Monday, November 25, 2024

Dạy AI cần như dạy toán hay khoa học cho sinh viên

Các trường học phải bắt đầu giảng dạy AI như cách họ dạy toán hay khoa học cho sinh viên. Thông tin trên được chia sẻ trong hội thảo quốc tế ‘Kinh doanh trên nền tảng công nghệ số lần 4 năm 2024”, do Trường ĐH Tài chính-Marketing phối hợp với Trường ĐH Tài chính – Quản trị kinh doanh, Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM đồng tổ chức hôm nay (5.11).

Dạy AI cần như dạy toán hay khoa học cho sinh viên

Các chuyên gia tham gia hội thảo sáng 5.11

ẢNH: TUẤN HỒ

Tỷ lệ nguồn nhân lực công nghệ thông tin chỉ chiếm 1% lao động Việt Nam

Chia sẻ tại hội thảo, thạc sĩ Nguyễn Thị Thùy Linh, Trường ĐH Tài chính – Quản trị kinh doanh, cho rằng các nhà bán lẻ đối mặt với thách thức thiếu nhân lực biết sử dụng công nghệ số. “Việc thiếu nhân lực không những làm tiến trình chuyển đổi số chậm lại mà còn ảnh hưởng đến hiệu quả của các giải pháp số”, thạc sĩ Linh nói.

Thạc sĩ Linh nêu dẫn chứng từ Tổng cục Thống kê cho thấy tỷ lệ nguồn nhân lực công nghệ thông tin còn thấp, chỉ khoảng 1% trên tổng số 52 triệu lao động tại Việt Nam. Còn theo báo cáo thường niên chuyển đổi số doanh nghiệp năm 2022, chỉ có tối đa 3 nhân viên chuyên về công nghệ thông tin trong 44% doanh nghiệp được khảo sát.

Để vượt qua thách thức nguồn nhân lực sử dụng công nghệ số, ngành bán lẻ nói riêng và kinh doanh nói chung cần triển khai đào tạo đội ngũ. Thạc sĩ Linh đề xuất: “Các khóa đào tạo và hội thảo về công nghệ kỹ thuật số, thương mại điện tử và quản trị dữ liệu nên được tổ chức để củng cố năng lực của nhân viên và nhà quản lý. Trong khi đó, các cơ sở giáo dục ĐH nên phát triển chương trình đào tạo riêng biệt về chuyển đổi số”.

Tiến sĩ Cao Tấn Huy, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính – Marketing, cho biết khai thác công nghệ phục vụ kinh doanh để tăng sức cạnh tranh, kiểm soát rủi ro và mang lại hiệu quả là việc làm cần thiết. “Trong thập kỷ qua, mô hình kinh doanh nền tảng công nghệ phát triển và mang lại kết quả vượt trội so với kinh doanh truyền thống, cả trong các ngành kinh tế và giáo dục. Đơn cử, trong dịch Covid-19, nếu không ứng dụng công nghệ, các cơ sở giáo dục không thể triển khai đào tạo”, tiến sĩ Huy nói.

Dạy AI cần như dạy toán hay khoa học cho sinh viên

Tiến sĩ Cao Tấn Huy, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính – Marketing, phát biểu khai mạc hội thảo

ẢNH: TUẤN HỒ

“Biết sử dụng AI ngày nay quan trọng như biết đọc và viết”

Bên cạnh năng lực sử dụng công nghệ số, năng lực sử dụng AI (trí tuệ nhân tạo) cũng được các chuyên gia nhấn mạnh tại hội thảo. Tiến sĩ Trương Thành Công, Trưởng khoa Khoa học dữ liệu Trường ĐH Tài chính – Marketing, nhận định biết sử dụng AI ngày nay quan trọng như biết đọc và viết. “Ngày nay, sở hữu năng lực AI trở thành yêu cầu cho toàn xã hội. Năng lực AI bao gồm hiểu biết, sử dụng, đánh giá công cụ AI. Không chỉ dừng lại ở đó, người có năng lực AI cần hiểu được tác động của AI và khả năng tương tác hiệu quả với AI trong đời sống và thói quen công việc”, tiến sĩ Công cho hay.

Về cách tiếp cận AI cho người mới bắt đầu, tiến sĩ Công khuyên sinh viên ưu tiên học cách dùng AI để tạo ra kết quả phục vụ công việc. “Việc này nhằm giúp quá trình học tập về AI bớt nhàm chán. Sau đó, sinh viên có thể tìm hiểu AI là gì, vì sao cần sử dụng AI để củng cố năng lực AI. Điều quan trọng là chúng ta nên coi công cụ này như một trợ lý, biết AI làm được gì và cho ra kết quả đúng hay sai”, tiến sĩ Công chia sẻ.

Dạy AI cần như dạy toán hay khoa học cho sinh viên

Tiến sĩ Trương Thành Công, Trường ĐH Tài chính – Marketing, khuyến nghị phát triển năng lực AI trong các lĩnh vực kinh doanh và giáo dục

ÁNH: TUẤN HỒ

Báo cáo kết quả nghiên cứu về “năng lực AI trong thời đại kỹ thuật số”, tiến sĩ Công nhấn mạnh chủ điểm tích hợp AI trong giáo dục. Tiến sĩ Công cho biết: “Các trường học phải bắt đầu giảng dạy AI như cách họ dạy toán hay khoa học cho sinh viên. Sinh viên cần được chỉ ra khả năng AI ảnh hưởng và hỗ trợ quá trình tư duy phản biện, cũng như được trang bị các kỹ năng như tìm kiếm thông tin, kiểm chứng kết quả của AI và biết cách sử dụng AI có trách nhiệm”.

Bên cạnh đó, tiến sĩ Công cũng đề xuất các trường hợp tác quốc tế trong quá trình tích hợp AI trong giáo dục. “Những kiến thức AI chỉ tập trung ở một số quốc gia như Mỹ, Trung Quốc với số lượng nghiên cứu lớn. Điều này tạo ra sự phân bố kiến thức AI không đồng đều ở các quốc gia còn lại trên thế giới. Chúng ta cần tăng cường hợp tác để đảm bảo năng lực AI có thể được tiếp cận, bắt kịp với những xu hướng của thời đại”, tiến sĩ Công cho hay.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img