Wednesday, November 6, 2024

Triển khai bệnh án điện tử: Còn chờ gì?

Dù bệnh viện đã đạt chuẩn làm bệnh án điện tử nhưng tại nhiều nơi vẫn chưa triển khai được vì chờ… cơ chế tài chính.

Chưa có hướng dẫn đấu thầu chọn nhà cung cấp

Theo TS-BS Ngô Ngọc Quang Minh, Phó giám đốc Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1 (TP.HCM), BV Nhi đồng 1 trong giai đoạn hoàn tất bệnh án điện tử (BAĐT). Hiện BV có hơn 20 chuyên khoa, hàng trăm biểu mẫu hồ sơ nhưng BV đang tích cực, hy vọng đến cuối năm sẽ xong BAĐT. Theo ông Minh, lợi ích của BAĐT là không bàn cãi. Ví dụ đơn giản, trước đây bác sĩ ghi thuốc cho bệnh nhân trong hồ sơ bệnh án (HSBA) giấy, sau đó điều dưỡng ghi lại theo mẫu thực hiện y lệnh. Còn bây giờ, bác sĩ viết trên máy tính, chỉ cần “enter” thì toàn bộ dữ liệu toa thuốc chuyển qua điều dưỡng mà không cần ghi lại, tiết kiệm công sức của điều dưỡng rất nhiều. Ngoài ra, trước đây bác sĩ ghi tay, ban giám đốc muốn xem HSBA thì đọc từng hồ sơ, coi bác sĩ cho thuốc đúng hay sai. Còn bây giờ ban giám đốc chỉ cần ngồi ở phòng có thể biết luôn toa thuốc như thế nào bằng BAĐT.

“Ngoài ra, khi liên thông BAĐT, bệnh nhân ở tỉnh chuyển lên BV Nhi đồng 1 thì bác sĩ sẽ biết được hết toàn bộ HSBA của bệnh nhân ở tuyến tỉnh mà không cần gửi tóm tắt bệnh án”, TS-BS Minh nói. Tuy nhiên, ông Minh cho rằng trong giai đoạn chuyển tiếp, vừa làm BAĐT vừa làm thủ công (HSBA giấy) thì chi phí của BV sẽ tăng lên, đặc biệt là chi phí cho hệ thống PACS (lưu trữ và chuyển hình ảnh) mà Bộ Y tế chưa thống nhất chỉ đạo để đấu thầu như thế nào. Nên hiện nay các BV vẫn đang làm “demo”.

Triển khai bệnh án điện tử: Còn chờ gì?

Bệnh án điện tử khi triển khai trên cả nước ước tính tiết kiệm được cả ngàn tỉ đồng và bảo vệ môi trường do không phải mua phim nhựa, giấy tờ in kết quả

ẢNH: NHẬT THỊNH

Theo giám đốc một BV hạng 1 tại TP.HCM, để làm BAĐT, hiện nay BV chỉ đang sử dụng các hệ thống PACS, HIS (hệ thống quản lý BV), RIS (hệ thống thông tin chẩn đoán hình ảnh)… miễn phí, nhưng về lâu dài thì chưa biết như thế nào, vì Bộ Y tế chưa có hướng dẫn đấu thầu chọn nhà cung cấp. Các hệ thống này phải mướn, thuê nên cần có kinh phí.

“Hiện nay, toàn bộ các kho HSBA mà BV đang giữ là 1 kho giấy và nguy cơ trở thành kho rác. Việc này lãng phí chi phí kho bãi, chi phí bảo quản, nguy cơ cháy nổ. Còn nếu có BAĐT thì lợi ích ai cũng thấy được, là nguồn tài sản vô giá về quản lý, nghiên cứu khoa học. Nhưng nhược điểm là chi phí làm BAĐT chưa được đưa vào giá khám chữa bệnh”, Giám đốc BV đa khoa hạng 1 thuộc Sở Y tế TP.HCM nói. Theo ông, muốn làm BAĐT thì điều đầu tiên là phải có BAĐT, nhưng cấu hình bắt buộc phải có của BAĐT là hệ thống PACS, nghĩa là phải đầu tư tiền bạc. Như vậy, thay vì BHYT chi trả cho tiền in giấy, in phim lãng phí và ô nhiễm môi trường thì chuyển qua chi trả phần này để BV đầu tư thuê hoặc mua PACS, chi phí quản lý, bảo trì bảo hành, duy tu bảo dưỡng, cập nhật… Do đó, Bộ Y tế phải ra đơn giá thu viện phí, hành lang pháp lý để bảo hiểm căn cứ vào đó trả cho các BV. Vì vấn đề này chưa được giải quyết nên các BV chưa hào hứng làm BAĐT là như vậy, đặc biệt là các BV đang khó khăn.

Bệnh viện tư nhân đi trước bệnh viện công

Cũng theo vị giám đốc BV đa khoa hạng 1, làm sao để tất cả cơ sở dữ liệu trở thành dữ liệu dùng chung của toàn ngành y tế, tiện cho bệnh nhân và cả BV trong hội chẩn liên viện, hội chẩn toàn quốc, thậm chí là nước ngoài. Bộ Y tế cần ban hành chuẩn chung để các BV hòa mạng, kết nối cơ sở dữ liệu. Mặt khác, Bảo hiểm xã hội phải đồng thuận sớm, nếu BV nào đạt chuẩn thì được giám định trên BAĐT, để BV không phải một lúc làm 2 việc là vừa in phim, in giấy vừa làm BAĐT, nếu làm cả 2 là rất lãng phí. Trong khi đó, hiện nay giá viện phí chưa thu đủ, cộng thêm chi phí BAĐT thì BV càng thêm khó khăn, nhất là các BV đa khoa.

Trong khi các BV công lập chưa triển khai mạnh mẽ được BAĐT thì BV tư nhân đã triển khai thành công, như BV Gia An 115, BV đa khoa Tâm Anh TP.HCM. Riêng BV đa khoa Tâm Anh cũng vừa được Bộ Y tế thẩm định, công nhận đạt tiêu chuẩn triển khai BAĐT. Để đạt được kết quả này, BV triển khai triệt để 211 tiêu chí trong Bộ tiêu chí về thẩm định triển khai BAĐT của Bộ Y tế. Đặc biệt, BV đã ứng dụng và triển khai thành công công nghệ nhận diện giọng nói và chuyển ngữ giọng nói thành văn bản thông qua ứng dụng điện thoại (mobile app), áp dụng rộng rãi trong các y lệnh của bác sĩ thay vì phải đánh văn bản. Cùng với đó, BV còn đầu tư lớn cho công nghệ thông tin, đồng bộ về hạ tầng công nghệ, đội ngũ kỹ sư… đảm bảo bảo mật dữ liệu, cập nhật công nghệ…

Nâng cao quản lý, chăm sóc sức KHỎE

PGS-TS Nguyễn Anh Dũng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết BAĐT đóng vai trò quan trọng trong hệ thống chính quyền điện tử của TP.HCM vì góp phần nâng cao hiệu quả quản lý y tế, chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe và nguồn dữ liệu sức khỏe góp phần vào kho dữ liệu thành phố. Ngoài ra, BAĐT là một phần quan trọng trong quá trình chuyển đổi số của ngành y tế thành phố, hướng tới xây dựng hệ thống y tế thông minh. Việc triển khai BAĐT đồng bộ giữa các cơ sở y tế giúp tạo ra một hệ thống dữ liệu y tế liên thông, hỗ trợ quản lý và chăm sóc sức khỏe cộng đồng hiệu quả hơn.

Việc sử dụng hồ sơ BAĐT thay thế hồ sơ giấy đã được quy định trong luật Khám bệnh, chữa bệnh. Đến nay, 54/55 BV của TP.HCM và quận, huyện đã triển khai hệ thống HIS, hệ thống thông tin phòng xét nghiệm (LIS) và 49/55 BV tuyến thành phố và tuyến quận, huyện đã triển khai RIS, PACS. Đây là những hệ thống thông tin quan trọng để tích hợp và liên thông trong thực hiện hồ sơ BAĐT của bệnh nhân. Trong số này, có 9 BV đã được thẩm định BAĐT (6 BV công lập, 3 BV tư nhân) và 11 BV đang chuẩn bị tổ chức thẩm định trong vài tháng tới. Các BV khác cũng đã có kế hoạch triển khai hồ sơ BAĐT.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img