Sunday, November 24, 2024

Nợ xấu có xu hướng tăng, Thống đốc nêu biện pháp kiểm soát

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết đối với các nợ xấu hiện hữu thì tích cực xử lý nợ xấu, thông qua đôn đốc khách hàng trả nợ, thu nợ hoặc phát mại tài sản.

Nợ xấu có xu hướng tăng, Thống đốc nêu biện pháp kiểm soát

 

Sáng 11/11, tiến hành chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực ngân hàng, đại biểu Trần Hồng Nguyên (đoàn Bình Thuận) đặt vấn đề: “Thống đốc đánh giá thế nào về tình hình nợ xấu và các giải pháp để kiểm soát nợ xấu? Theo Thống đốc, nếu không giảm được nợ xấu thì việc điều hành chính sách tiền tệ sẽ gặp khó khăn gì và Thống đốc có giải pháp cụ thể nào khi tình huống này xảy ra?”.

Trả lời chất vấn, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, trong thời gian qua, tình hình nợ xấu đang có xu hướng gia tăng. Ngân hàng Nhà nước tổng hợp cho thấy cuối tháng 9/2024 tỉ lệ nợ xấu nội bảng ở mức 4,55%, gần bằng mức cuối năm 2023 nhưng tăng so với mức 2% của năm 2022.

Đây là thực tế, vì từ năm 2020 đến nay, trước tình trạng COVID-19 xảy ra tác động mọi mặt của tình hình kinh tễ xã hội, doanh nghiệp và người dân khó khăn trong khả năng trả nợ. Nợ xấu này là các khoản nợ của người dân vay của ngân hàng nhưng không trả được.

Nợ xấu có xu hướng tăng, Thống đốc nêu biện pháp kiểm soát

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng

Để kiểm soát nợ xấu Thống đốc cho biết cũng có những giải pháp ở góc độ các chủ thể. Như đối với các tổ chức tín dụng khi cho vay phải thẩm định kỹ lưỡng khả năng trả nợ của khách hàng để đảm bảo là kiểm soát nợ xấu mới phát sinh.

Đối với các nợ xấu hiện hữu thì tích cực xử lý nợ xấu, thông qua đôn đốc khách hàng trả nợ, thu nợ hoặc phát mại tài sản. Đối với Ngân hàng Nhà nước cũng đã có khuôn khổ pháp lý cho hoạt động của tổ chức VMC, các công ty mua bán nợ cũng có thể tham gia xử lý nợ xấu.

Hỗ trợ người dân, doanh nghiệp “tay trắng” sau bão

Tham gia chất vấn, đại biểu Hoàng Thị Đôi (đoàn Sơn La) cho biết, ảnh hưởng cơn bão số 3 vừa qua đã khiến nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ dân mất hết tài sản. Đại biểu đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết ngành ngân hàng có giải pháp như nào để các tổ chức, cá nhân được vay vốn để phục hồi, phát triển, sản xuất, kinh doanh?

Trả lời vấn đề của Hoàng Thị Đôi, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, khi cơn bão số 3 xảy ra gây thiệt hại lớn, Ngân hàng Nhà nước đã rà soát và xác định được dư nợ, con số tương đối lớn; chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện giảm lãi suất và cơ cấu lại thời hạn trả nợ.

Đến nay, Ngân hàng Nhà nước trong quá trình hoàn tất ban hành thông tư sau khi Thủ tướng Chính phủ có quyết định về phân loại nợ, phân loại rủi ro đối với các khoản vay khi các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ.

Về tài sản đảm bảo của các hộ dân không còn do ảnh hưởng của cơn bão số 3, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng khảo sát, phối hợp với từng xã, từng địa phương rà soát để quyết định cho vay; nếu không còn tài sản đảm bảo nhưng phương án kinh doanh khả thi và chứng minh được khả năng trả nợ, các tổ chức tín dụng vẫn cho vay theo hình thức tín chấp…

Nợ xấu có xu hướng tăng, Thống đốc nêu biện pháp kiểm soát

Đại biểu Nguyễn Hải Dũng (đoàn Nam Định) chất vấn về tình hình triển khai Nghị quyết 143 của Chính phủ

Cũng với vấn đề trên, đại biểu Nguyễn Hải Dũng (đoàn Nam Định) cho biết, để nhanh chóng khắc phục hậu quả cơn bão số 3, ngày 17/9/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 143 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khắc phục hậu quả cơn bão.

Đại biểu Dũng đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết tình hình triển khai nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 143 của Chính phủ?

Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Hải Dũng về thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao cho Ngân hàng Nhà nước tại Nghị quyết 143 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3, trong đó trình Chính phủ về phân loại tài sản có về rủi ro khi thực hiện các giải pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho các doanh nghiệp và người dân chịu tác động của bão lũ, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, ngay sau khi Nghị quyết 143 được ban hành, Ngân hàng Nhà nước đã dự thảo các thông tư hướng dẫn và xin ý kiến theo quy trình.

Xác định đây là một sự cố cấp thiết nên Ngân hàng Nhà nước cũng trình các cấp có thẩm quyền để xin ban hành theo thủ tục rút gọn. Tuy nhiên, theo quy định, phần quyết định về phân loại trích lập dự phòng tự do đối với các khoản cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Vì vậy, đồng thời với xây dựng dự thảo thông tư, Ngân hàng Nhà nước cũng trình Thủ tướng Chính phủ quyết định để sớm triển khai trong thực tiễn.

Tín dụng cho nhà ở xã hội?

Trong khi đó tại phần chất vấn, đại biểu Nguyễn Quốc Hận (đoàn Cà Mau) đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết các giải pháp của Ngân hàng Nhà nước để đẩy nhanh tiến độ giải ngân của chương trình tín dụng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư theo Nghị quyết số 33 của Chính phủ.

Nợ xấu có xu hướng tăng, Thống đốc nêu biện pháp kiểm soát

Ngân hàng Nhà nước đề xuất lãi suất giảm khoảng từ 1,5 – 2% so với lại mức lãi suất thông thường 3 năm đối với người có thu nhập thấp và 5 năm đối chủ đầu tư cho gói tín dụng phát triển nhà ở xã hội

Về vấn đề này, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nêu rõ, chương trình 1 triệu căn hộ đến năm 2030 là một chủ trương lớn rất nhân văn và đây là chủ trương giải quyết nhà ở cho người có thu nhập thấp. Do đó, cần phải được huy động từ rất nhiều nguồn vốn, đặc biệt là nguồn vốn từ ngân sách nhà nước.

Để hưởng ứng chương trình này, Ngân hàng Nhà nước đã báo cáo Chính phủ đưa vào Nghị quyết số 33 là các ngân hàng thương mại tự nguyện đưa ra một gói 120.000 tỉ đồng, đến nay đã tăng lên 145.000 tỷ đồng. Theo chương trình này, vốn do các ngân hàng huy động từ người dân và lãi suất giảm khoảng từ 1,5 – 2% so với lại mức lãi suất thông thường 3 năm đối với người có thu nhập thấp và 5 năm đối chủ đầu tư.

Tuy nhiên, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng, giải ngân vốn này thấp và phụ thuộc vào các địa phương phải công bố các dự án đủ điều kiện tham gia Chương trình này theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng. Thứ hai là khách hàng vay vốn phải đủ điều kiện đảm bảo vay vốn. Trong bối cảnh COVID-19 tác động và còn hệ lụy, những người có thu nhập thấp và công nhân lại càng gặp khó khăn để đi vay và sở hữu 1 căn nhà.

Do đó, thời điểm báo cáo vấn đề này tại Phiên thảo luận kinh tế – xã hội là giai đoạn đầu triển khai chưa tăng giải ngân được, khi kinh tế bớt khó khăn thì sẽ tăng giải ngân này. Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng, Bộ Xây dựng và các địa phương cần đánh giá xem nhu cầu sở hữu nhà ở hay là nhu cầu thuê của những người có thu nhập thấp để đưa ra các giải pháp phù hợp.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img