Bị cáo Trương Mỹ Lan, 68 tuổi, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, đề nghị tòa không kê biên tài sản là căn nhà cổ và tòa nhà tại đường Nguyễn Huệ, Q.1 vì là của con gái và mẹ bị cáo.
Hồi tháng 4, xử sơ thẩm, TAND TP.HCM tuyên phạt bị cáo Trương Mỹ Lan mức án tử hình về tội tham ô tài sản, 20 năm tù về tội đưa hối lộ và 20 năm tù về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Tổng hợp hình phạt chung là tử hình.
Tại phiên tòa hôm nay, bị cáo Trương Mỹ Lan đề nghị tòa xem xét lại hình phạt và tài sản mà bị cáo đang bị kê biên để đảm bảo cho nghĩa vụ thi hành án. Trong phần xét hỏi, bị cáo nhiều lần xúc động nên chủ tọa cho bị cáo ngồi để trình bày nếu thấy mệt.
“Sức khỏe của bị cáo không ổn nhưng cố gắng không làm ảnh hưởng đến quá trình xét xử của tòa. Bị cáo cũng xin được giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo khác để họ sớm trở về với gia đình. Đối với 3 tội danh bị tòa sơ thẩm kết tội, bị cáo hoàn toàn không có ý kêu oan, nhưng kính đề nghị HĐXX xem xét”, bị cáo Trương Mỹ Lan nói.
“Bị cáo cho rằng mình không sử dụng dòng tiền của SCB?”, chủ tọa hỏi. Trước câu hỏi này, bị cáo trả lời không đi vào trọng tâm mà nói nhiều về nhân thân, gia tộc bị cáo và việc gia đình tài trợ 25 triệu liều vắc xin trong đợt dịch Covid-19. Do đó chủ tọa nhắc nhở rằng bản án sơ thẩm cũng đã ghi nhận đóng góp của bị cáo, tuy nhiên HĐXX đang xem xét bị cáo có đáng bị hình phạt cao nhất hay không, nên bị cáo cần trả lời vào trọng tâm.
Theo trình bày của bị cáo Trương Mỹ Lan, trước đó bị cáo chuyên kinh doanh bất động sản, bị cáo nhận lời tham gia với vai trò cổ đông góp vốn của SCB, chính SCB mượn tài sản của bị cáo chứ bị cáo không chiếm đoạt tài sản của ngân hàng này.
Bị cáo Lan đề nghị tòa xem xét lại nhiều tài sản mà đang bị kê biên để trả lại cho cháu gái Trương Huệ Vân, con gái và mẹ của bị cáo. Trong đó có tài sản ở số 21 Trần Cao Vân, TP.HCM là nhà của Trương Huệ Vân. Bị cáo cũng xin lại nhà cổ 110 – 112 Võ Văn Tần, TP.HCM vì đây là của mẹ bị cáo Lan mua cho con gái bị cáo. Nếu nhà cổ bị kên biên kéo dài sẽ bị xuống cấp.
Đối với tòa nhà ở 19 Nguyễn Huệ, Q.1, TP.HCM có 400 m2, ngày xưa là kho gạo của ông cố nội, nên mẹ bị cáo mua lại để cho thuê, lấy tiền dùng để trùng tu tòa nhà cổ. Bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn mới bàn để cho SCB thuê lại, nhưng 2 năm trời không trả tiền thuê. Còn căn nhà ở số 78 Nguyễn Huệ, Q.1, TP.HCM cũng là của con gái bị cáo… Ngoài ra còn có rất nhiều tài sản khác, bị cáo Lan cho rằng là của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, nên bị cáo đề nghị không được kê biên bán đấu giá.
Theo bản án sơ thẩm của TAND TP.HCM hồi tháng 4.2024, tòa buộc bị cáo Trương Mỹ Lan bồi thường cho SCB hơn 673.800 tỉ đồng, bị cáo Lan phải chịu hơn 673 tỉ đồng án phí dân sự sơ thẩm. Tòa tuyên tiếp tục kê biên các bất động sản liên quan đến Trương Mỹ Lan, bao gồm biệt thự cổ 110 – 112 Võ Văn Tần (Q.3), và tòa nhà 19 Nguyễn Huệ (Q.1, TP.HCM)…
Ngoài ra, tòa sơ thẩm còn kiến nghị cơ quan điều tra Bộ Công an xác minh làm rõ dòng tiền 108.878 tỉ đồng và hơn 14,7 triệu USD mà bị cáo Lan nhận từ SCB để có cơ sở thu hồi khắc phục hậu quả…
Theo tòa, bị cáo Lan là chủ của hệ sinh thái Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Bị cáo sở hữu và chi phối hơn 91,5% cổ phần SCB, là người thực tế có quyền lực chỉ đạo, điều hành tuyệt đối mọi hoạt động của SCB; tuyển chọn, bố trí nhân sự chủ chốt tại SCB.
Từ đó, trong 10 năm (từ 2011 – 2022), bị cáo Lan đã chỉ đạo các cựu lãnh đạo chủ chốt tại SCB giải ngân cho nhóm bị cáo hơn 2.500 khoản vay với tổng số tiền hơn 1 triệu tỉ đồng, chiếm 93% số tiền cho vay của ngân hàng.
Đến năm 2022, nhóm bị cáo Lan còn 1.284 khoản vay, dư nợ tại SCB hơn 677.000 tỉ đồng (gần 484.000 tỉ đồng dư nợ gốc, hơn 193.000 tỉ đồng tiền lãi), nằm trong nhóm không có khả năng thu hồi. Song tòa xem xét nguyên tắc có lợi cho các bị cáo, khi trừ đi giá trị tài sản đảm bảo các khoản nay, từ đó bị cáo Lan và đồng phạm chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự trên số tiền thiệt hại là khoảng 498.000 tỉ đồng.
Về hoạt động thanh tra của Đoàn thanh tra Ngân hàng Nhà nước tại SCB, tòa nhận định, quá trình thanh tra, bị cáo Trương Mỹ Lan gặp gỡ bàn bạc, trao đổi với bị cáo Đỗ Thị Nhàn, trưởng đoàn thanh tra. Đồng thời bị cáo Lan chỉ đạo bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn đưa 5,2 triệu USD cho bị cáo Nhàn. Ngoài ra, phía SCB còn đưa tiền, quà bồi dưỡng các thành viên trong đoàn thanh tra, cao nhất là 390.000 USD, thấp nhất là 40 triệu đồng. Mục đích là để bưng bít các sai phạm của SCB. Từ đó theo tòa, bị cáo Lan cấu thành tội đưa hối lộ, còn bị cáo Nhàn cấu thành tội nhận hối lộ.
Ngoài bản án trên, hôm 17.10, bị cáo Trương Mỹ Lan và 33 đồng phạm còn bị TAND TP.HCM xét xử sơ thẩm xảy ra tại Tập Đoàn Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2. Tòa phạt bị cáo Lan tổng hợp hình phạt chung là tù chung thân về 3 tội danh: tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (tù chung thân); tội rửa tiền (12 năm tù); tội vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới (8 năm tù). Ngoài ra, về trách nhiệm dân sự, tòa buộc bị cáo Lan bồi thường toàn bộ hơn 30.869 tỉ đồng cho hơn 35.800 người bị hại liên quan trái phiếu.
Nguồn: thanhnien.vn