Đề xuất áp dụng thuế VAT 5% đối với phân bón và áp dụng ngay từ ngày 1/1/2025 nhằm sớm tạo lập môi trường thuế bình đẳng, thúc đẩy sản xuất trong nước.
Dư địa để giảm giá bán
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Đình Cư, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tư vấn Thuế Việt Nam (VTCA) cho rằng, việc điều chỉnh chính sách thuế đối với mặt hàng phân bón, từ không chịu thuế VAT sang chịu thuế VAT, với mức thuế suất 5% là hoàn toàn hợp lý, không phải vì mục tiêu về thu Ngân sách nhà nước, mà nhằm bảo vệ và thúc đẩy sản suất trong nước phát triển.
Ông Cư phân tích, thuế VAT là loại thuế khấu trừ, số thuế khâu sau phải nộp được trừ đi số thuế đã nộp tại khâu trước, không thu trùng lắp, người tiêu dùng cuối cùng phải trả số thuế VAT chính bằng mức thuế suất nhân giá bán cuối cùng. Cùng với chủ trương hoàn thiện pháp luật thuế VAT theo hướng giảm bớt các đối tượng không chịu thuế, việc áp dụng thuế VAT (đầu ra) với mức thuế suất thấp (5%) là giải pháp vừa có ý nghĩa củng cố và hoàn thiện đồng bộ chính sách, pháp luật về thuế VAT, vừa nâng cao tính hiệu quả thực tiễn của chính sách. Bởi, doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước được khấu trừ thuế VAT đầu vào sẽ giúp tăng cường hạch toán kinh tế, hạ giá thành sản xuất, giảm giá bán sản phẩm. Số thuế VAT đầu vào được hạch toán riêng vào tài khoản thuế VAT, không phải tính vào giá thành sản xuất, và được bù trừ bằng số thuế VAT đầu ra. Nếu thuế VAT đầu ra phát sinh trong một kỳ kế toán lớn hơn số thuế VAT đầu vào thì doanh nghiệp phải nộp thêm vào ngân sách, nếu ngược lại mà thuế VAT đầu ra nhỏ hơn số thuế VAT đầu vào thì doanh nghiệp được chuyển số chênh lệch để khấu trừ tiếp tại các kỳ tiếp theo hoặc được hoàn lại số thuế VAT đó.
“Hiện nay, theo thống kê từ các nhà máy sản suất phân bón đang hoạt động trong nước, tỉ trọng thuế VAT đầu vào trên giá thành chiếm từ 7-9%. Quy đổi trung bình trên giá vốn hàng bán ra vẫn cao hơn 5%, có nghĩa là khi áp dụng thuế VAT khâu bán ra, các doanh nghiệp sản xuất phân bón nội địa sẽ có dư địa để giảm được giá thành và giá bán phân bón cho người nông dân”, Phó Chủ tịch VTCA nhận định.
Tạo môi trường bình đẳng
Ông Cư cũng đánh giá, áp dụng thuế VAT tạo môi trường chính sách thuế thuận lợi, bình đẳng, bảo vệ và thúc đẩy sản xuất trong nước.
Bởi các chuyên gia, doanh nghiệp đều nhấn mạnh rằng quy định phân bón không thuộc đối tượng chịu thuế VAT đã tạo ra môi trường chính sách thuế không bình đẳng, đặt các nhà sản xuất trong nước ở thế bất lợi trong cạnh tranh với các nhà kinh doanh thương mại, nhập khẩu phân bón từ nước ngoài về tiêu thụ tại Việt Nam.
“Sở dĩ như vậy vì các nước đều áp dụng thuế suất GTGT 0% đối với hàng hoá xuất khẩu, do đó phân bón nhập khẩu vào Việt Nam không có thuế VAT đầu vào và cũng không phải nộp thuế VAT khi bán ra. Trong khi đó các nhà xản xuất nội địa phải tính thuế VAT đầu vào vào giá thành, phải đẩy giá bán lên đề bù đắp, vì vậy giá cả mất khả năng cạnh tranh với hàng nhập khẩu”, ông Cư phân tích.
Đồng thời cho biết khi quy định mặt hàng phân bón chịu thuế VAT thì hàng nhập khẩu phải nộp thuế VAT khi nhập vào Việt Nam (thuế VAT đầu vào của hàng nhập khẩu) và phải nộp thuế VAT khi bán ra, tương tự như hàng sản xuất trong nước. Điều đó giúp xóa bỏ lợi thế cạnh tranh của hàng nhập khẩu, tạo môi trường bình đẳng về thuế, giúp bảo hộ sản xuất trong nước, tạo cơ hội và thúc đẩy doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước tái đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, cạnh tranh với hàng nhạp khẩu.
Đặc biệt, ông Cư và nhiều chuyên gia đều đánh giá, áp dụng thuế VAT với phân bón đảm bảo cân đối hài hòa lợi ích 3 nhà.
Theo đó, đối với ngân sách nhà nước, việc áp dụng thuế VAT với phân bón sẽ tác động ảnh hưởng không lớn đến số thu ngân sách. Ngân sách có thể giảm thu thuế VAT từ các doanh nghiệp sản xuất (do thuế VAT đầu ra ở mức 5% thấp hơn số thuế đầu vào), nhưng lại tăng thu tương ứng 5% trên tổng kim ngạch nhập khẩu phân bón.
Đối với nhà sản xuất, áp dụng thuế VAT tạo dư địa để doanh nghiệp hạ giá thành sản xuất, tăng lợi nhuận. Thúc đẩy các dự án đầu tư mới do được khấu trừ thuế VAT đầu vào, giảm chi phí suất đầu tư. Điều đặc biệt ý nghĩa là theo đánh giá của Hiệp hội Phân bón Việt Nam, các nhà sản xuất trong nước hoàn toàn có dư địa để hạ giá bán sản phẩm phân bón từ 2-5%, ngay khi áp dụng thuế VAT, so với giá bán hiện hành.
Đối với người nông dân, trong dài hạn sẽ được mua phân bón với giá cả thấp hơn, giảm chi phí canh tác. Trước mắt việc áp thuế VAT đối với phân bón có thể tạo ra tâm lý lo lắng về việc tăng giá bán, đặc biệt với phân bón nhập khẩu vào Việt Nam, làm tăng chi phí sản xuất, canh tác.
“Tuy nhiên, qua tổng hợp và phân tích tổng quan có thể nhận thấy việc áp thuế VAT sẽ không làm tăng gia bán phân bón tại thị trường nội địa, bên cạnh các lý do như đã phân tích trên đây, theo đánh giá của Hiệp hội phân bón, hiện tại công suất các nhà máy sản xuất nội địa đã đáp ứng hơn 70% nhu cầu sử dụng phân bón trong nước, 30% phải nhập khẩu là phân bón chất lượng cao và nguyên liệu đầu vào để sản xuất một số chủng loại phân bón. Do đó, giá cả phân bón tại Việt Nam sẽ phụ thuộc và nguồn cung từ các nhà sản xuất nội địa, trong khi họ có đầy đủ cơ sở để hạ giá bán khi áp dụng thuế VAT”, ông Cư cho biết.
Đối với các nhà nhập khẩu phân bón, do chiếm tỉ trọng không chi phối về thị trường nên giá bán phân bón nhập khẩu phải điều chỉnh theo giá bán nội địa. Mặt khác, phân bón nhập khẩu đến từ các nước có nền sản xuất tiên tiến, nguồn nguyên liệu đầu vào sẵn có và rẻ, giá thành sản phẩm xuất khẩu thấp hơn của Việt Nam nhiều, khả năng cạnh tranh về giá với hàng sản xuất trong nước là rất lớn.
Đặc biệt, việc áp dụng thuế VAT với mặt hàng phân bón là phù hợp thông lệ quốc tế về thuế. Bởi tại các nước sản xuất và nhập khẩu phân bón lớn nhất thế giới như Trung Quốc, Nga, Brazil,… đang áp thuế VAT với mức thấp hơn mức thuế suất so với các mặt hàng thông thường khác. Tại các quốc gia này, chính sách thuế VAT được áp dụng phối hợp với các chính sách thuế xuất nhập khẩu khác để đem lại hiệu quả tổng thể.
Trung Quốc, quốc gia sản xuất và xuất khẩu phân bón hàng đầu thế giới đang áp dụng mức thuế VAT 11%. Nga đang áp dụng mức thuế VAT 20%.
Đồng thời với việc áp dụng thuế VAT đối với phân bón, các quốc gia cũng đề ra các chính sách nhằm ưu đãi cho các doanh nghiệp sản xuất phân bón đầu tư công nghệ thân thiện với môi trường, nâng có hiệu quả sản xuất.
Do đó, VTCA đề xuất Quốc hội xem xét sửa đổi Luật thuế VAT tại Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa 15 theo hướng áp dụng thuế VAT đối với mặt hàng phân bón (sản xuất trong nước và nhập khẩu), và quy định thời hiệu áp dụng ngay từ ngày 1/1/2025 nhằm sớm tạo lập môi trường thuế bình đẳng, bảo vệ và thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển, tạo cơ chế hiệu quả để thực sự hỗ trợ người nông dân theo đúng các chủ trương, đường lối của Đảng và nhà nước.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn