Sunday, November 24, 2024

Cần ngăn “phù phép” vốn điều lệ, đánh tráo với nhà đầu tư

Đại biểu Nguyễn Công Long (đoàn Đồng Nai) cho rằng cần rà soát và đánh giá kỹ những hành vi bị coi là thao túng thị trường chứng khoán.

Cần ngăn “phù phép” vốn điều lệ, đánh tráo với nhà đầu tư

 

Sáng 7/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia.

Liên quan đến Luật Chứng khoán, đại biểu Nguyễn Hữu Toàn (đoàn Lai Châu) – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho biết rất đồng tình với quy định “Báo cáo về vốn điều lệ đã góp trong thời hạn 10 năm tính đến thời điểm đăng ký chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán độc lập. Trường hợp doanh nghiệp thành lập dưới 10 năm thì tính từ thời điểm thành lập” khi sửa Luật Chứng khoán.

Cần ngăn “phù phép” vốn điều lệ, đánh tráo với nhà đầu tư

Đại biểu Nguyễn Hữu Toàn (đoàn Lai Châu)

Đại biểu cho rằng việc kiểm toán xác định vốn điều lệ ban đầu là một nội dung rất quan trọng để xác định vốn điều lệ thực góp và tổng số vốn, tổng số cổ phần phát hành ra công chúng và số cổ phần này sẽ được lưu hành tiếp tục ở thị trường thứ cấp.

“Nếu vốn điều lệ không được xác định chính xác thì đó là sự đánh tráo đối với toàn bộ các nhà đầu tư ngay từ lần mua đầu đến những lần mua tiếp theo. Điển hình cho nội dung này là Công ty Faros của FLC từ vốn điều lệ ban đầu là 1,5 tỷ đồng sau 5 lần tăng vốn điều lệ trong 3 năm 2014-2016 đã tăng vốn lên 4.300 tỷ đồng. Hệ lụy rất lớn cho cả thị trường”, đại biểu Nguyễn Hữu Toàn cho biết.

Cũng theo ông Toàn, gần đây, trong vụ án Sài Gòn – Đại Ninh của ông Nguyễn Cao Trí cũng qua nhiều lần “phù phép” tương tự đã nâng vốn lên 2.000 tỷ đồng.

“Cách phù phép của họ như thế này. Bơm một số tiền nhất định vào các tài khoản, sau đó lại rút ra, bơm vào cho đến khi đạt được doanh số tổng bằng tổng số vốn điều lệ”, ông Toàn chỉ rõ.

Do vậy nếu không có kiểm toán vì ngại một phần chi phí không lớn mà bảo các doanh nghiệp e ngại vấn đề này thì không phải. Đây là một yếu tố cần đảm bảo cho thị trường chứng khoán được minh bạch, trong sạch.

Cho nên, nếu quy định có kiểm toán vốn điều lệ thì sẽ không xảy ra trường hợp như Faros và một số trường hợp khác. “Tôi thấy đề xuất của Chính phủ hoàn toàn phù hợp để tạo ra một môi trường cho hoạt động thị trường chứng khoán minh bạch”, ông Toàn nhấn mạnh.

Hành vi thao túng chứng khoán không nên “bổn cũ soạn lại”

Cũng góp ý về Luật Chứng khoán, đại biểu Nguyễn Công Long (đoàn Đồng Nai) – Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp cho biết tại khoản 6 Điều 12 có bổ sung vào 5 nhóm hành vi thao túng thị trường chứng khoán vào tại Điều 12.

“Cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra đều có chung một quan điểm là để đảm bảo tính thống nhất theo quy định tại Điều 211 về tội thao túng thị trường chứng khoán trong Bộ luật Hình sự. Chúng tôi cho rằng cả về định hướng chính sách và kỹ thuật thì rất nên cân nhắc vấn đề này”, ông Long nêu ý kiến.

Cần ngăn “phù phép” vốn điều lệ, đánh tráo với nhà đầu tư

Đại biểu Nguyễn Công Long (đoàn Đồng Nai)

Theo đại biểu đoàn Đồng Nai, nói về mặt kỹ thuật, hiện nay nội dung 5 nhóm hành vi thao túng thị trường chứng khoán được bổ sung tại Điều 12 trong dự thảo luật sửa đổi Luật chứng khoán cũng không có gì mới, chỉ đưa các cấu thành cơ bản của Điều 211 Bộ luật Hình sự vào đây.

“Tuy nhiên, khi xây dựng Bộ luật Hình sự cách đây hơn 10 năm, Ủy ban Tư pháp chúng tôi không thể nào tự nghĩ ra được tất cả cấu thành của hành vi này mà các hành vi này lấy lại từ Điều 70 Nghị định 58 năm 2012, nghị định này hướng dẫn Luật Chứng khoán năm 2006 sửa đổi năm 2010”, ông Long cho biết.

Theo ông Long, điều này có nghĩa rằng tất cả các hành vi này hiện nay đã trải qua một thời gian dài, Trong khi diễn biến qua các vụ án về thao túng thị trường chứng khoán và các tội phạm liên quan đến lĩnh vực chứng khoán chúng ta thấy các phương thức thủ đoạn phạm tội cũng đã khác, tội phạm luôn luôn đổi mới.

“Cho nên, bây giờ chúng ta lấy bổn cũ soạn lại từ năm 2012 đến bây giờ để đưa vào trong luật này có lẽ rằng rất cũ và không đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới”, ông Long nói.

Đại biểu đoàn Đồng Nai đề nghị cơ quan soạn thảo nên rà soát rất kỹ và không chỉ có luật này và các luật khác nữa, các hành vi bị cấm không nên lấy các tội danh tương ứng của Bộ luật Hình sự ra để làm căn cứ đối chiếu và quy định một cách tương đồng.

Khi sửa Luật Chứng khoán, cơ quan soạn thảo đề xuất việc thực hiện hành vi thao túng thị trường chứng khoán, gồm một, một số hoặc tất cả các hành vi dưới đây:

– Sử dụng một hoặc nhiều tài khoản giao dịch của mình hoặc của người khác hoặc thông đồng liên tục mua, bán chứng khoán nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo;

– Đặt lệnh mua và bán cùng loại chứng khoán trong cùng ngày giao dịch hoặc thông đồng với nhau giao dịch mua, bán chứng khoán mà không dẫn đến chuyển nhượng thực sự quyền sở hữu hoặc quyền sở hữu chỉ luân chuyển giữa các thành viên trong nhóm nhằm tạo giá chứng khoán, cung cầu giả tạo;

– Liên tục mua hoặc bán chứng khoán với khối lượng chi phối vào thời điểm mở cửa hoặc đóng cửa thị trường nhằm tạo ra mức giá đóng cửa hoặc giá mở cửa mới cho loại chứng khoán đó trên thị trường;

– Giao dịch chứng khoán bằng hình thức cấu kết, lôi kéo người khác liên tục đặt lệnh mua, bán chứng khoán gây ảnh hưởng lớn đến cung cầu và giá chứng khoán, thao túng giá chứng khoán;

– Đưa ra ý kiến một cách trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua phương tiện thông tin đại chúng về một loại chứng khoán, về tổ chức phát hành chứng khoán nhằm tạo ảnh hưởng đến giá của loại chứng khoán đó sau khi đã thực hiện giao dịch và nắm giữ vị thế đối với loại chứng khoán đó;

– Sử dụng các phương thức hoặc thực hiện các hành vi giao dịch khác hoặc kết hợp tung tin đồn sai sự thật, cung cấp thông tin sai lệch ra công chúng để tạo cung cầu giả tạo, thao túng giá chứng khoán.”.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img