chối yêu cầu này của ông Kennedy Jr. vào ngày 30/10. Phán quyết trên của tòa có thể khiến tỷ lệ ủng hộ bị chia nhỏ và ảnh hưởng đến cựu Tổng thống, đặc biệt khi bang Michigan và Wisconsin là hai bang dao động, nơi ông Trump đang cạnh tranh gay gắt với đối thủ Kamala Harris.

Theo bạn ai sẽ giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Mỹ? Choices Donald Trump Kamala Harris Người khác

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img