Monday, November 25, 2024

Đại học Huế kiến nghị tháo gỡ vướng mắc để phát triển thành đại học quốc gia

Tại hội thảo Đại học Huế – 30 năm tái lập và phát triển thành đại học quốc gia (1994 – 2024), Đại học Huế kiến nghị T.Ư sớm tháo gỡ vướng mắc để phát triển thành đại học quốc gia.

Ngày 1.11, nhân kỷ niệm 30 năm tái lập (1994 – 2024), Đại học Huế tổ chức tọa đàm gặp mặt thế hệ lãnh đạo qua các thời kỳ và hội thảo về tiến trình xây dựng, phát triển thành đại học quốc gia.

Một trong 3 đại học vùng của cả nước

Phát biểu tại hội thảo, PGS-TS Lê Anh Phương, Giám đốc Đại học Huế, cho biết Đại học Huế tiền thân là Viện đại học Huế, thành lập vào tháng 3.1957 và được tổ chức lại vào năm 1994 theo Nghị định số 30/CP ngày 4.4.1994 của Chính phủ, là một trong 3 đại học vùng của cả nước, là đại học đa ngành, đa lĩnh vực, “thực hiện nhiệm vụ chiến lược quốc gia, nhiệm vụ phát triển vùng của đất nước”.

Đại học Huế kiến nghị tháo gỡ vướng mắc để phát triển thành đại học quốc gia

PGS-TS Lê Anh Phương, Giám đốc Đại học Huế, phát biểu tại hội thảo

ẢNH: HUY LÊ

Đại học Huế kiến nghị tháo gỡ vướng mắc để phát triển thành đại học quốc gia

Các đại biểu tham dự hội thảo

ẢNH: HUY LÊ

Năm 2024, khi Tổ chức QS Quacquarelli Symonds công bố kết quả xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học hàng đầu thế giới năm 2025 (QS WUR 2025), Đại học Huế lần đầu tiên có tên trong danh sách ở vị trí đồng hạng 1.201-1.400. Đây là một cột mốc mới cho Đại học Huế trong quá trình phấn đấu để được ghi tên vào các bảng xếp hạng đại học uy tín toàn cầu.

Tổ chức US News & World Report (Mỹ) cũng đã công bố bảng xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học tốt nhất toàn cầu 2024 – 2025 (2024-2025 Best Global Universities Rankings), và lần đầu tiên Đại học Huế xuất hiện trong bảng xếp hạng này cùng với 8 cơ sở giáo dục đại học khác của Việt Nam. Cụ thể, Đại học Huế tiếp tục duy trì vị trí 1.501+ thế giới, và là một trong 6 cơ sở giáo dục đại học tốt nhất Việt Nam.

Kiến nghị T.Ư tháo gỡ vướng mắc

Cũng theo PGS-TS Lê Anh Phương, định hướng phát triển Đại học Huế thành đại học quốc gia đã được khẳng định tại Kết luận 48-KL/TW ngày 25.5.2009 của Bộ Chính trị. Tiếp đó, Nghị quyết 54-NQ/TW ngày 10.12.2019 của Bộ Chính trị tiếp tục khẳng định: “Xây dựng trung tâm giáo dục – đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao trên cơ sở phát triển Đại học Huế trở thành đại học quốc gia, phấn đấu nằm trong tốp 300 các trường đại học hàng đầu châu Á”.

Trong các Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3.11.2022 của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 83/NQ-CP ngày 27.5.2020 của Chính phủ đều khẳng định chủ trương xây dựng Đại học Huế trở thành đại học quốc gia. Đó là những cơ sở chính trị và pháp lý vững chắc để phát triển Đại học Huế thành đại học quốc gia.

Bên cạnh đó, truyền thống, vị thế, vai trò, quy mô, chất lượng của Đại học Huế cũng mang tầm vóc của một cơ sở giáo dục quốc gia. Tuy nhiên, tiến trình xây dựng Đại học Huế trở thành đại học quốc gia đang gặp nhiều khó khăn. Trong đó, hệ thống văn bản pháp luật quy định về cơ chế tự chủ chưa đồng bộ; thiếu hành lang pháp lý để thực hiện cơ chế đặt hàng của Nhà nước đối với các đơn vị tự chủ; đầu tư công giảm mạnh do ngân sách thâm hụt, cơ sở học tập và nghiên cứu thiếu và chưa tiên tiến, trong khi đòi hỏi của xã hội là công nghệ mới, hiện đại, chất lượng đào tạo cao…

Vì vậy, Đại học Huế kiến nghị Quốc hội sớm ban hành luật Sửa đổi, bổ sung luật Ngân sách, luật Đầu tư công, luật Tài sản công, luật Cán bộ, công chức, viên chức, luật Nhà giáo nhằm tạo sự đồng bộ về cơ sở pháp lý để thực hiện cơ chế tự chủ đại học.

Đồng thời, kiến nghị Chính phủ sớm ban hành Quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học và cơ sở đào tạo giáo viên thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, giúp Đại học Huế có đủ cơ sở pháp lý để trình các cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt Đề án phát triển Đại học Huế thành đại học quốc gia.

Đại học Huế kiến nghị tháo gỡ vướng mắc để phát triển thành đại học quốc gia

PGS-TS Phan Thanh Bình, nguyên Giám đốc Đại học quốc gia TP.HCM, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Quốc hội, phát biểu tại hội thảo

ẢNH: HUY LÊ

Tại hội thảo, PGS-TS Phan Thanh Bình, nguyên Giám đốc Đại học quốc gia TP.HCM, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Quốc hội, cho rằng Đại học Huế có đủ tiềm năng, lợi thế và nền tảng để phát triển thành đại học quốc gia. Tuy nhiên, tiến trình này nếu có sự hỗ trợ từ Chính phủ, cộng đồng quốc tế.

Theo ông Bình, Đại học Huế có thể vươn lên trở thành trung tâm giáo dục hàng đầu, không chỉ miền Trung mà còn trên toàn quốc và quốc tế.

“Đại học Huế với thuận lợi về địa bàn của kinh đô Huế, với bề dày truyền thống, các điều kiện về nhân lực, nguồn lực, hoạt động có những thuận lợi cơ bản, tiền đề để trở thành đại học quốc gia, tuy nhiên cần tương tác, phối hợp trong khu vực để xây dựng một đại học quốc gia, một hệ thống đại học là một phương án có thể cân nhắc”, PGS-TS Phan Thanh Bình gợi mở.

Trong 30 năm tái lập, Đại học Huế đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, trở thành một trong những nơi đào tạo nhân lực quan trọng, phục vụ đa ngành, đa lĩnh vực của cả nước. Cụ thể, đào tạo và cấp bằng cho khoảng 320.265 bác sĩ, dược sĩ, kỹ sư, cử nhân, gần 24.230 thạc sĩ và gần 700 tiến sĩ.

Đại học Huế hiện có 3.647 viên chức và lao động, trong đó có 214 giáo sư, phó giáo sư, 807 tiến sĩ, 1.526 thạc sĩ, 38 giáo sư danh dự người nước ngoài; tăng hơn 9 lần so với năm 1994.

Năm 2024, Đại học Huế có 153 ngành đào tạo đại học, 108 ngành đào tạo thạc sĩ, 58 ngành đào tạo tiến sĩ, 63 ngành đào tạo bác sĩ chuyên khoa I và II, 12 ngành đào tạo bác sĩ nội trú.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img