Sunday, November 24, 2024

Nhiều dự án chiếm ‘đất vàng’ rồi bỏ hoang ở Bình Thuận

Hàng trăm dự án lớn nhỏ nằm bất động, tương đương với hàng nghìn héc ta bị bỏ hoang, gây lãng phí rất lớn đến nguồn lực đất đai của Bình Thuận.

Bỏ hoang tràn lan “đất vàng” ven biển

Theo báo cáo mới nhất của UBND P.Mũi Né (TP.Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, ngày 15.10.2024), chỉ tính riêng các dự án du lịch, nghỉ dưỡng chậm triển khai, chậm đưa đất vào sử dụng (thời gian dưới 5 năm) của phường này có 6 dự án (104 ha); còn dự án chậm triển khai trên 5 năm là 15 dự án (345,4 ha).

Nhiều dự án chiếm 'đất vàng' rồi bỏ hoang ở Bình Thuận

Đồi Hòn Rơm ở P.Mũi Né rộng 82 ha được giao cho doanh nghiệp làm dự án nghỉ dưỡng cao cấp, nhưng chủ đầu tư đào xới nham nhở rồi bỏ hoang

Ảnh: Quế Hà

Đáng chú ý, có những dự án được giao đất từ năm 2004 đến nay vẫn trong tình trạng nằm im chưa tác động gì. Cũng theo UBND P.Mũi Né, một số dự án đã được UBND tỉnh cho gia hạn 24 tháng và đến nay đã hết thời gian gia hạn nhưng vẫn không triển khai. Điển hình, dự án du lịch Xuân Quỳnh (gia hạn năm 2019), khu biệt thự cao cấp và du lịch – nghỉ dưỡng Đồi Hòn Rơm (Hon Rom Hill – gia hạn năm 2019), khu du lịch Thành Hưng (gia hạn năm 2021); và dự án đã được UBND tỉnh cho gia hạn 12 tháng nhưng đến nay đã hết thời gian gia hạn như: Resort & Hotel Lamuine 1 và Resort & Hotel Lamuine.

Đặc biệt, có những dự án đã dừng từ 15 năm nay, chẳng hạn như dự án khu du lịch Hữu Lợi, làng du lịch sinh thái Suối Nước Mũi Né Aquaba.

Lãnh đạo UBND P.Mũi Né cho rằng có nhiều nguyên nhân, như không thỏa thuận được việc bồi thường đất với dân, dự án chưa tính được giá đất, dự án dính vào các vụ án chưa được gỡ, thiếu hạ tầng…

Theo tài liệu, đến hiện tại, Bình Thuận có tới 231 dự án, với diện tích 8.507 ha đất thuộc diện dự án chậm triển khai, chậm đưa đất vào sử dụng (trong đó có 166 dự án đã giao đất). Trong số này “dẫn đầu” tỉnh là TP.Phan Thiết với 37 dự án chiếm diện tích hơn 925 ha; tiếp theo là TX.La Gi có 10 dự án chậm triển khai với diện tích hơn 418 ha; H.Hàm Thuận Nam có 12 dự án với 230 ha; H.Bắc Bình có 8 dự án với 501 ha; H.Tuy Phong có 11 dự án với diện tích 511 ha; đặc biệt H.Hàm Tân có 10 dự án chậm triển khai nhưng diện tích tới 1.550 ha.

Có một điều đặc biệt là dự án chậm triển khai, chậm đưa đất vào khai thác, sử dụng nêu trên đều là ” ven biển. Lý do chưa triển khai hay chậm triển khai được các địa phương nêu ra hàng loạt. Tuy nhiên, cũng có nhiều dự án không đưa đất vào sử dụng không rõ lý do gì.

Lãnh đạo Sở KH-ĐT Bình Thuận cho biết ngày 7.10 vừa qua, căn cứ kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh tại buổi làm việc về tiến độ triển khai các dự án (ngoài ngân sách), Sở KH-ĐT đã có công văn đề nghị Sở TN-MT rà soát, cập nhật, bổ sung thông tin về quyết định giao đất, cho thuê đất và gia hạn tiến độ sử dụng đất, quyết định thu hồi đất của các dự án đầu tư (bao gồm dự án được chấp thuận đầu tư chậm tiến độ từ 5 năm trở lên và chưa quá 5 năm) trên toàn tỉnh; chủ động tiến hành kiểm tra thực địa, đề xuất, kiến nghị xử lý của từng dự án đã được quyết định giao đất, cho thuê đất.

Có thu hồi được ngay các dự án chậm tiến độ?

Trả lời Thanh Niên, ông Nguyễn Hữu Thông, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận, cho rằng một số nhà đầu tư, doanh nghiệp, khi được chấp thuận đầu tư, giao đất triển khai dự án nhưng chậm đưa đất vào sử dụng, dẫn đến lãng phí nguồn lực đất đai. Trước thực trạng trên, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã có những biện pháp chỉ đạo quyết liệt để khắc phục, bước đầu đã đạt được những kết quả nhất định.

Theo ông Thông, cần tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với đẩy nhanh chuyển đổi số, hướng tới mục tiêu hoàn thiện, kết nối liên thông hệ thống thông tin đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia tập trung; trong đó có dữ liệu về quy hoạch quản lý cập nhật biến động đến từng thửa đất, công bố công khai, minh bạch, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận thông tin dữ liệu về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; công khai kịp thời, minh bạch về kế hoạch sử dụng đất theo quy định.

Bên cạnh đó, cần làm tốt công tác kiểm tra, thanh tra; rà soát, đánh giá đúng nguyên nhân các dự án không đưa đất vào sử dụng, chậm tiến độ sử dụng đất trên phạm vi toàn tỉnh, đề xuất các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; kiên quyết thu hồi các dự án chậm tiến độ sử dụng đất nhằm giải phóng nguồn lực đất đai, đẩy nhanh việc đưa đất vào sử dụng có hiệu quả để phát huy nguồn lực đất đai.

Ông Nguyễn Hữu Thông cho biết sắp tới Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận cũng sẽ có những đợt giám sát chuyên đề về phòng chống lãng phí, nhất là lãng phí nguồn lực về đất đai, để phát hiện những tồn tại, khó khăn, vướng mắc, nhằm tháo gỡ hoặc kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành T.Ư tháo gỡ kịp thời tình trạng lãng phí đất đai.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img