Saturday, November 23, 2024

Bật đèn xe, bấm còi và chở người thế nào để không bị phạt?

Bật đèn xe từ 18 giờ đến 6 giờ sáng; không bấm còi từ 22 giờ đến 5 giờ; chỉ chở người trên thùng xe ô tô chở hàng khi chở đi làm nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ…

Khi nào thì phải bật đèn xe?

Từ ngày 1.1.2025, luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ có hiệu lực. Theo đó, điều 20 của luật này quy định, người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng phải bật đèn xe chiếu sáng phía trước từ 18 giờ ngày hôm trước đến 6 giờ ngày hôm sau, hoặc khi có sương mù, khói, bụi, trời mưa, thời tiết xấu làm hạn chế tầm nhìn.

Người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng phải tắt đèn chiếu xa, bật đèn chiếu gần trong các trường hợp sau đây:

  • Khi gặp người đi bộ qua đường.
  • Khi đi trên các đoạn đường qua khu đông dân cư có hệ thống chiếu sáng đang hoạt động.
  • Khi gặp xe đi ngược chiều, trừ trường hợp dải phân cách có khả năng chống chói.
  • Khi chuyển hướng xe tại nơi đường giao nhau.

Khi thực hiện công việc trên đường bộ, người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng phải bật sáng đèn cảnh báo màu vàng.

Không được bấm còi xe từ 22 giờ đến 5 giờ

Theo điều 21, người lái xe chỉ được bấm còi trong các trường hợp sau đây:

  • Báo hiệu cho người tham gia giao thông đường bộ khi xuất hiện tình huống có thể mất an toàn giao thông.
  • Báo hiệu chuẩn bị vượt xe.
Bật đèn xe, bấm còi và chở người thế nào để không bị phạt?

Từ 18 giờ đến 6 giờ sáng, người lái xe phải tắt đèn chiếu xa, bật đèn chiếu gần khi gặp người đi bộ qua đường

ẢNH: NHẬT THỊNH

Đặc biệt, người lái xe không được sử dụng còi liên tục; không sử dụng còi có âm lượng không đúng quy định; không sử dụng còi trong thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 5 giờ ngày hôm sau trong khu đông dân cư, khu vực cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, trừ xe ưu tiên.

Khi nào được chở người trên xe ô tô chở hàng?

Tại điều 28 quy định, chỉ được chở người trên thùng xe ô tô chở hàng trong trường hợp sau đây:

Chở người đi làm nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh hoặc thực hiện nhiệm vụ khẩn cấp; chở người bị nạn đi cấp cứu; đưa người ra khỏi khu vực nguy hiểm, hoặc trong trường hợp khẩn cấp khác theo quy định của pháp luật.

Chở người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân đi làm nhiệm vụ khẩn cấp.

Chở người đi thực hành lái xe trên xe tập lái; chở người dự sát hạch lái xe trên xe sát hạch; chở công nhân đang làm nhiệm vụ duy tu, bảo dưỡng đường bộ.

Chở người diễu hành theo đoàn khi được cơ quan có thẩm quyền cho phép.

Qua phà, qua cầu phao phải tuân thủ quy định nào?

Tại điều 23 của luật này cũng quy định nghiêm ngặt khi qua phà, qua cầu. Cụ thể, khi đến bến phà, cầu phao, các xe phải xếp hàng theo quy định, không làm cản trở giao thông.

Các xe qua phà, qua cầu phao theo thứ tự ưu tiên từ trên xuống dưới như sau:

  • Xe ưu tiên.
  • Xe chở thư báo.
  • Xe chở thực phẩm tươi sống.
  • Xe chở khách công cộng.

Trong trường hợp các xe cùng thứ tự ưu tiên đến bến phà, cầu phao thì xe nào đến trước được qua trước.

Khi qua phà, phải chấp hành quy định:

Khi xe xuống phà, đang ở trên phà và khi lên bến, mọi người không được ở trên xe, trừ người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng, trẻ em, phụ nữ mang thai, người già yếu, người khuyết tật, người bệnh.

Khi xuống phà, xe cơ giới, xe máy chuyên dùng xuống trước, xe thô sơ, người đi bộ xuống sau; khi lên bến, người đi bộ lên trước, các phương tiện giao thông đường bộ lên sau theo hướng dẫn của người điều khiển giao thông.

Khi qua cầu phao, phải chấp hành quy định:

Xe cơ giới, xe máy chuyên dùng phải đi theo một hàng theo chiều di chuyển, không gây cản trở người, phương tiện đi ngược chiều.

Xe thô sơ, người đi bộ phải đi sát về phía bên phải theo chiều đi của mình, không gây cản trở xe cơ giới, xe máy chuyên dùng.

Xe cơ giới, xe máy chuyên dùng, xe thô sơ, người đi bộ phải tuân thủ hướng dẫn của người điều khiển giao thông.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img