Ngày 1.11, tại Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội), Bộ GD-ĐT đã tổ chức tọa đàm lấy ý kiến góp ý dự thảo thông tư ban hành khung năng lực số cho người học trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT), cho biết khung năng lực số sẽ là một nền tảng, là khung căn bản giúp xác định các mức độ thành thạo về công nghệ số và khuyến khích phát triển các kỹ năng phù hợp trong bối cảnh số hóa, giúp định hình những điều cần thiết cho thế hệ trẻ Việt Nam.
Bên cạnh đó, bà Thủy cho rằng, khung năng lực số không chỉ dừng lại ở việc nâng cao chất lượng giáo dục mà còn mở ra cánh cửa cho sự đổi mới sáng tạo, giúp học sinh, sinh viên trở thành những công dân toàn cầu, có năng lực cạnh tranh trên thị trường lao động quốc tế.
Khung năng lực số giúp định hướng nhà giáo các cấp bảo đảm việc học tập không chỉ đáp ứng nhu cầu của từng học sinh, phụ huynh mà còn đáp ứng được yêu cầu của xã hội trong thời đại số. Đây cũng là cơ hội để thu hẹp khoảng cách số giữa các vùng miền, bảo đảm rằng mọi học sinh, sinh viên dù ở mọi miền đất nước đều có cơ hội tiếp cận và làm chủ công nghệ.
Nhấn mạnh về thế mạnh giúp sinh viên cạnh tranh trên thị trường lao động quốc tế, ông Nguyễn Anh Dũng, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT), cho biết khung năng lực số cho người học trong hệ thống giáo dục quốc dân sử dụng chính cho các chương trình giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng, các cơ sở đào tạo, các tổ chức đánh giá năng lực số, các cơ sở giáo dục. Phương án triển khai được đảm bảo đối với giáo dục đại học sẽ phát huy cơ chế tự chủ, xây dựng chuẩn đầu ra chương trình đào tạo trên cơ sở khung trình độ quốc gia, khung năng lực số, đặc biệt là khung năng lực ngoại ngữ.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, GS-TS Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), cho biết nhà trường đã và đang nỗ lực tiên phong đưa các kỹ năng số vào trong chương trình giảng dạy và học tập. Bước đầu, nhà trường đã thu được những kết quả tích cực trong cải thiện khả năng tiếp cận và sử dụng công nghệ thông tin của người học, thúc đẩy tư duy sáng tạo, tinh thần hợp tác trong môi trường số.
“Thành công ban đầu này là nền tảng quan trọng để nhà trường tự tin đóng góp vào việc hiện thực hóa khung năng lực số, nhằm nâng cao trình độ và khả năng thích ứng của sinh viên trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”, GS Hoàng Anh Tuấn nói.
Tại buổi tọa đàm, các đại diện đã nêu nhiều ý kiến đóng góp nhằm hoàn thiện khung năng lực số cho người học một cách thiết thực, hiệu quả.
Nguồn: thanhnien.vn