Từnglà một địa điểmkhá đìu hiu, mấy tháng gần đây, Bảo tàng Nghệ An bất ngờ’nổi như cồn’ khi người dân, nhất là giới trẻ ùn ùn kéo đến để trải nghiệm, khám phá hiện vật và những giá trị văn hóa được lưu giữ tại đây.
Được xây dựng lại và hoàn thành năm 2006, Bảo tàng Nghệ An từng được kỳ vọng sẽ là điểm đến hấp dẫn cho du khách và người dân địa phương. Thế nhưng, dự án đầu tư trưng bày nội và ngoại thất được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt từ năm 2008 với kinh phí 44,2 tỉ đồng đã trễ hẹn vì thiếu vốn khiến bảo tàng này luôn vắng khách.
Sau nhiều năm “trùm mền”, Sở VH-TT tỉnh Nghệ An đã lập dự án sử dụng công nghệ số để “lột xác” bảo tàng. Hiệu ứng công nghệ như một chiếc đũa thần, mở cánh cửa nhà trưng bày của bảo tàng, kéo khách đến tham quan.
Chỉ với khoảng 200 m2 ở tầng 1 bảo tàng, phòng trưng bày được thiết kế rất đẹp mắt, đặc biệt là không gian trải nghiệm số với lượng dữ liệu khá đồ sộ. Tại đây, người xem có thể tham quan qua công nghệ thực tế ảo VR, hỏi đáp và nghe thuyết minh tự động với công nghệ AI, xem trình chiếu 3D Mapping, tra cứu thông tin qua thiết bị Kiosk tương tác đa điểm… Các mảng đề tài từ lịch sử, văn hóa, địa lý, danh lam thắng cảnh, con người, ẩm thực… của xứ Nghệ được tích hợp từ nhiều dữ liệu, thể hiện rất sinh động thông qua hình ảnh và video. Đặc biệt, những hiện vật quý như các bảo vật quốc gia đang được lưu giữ tại bảo tàng, được trình chiếu qua công nghệ 1 chạm với hình ảnh 3D vô cùng hấp dẫn.
Tầng 2 của bảo tàng là một hang động được mô phỏng theo hang Thẩm Ồm, một di chỉ khảo cổ học tiêu biểu cho giai đoạn hậu kỳ đá cũ ở Nghệ An. Hang này nằm trong dãy núi đá vôi của xã Châu Thuận, H.Quỳ Châu, Nghệ An, có niên đại cách đây khoảng 20 vạn năm.
Hang Thẩm Ồm được phát hiện và khai quật vào năm 1975, các nhà khảo cổ đã tìm thấy nhiều hiện vật bằng đá, đồng, xương, răng động vật hóa thạch…, phản ánh cuộc sống của người Việt cổ đã từng tồn tại nơi đây. Tại Bảo tàng Nghệ An, hang này được lắp đặt 2 máy chiếu công nghệ 3D Mapping sử dụng ánh sáng, âm thanh để trình chiếu hình ảnh người Việt cổ huyền bí đang sinh hoạt trong hang, cảnh lao động, săn bắt… mang đến hiệu ứng rất ấn tượng, hút mắt người xem.
“Chúng tôi rất bất ngờ vì từ khi khai trương chương trình chuyển đổi số giai đoạn 1 vào giữa tháng 3 vừa qua, người dân, nhất là giới trẻ đến bảo tàng đông một cách đột biến. Mỗi tháng có khoảng 2.000 lượt người tìm đến đây để trải nghiệm, tham quan, tìm hiểu, nhất là giới trẻ”, chị Nguyễn Thị Thu Hằng, một hướng dẫn viên của Bảo tàng Nghệ An, nói.
Không gian đẹp, công nghệ hiện đại đã tạo hiệu ứng truyền thông lớn đối với khách tham quan. Được trải nghiệm trực tiếp, được chạm vào các cổ vật qua công nghệ số và khám phá những không gian trưng bày khác, nhiều bạn trẻ đã rất ngạc nhiên vì bảo tàng không chỉ là nơi lưu giữ những hiện vật một cách khô khan, mà còn là một điểm đến rất đẹp, hấp dẫn và bổ ích.
“Em biết đến Bảo tàng Nghệ An khi thấy nhiều bạn đăng hình ảnh, video rất sinh động, đẹp mắt trên mạng xã hội. Đến đây không chỉ để chơi, mà còn biết được thêm nhiều kiến thức về lịch sử, văn hóa”, chị Trần Khánh Bảo Linh (ngụ H.Đô Lương, Nghệ An) cho hay.
Níu chân khách bằng công nghệ số
Ông Nguyễn Trọng Cường, Giám đốc Bảo tàng Nghệ An, cho biết bảo tàng được thành lập từ năm 1979. Hiện Bảo tàng Nghệ An đang lưu giữ và bảo quản 31.327 đơn vị hiện vật, tư liệu, xây dựng được 13 đề tài sưu tập hiện vật và đang lưu giữ 3 hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia: dao găm cán tượng rắn ngậm chân voi (niên đại 2.000 – 2.500 năm), muôi đồng có cán hình tượng voi (niên đại 2.000 – 2.500 năm) và hộp đựng xá lị Tháp Nhạn (niên đại thế kỷ 7 – 8). Nhà trưng bày của bảo tàng gồm 4 tầng đã được xây dựng cách đây hơn 10 năm, do thiếu kinh phí nên việc trưng bày mới thực hiện được trong mấy năm gần đây.
Ông Cường cũng cho hay, việc trưng bày hiện vật theo cách truyền thống khó níu chân được người dân và du khách khi họ đến bảo tàng vì dễ gây nhàm chán. Sau khi thực hiện xong dự án ứng dụng chuyển đổi công nghệ số vào công tác trưng bày, bảo tàng đã thực sự lột xác và gây hiệu ứng, hiệu quả bất ngờ. Người dân, đặt biệt là giới trẻ ở các huyện, tỉnh bạn và nhiều du khách cũng đến đây để trải nghiệm, tham quan.
Sau giai đoạn 1, Bảo tàng Nghệ An đang tiếp tục trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, bố trí kinh phí đầu tư các hạng mục công nghệ số giai đoạn 2 trong toàn bộ hệ thống trưng bày của bảo tàng. Ông Cường hy vọng đây tiếp tục là bước đột phá để hỗ trợ, làm mới nội dung trưng bày, tạo điểm đến thú vị, hấp dẫn cho công chúng và du khách.
Nguồn: thanhnien.vn