Monday, November 25, 2024

Sở Tư pháp được tự yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp cho cá nhân?

Đại biểu (ĐB) Quốc hội đề nghị xem xét lại dự thảo luật Công chứng về quy định Sở Tư pháp phải yêu cầu cơ quan có thẩm quyền cấp phiếu lý lịch tư pháp cho người làm hồ sơ bổ nhiệm công chứng viên.

Theo quy định tại dự thảo luật Công chứng (sửa đổi), một trong những trường hợp không được bổ nhiệm công chứng viên là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; người đã bị kết án về tội phạm do vô ý mà chưa được xóa án tích; người đã bị kết án về tội phạm do cố ý, kể cả trường hợp đã được xóa án tích… Luật Công chứng hiện hành quy định hồ sơ bổ nhiệm công chứng viên bắt buộc phải có phiếu lý lịch tư pháp. Vì vậy, để có phiếu lý lịch tư pháp, tự cá nhân người đó phải đi nộp hồ sơ gồm tờ khai yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp, CCCD, hoặc hộ chiếu trực tiếp tại Sở Tư pháp hoặc qua bưu điện và đóng lệ phí 200.000 đồng/phiếu. Mục đích là để chứng minh mình không có án tích, việc này là hoàn toàn phù hợp với công việc có tính chất đặc thù như công chứng viên.

Tuy nhiên, tại khoản 3 điều 11 dự thảo luật Công chứng (sửa đổi) lại quy định: “Sở Tư pháp có trách nhiệm kiểm tra, xác minh thông tin trong hồ sơ đề nghị bổ nhiệm công chứng viên, cấp theo thẩm quyền, hoặc yêu cầu cơ quan khác có thẩm quyền cấp phiếu lý lịch tư pháp số 2 của người đề nghị bổ nhiệm công chứng viên…”.

Về vấn đề trên, ĐB Quốc hội Phan Thị Mỹ Dung (đoàn Long An) đề nghị không quy định Sở Tư pháp có trách nhiệm tự động cấp phiếu, hoặc đề nghị cơ quan khác cấp phiếu lý lịch số 2 để bổ sung vào hồ sơ cho người bổ nhiệm công chứng viên. Theo ĐB Dung, mặc dù hiểu quy định này là thực hiện cắt giảm thủ tục hành chính, nhưng rõ ràng là không phù hợp và thiếu khả thi.

“Vì lúc này, Sở Tư Pháp phải làm thay tờ khai của người đề nghị, nộp phí, và chưa kể mất một thời gian để chờ đợi cấp phiếu nếu là cơ quan khác cấp, ảnh hưởng đến thời hạn giải quyết hồ sơ tại Sở Tư pháp, có trường hợp cần phải xác minh nhiều nơi. Tôi đề nghị quy định trong bộ hồ sơ của người đề nghị bổ nhiệm công chứng viên có phiếu lý lịch tư pháp số 2 của người đó”, ĐB Dung đề nghị.

Trao đổi với PV Thanh Niên, TS – luật sư Nguyễn Thị Kim Vinh, nguyên thẩm phán TAND tối cao, cho rằng cần phải xem xét lại chủ thể yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp của dự thảo cho phù hợp với luật Lý lịch tư pháp. Bởi tại khoản 3 điều 7 luật Lý lịch tư pháp quy định: “Cơ quan nhà nước có quyền yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp để phục vụ công tác quản lý nhân sự, hoạt động đăng ký kinh doanh, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã”. Đồng thời, để bảo vệ bí mật thông tin cá nhân, khoản 1 điều 41 luật Lý lịch tư pháp quy định, phiếu lý lịch tư pháp số 2 chỉ cấp theo yêu cầu của cá nhân, hoặc cơ quan tiến hành tố tụng. Do đó, việc dự thảo quy định Sở Tư pháp tự cấp phiếu lý lịch tư pháp số 2 để đưa vào hồ sơ đề nghị bổ nhiệm công chứng viên là chưa thống nhất với luật Lý lịch tư pháp.

Cũng theo TS Kim Vinh, hiện việc cấp phiếu lý lịch tư pháp là có thu phí và quy định cụ thể đối tượng được miễn, giảm phí cấp phiếu này. Trường hợp Sở Tư pháp khai thác cơ sở dữ liệu để cấp phiếu, hoặc gửi văn bản yêu cầu cơ quan khác cấp phiếu lý lịch tư pháp thì người đề nghị bổ nhiệm công chứng viên có cần phải đóng phí không, thì dự thảo cũng chưa đề cập.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img