Thursday, November 14, 2024

Cơ chế đặc thù linh hoạt cho đường sắt tốc độ cao

Chính phủ có thể xem xét ngoài các nhóm đã trình, có thể tạo ra một số cơ chế nào linh hoạt hơn, trao thẩm quyền mạnh hơn để khuyến khích đầu tư.

Trong phiên họp sáng ngày 13/11, Quốc hội nghe Báo cáo thẩm tra chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam. Đây là dự án được dư luận đặc biệt quan tâm với nhiều vấn đề mới, chưa có tiền lệ được đưa ra, đặc biệt là 19 cơ chế đặc thù được đề xuất.

Cơ chế đặc thù linh hoạt cho đường sắt tốc độ cao

Đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam là dự án lớn, chưa từng có tiền lệ với 19 cơ chế đặc thù được Chính phủ đề xuất. Ảnh AI

Kết nối đường sắt tốc độ cao và hệ thống đường sắt khác

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án khoảng 1.713.548 tỷ đồng (khoảng 67,34 tỷ USD). Dự kiến nguồn vốn ngân sách nhà nước bố trí trong các kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn để đầu tư hoàn thành dự án vào năm 2035, bố trí vốn trong khoảng 12 năm, bình quân mỗi năm khoảng 5,6 tỷ USD, tương đương khoảng 1,3% GDP năm 2023, khoảng 1,0% GDP năm 2027 (thời điểm khởi công dự án). Quá trình triển khai sẽ huy động đa dạng các nguồn vốn hợp pháp để đầu tư.

Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế cho rằng tổng mức đầu tư Dự án khoảng 1.713.548 tỷ đồng (khoảng 67,34 tỷ USD) so với tổng mức vốn đầu tư trung hạn nguồn NSTW, sơ bộ tổng mức đầu tư Dự án vượt quá (bằng 114%) tổng vốn đầu tư công trung hạn NSTW giai đoạn 2021 – 2025 và tương đương 59,7% tổng mức vốn đầu tư công trung hạn nguồn NSNN giai đoạn 2021 – 2025. Vì vậy, cần nghiên cứu, xem xét thận trọng.

Bên cạnh đó, Uỷ ban Kinh tế đề nghị làm rõ các cơ sở tính toán về dự báo nhu cầu vận tải của Dự án, khi thực tế thời gian qua việc dự báo nhu cầu vận tải của nhiều dự án giao thông BOT có sự chênh lệch lớn so với thực tế, dẫn đến thiếu hiệu quả về phương án tài chính phải điều chỉnh hợp đồng dự án.

Báo cáo của Hội đồng thẩm định Nhà nước cho rằng, doanh thu và tăng trưởng doanh thu đang dự báo cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Vì vậy, đề nghị rà soát kỹ lưỡng để đánh giá đúng thực tế hiệu quả tài chính của Dự án và khả năng ngân sách nhà nước phải bù lỗ trong tương lai cho hoạt động kinh doanh vận tải trên tuyến đường sắt tốc độ cao.

Đồng thời đề nghị trong bước nghiên cứu khả thi, Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan rà soát kỹ lưỡng, lựa chọn phương án tối ưu kết nối tuyến đường sắt tốc độ cao với mạng lưới đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị, hệ thống giao thông khác và với mạng lưới đường sắt trong khu vực và quốc tế.

Cơ chế đặc thù là cần thiết

Đáng lưu ý, để bảo đảm tính khả thi, hiệu quả cho Dự án thì việc cho phép áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt là rất cần thiết. Chính phủ đề xuất 19 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt khác quy định pháp luật hiện hành. Về đề xuất này, Uỷ ban Kinh tế đồng tình với việc cho phép áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù.

Cơ chế đặc thù linh hoạt cho đường sắt tốc độ cao

Chuyên gia mong muốn doanh nghiệp trong nước không chỉ tham gia xây dựng đường sắt mà dần làm chủ, trở thành chủ thể chính vận hành, quản lý đường sắt.

“Chính phủ đề xuất 19 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt khác quy định pháp luật hiện hành, do đó đề nghị bổ sung đánh giá tác động đầy đủ, kỹ lưỡng hơn, để có giải pháp phù hợp nhằm hạn chế, khắc phục các tác động tiêu cực và báo cáo, xin ý kiến cơ quan có thẩm quyền về nội dung của các cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt. Về cơ bản các cơ chế, chính sách đề xuất là cần thiết, trong đó một số cơ chế, chính sách đã được Quốc hội cho phép thời gian qua, tuy nhiên đề nghị tiếp tục rà soát, chỉnh lý các cơ chế, chính sách”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.

Trước đó, nhiều chuyên gia cũng đồng tình cho rằng cơ chế đặc thù, đặc biệt khác hiện hành là cần thiết, thậm chí cần cơ chế đặc thù vượt trội. Nói như Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương, cần thêm cơ chế mở sau này, trong quá trình triển khai nếu cần chính sách đặc thù thêm thuộc thẩm quyền Quốc hội, Chính phủ, chúng ta có thể đề xuất để triển khai công trình nhanh nhất, tốt nhất, hiệu quả nhất.

Bởi theo ông Phương, diện lĩnh vực cơ chế đặc thù này rộng, không giới hạn, giành ưu tiên cao nhất thực hiện công trình này, không có gì lấn cấn, thuộc thẩm quyền cấp nào trình cấp đó, có phân tích hiệu quả cơ chế đặc thù đem lại.

Ông Hoàng Văn Cường, Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội cũng đồng tình cho rằng, cần tính toán cơ chế ưu đãi, chính sách để thu hút nhà đầu tư, phát huy tiềm năng lợi thế của mình để triển khai dự án thuận lợi, nhanh chóng, cũng như giúp địa phương đón đầu cơ hội phát triển.

Thậm chí, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, Chính phủ có thể xem xét ngoài các nhóm đã trình, đã “điểm mặt đặt tên” thì có thể tạo ra một số cơ chế nào linh hoạt hơn, trao thẩm quyền mạnh hơn, xử lý ngay các vấn đề phát sinh, bảo đảm tính hiệu quả trong việc triển khai dự án quan trọng, chưa có tiền lệ, mặc dù vẫn biết đây là việc khó.

Bên cạnh đó, các chuyên gia còn cho rằng cần có các cơ chế đặc thù để khuyến khích doanh nghiệp trong nước tham gia vào dự án đường sắt tốc độ cao. Thậm chí, không chỉ tham gia xây dựng đường sắt mà dần làm chủ, trở thành chủ thể chính vận hành, quản lý đường sắt.

Chính phủ đề xuất 19 chính sách đặc thù cho dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, chia thành các nhóm sau:

Chính sách 1 về cơ cấu nguồn vốn cho dự án.

Chính sách 2 về bố trí vốn và điều chỉnh kế hoạch đầu tư công để bố trí vốn cho dự án.

Chính sách 3 về việc thẩm định khả năng cân đối vốn của dự án.

Chính sách 4 về phát triển, khai thác quỹ đất và giá trị tăng thêm từ đất vùng phụ cận ga đường sắt tốc độ cao.

Chính sách 5 về khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phục vụ dự án.

Chính sách 6 về bãi đổ chất thải rắn xây dựng.

Chính sách 7 về phát triển khoa học, công nghệ và tuyển dụng nguồn nhân lực cho dự án.

Chính sách 8 về phát triển công nghiệp và chuyển giao công nghệ.

Chính sách 9 về phân chia dự án thành phần.

Chính sách 10 về thẩm quyền quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án.

Chính sách 11 về lựa chọn phương án kiến trúc nhà ga thuộc dự án.

Chính sách 12 về công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng.

Chính sách 13 về lập thiết kế kỹ thuật tổng thể thay cho thiết kế cơ sở trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án.

Chính sách 14 về chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác và tạm sử dụng rừng.

Chính sách 15 về định mức, khoản mục chi phí.

Chính sách 16 về bố trí vốn cho dự án.

Chính sách 17 về cơ chế, chính sách bảo đảm quốc phòng, an ninh; phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Chính sách 18 về ban hành nghị quyết chứa quy phạm pháp luật để hướng dẫn triển khai các cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt của dự án.

Chính sách 19 về bổ sung cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt sau khi Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư dự án.

 
 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img