Thursday, November 14, 2024

Mong mỏi cải thiện tình trạng kẹt xe

Bạn đọc mệt mỏi trước tình trạng kẹt xe ở TP.HCM liên tục gia tăng mức độ và mở rộng biên độ. Nhiều đề xuất được đưa ra với kỳ vọng cứu vãn tình hình.

Như Thanh Niên đã thông tin, theo Sở GTVT TP.HCM, dự báo từ mô hình mô phỏng, đến năm 2025, nhu cầu giao thông tại TP sẽ đạt trên 41 triệu lượt đi lại/ngày. Sự gia tăng nhanh chóng phương tiện cơ giới cá nhân dẫn đến tình trạng quá tải nghiêm trọng cho mạng lưới đường giao thông đô thị, đặc biệt trong giờ cao điểm.

Theo quy hoạch phát triển GTVT được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, chậm nhất đến năm 2020, TP.HCM xây dựng xong tổng cộng 5 tuyến đường bộ trên cao với tổng chiều dài 70,7 km; khép kín khoảng 356 km đường vành đai. Tuy nhiên, từ khi lên kế hoạch vào năm 2005 đến nay đã gần 2 thập niên, TP vẫn chưa có tuyến nào được đầu tư xây dựng.

Mong mỏi cải thiện tình trạng kẹt xe

Kẹt xe ngày càng trầm trọng trên đường Nguyễn Tất Thành, Q.4, TP.HCM

ẢNH: PHẠM HỮU

Nếu thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong giai đoạn 2021 – 2025, tình trạng ùn tắc giao thông của TP chắc chắn đã được cải thiện rất nhiều. Thế nhưng đã 4 năm trôi qua, tuyến metro số 1 vẫn chưa về đích, kế hoạch tuyến xe buýt nhanh “phá sản”, đề án “Tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát sử dụng xe cá nhân” khởi động đã lâu vẫn chưa chính thức triển khai. Những “con át chủ bài” của ngành giao thông TP.HCM đều nằm trên giấy, các dự án trọng điểm thì chậm trễ, còn người dân vẫn ngày ngày cám cảnh trên đường với câu hỏi: Bao giờ TP.HCM mới hết kẹt xe?

Đi làm như đi phượt

Bạn đọc (BĐ) khẳng định tình trạng kẹt xe ở TP.HCM hiện không chỉ gia tăng mức độ mà còn mở rộng biên độ. Theo BĐ Cuong Tran: “Tình trạng kẹt xe nghiêm trọng vào giờ tan tầm không tại một chỗ cụ thể nào mà diễn ra toàn diện, rộng khắp TP.HCM. Mọi con phố, mọi ngõ hẻm, vỉa hè đều không còn khoảng trống nào hết. Việc này ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của TP và cuộc sống của người dân”.

“Sáng 6 giờ tôi đi làm, tới công ty lúc 6 giờ 50. Chiều 5 giờ về, tới nhà lúc 6 giờ. Nhà tôi cách công ty 9,8 km. Mỗi ngày đi làm mà như đi phượt”, BĐ Tvhp chia sẻ.

BĐ duytrankts85 nêu góc nhìn: “Đường không mở kịp, bất động sản thì xây liên tục ở đô thị, dân cư ngày càng đông, trong khi cơ sở hạ tầng như trường – trạm – chợ – văn phòng – siêu thị vẫn đều đều tập trung hết ở các tuyến đường trung tâm, hỏi sao không kẹt xe? Dù có phân luồng, cấm xe lớn cũng vô ích khi người dân không còn sự lựa chọn đi đường nào để tránh. Không dùng phương tiện này thì họ cũng thay bằng phương tiện khác miễn sao tới được nơi cần tới. Thành ra kẹt xe vẫn ngày càng tăng”.

“Tôi ra đường là bị ám ảnh bởi kẹt xe. Trên một số tuyến đường thì sợ xe tải, xe container. Rồi chiều tối thì sợ mưa gây ngập đường, sợ triều cường. Riết rồi sợ và hạn chế ra đường. Mong TP cải thiện được tình trạng này”, BĐ Thoa Nguyễn mong mỏi.

Giải pháp nào ?

“Câu hỏi bao giờ TP.HCM mới hết kẹt xe, mang tính thời sự suốt mấy chục năm qua. Bao nhiêu dự án dở dang, trên giấy, chốt lại vẫn đa số là mở rộng đường. Không thể mãi mở rộng đường được. Cần phát triển giao thông công cộng, xây cầu vượt nhiều tầng ở các ngã ba, ngã tư lớn, quyết liệt hạn chế dần xe cá nhân trên những tuyến mà giao thông công cộng đã thuận tiện”, BĐ Dieu Hoang bày tỏ.

Theo BĐ Hai Bui Minh, cần nhiều giải pháp đồng bộ: “1. Mở rộng đường, cầu hiện hành. 2. Cấm buôn bán, đậu xe lòng lề đường. 3. Tái phân bố các đường xương cá (ngã ba, ngã tư) thật hợp lý. 4. Chỉnh thời gian đèn giao thông cho tối ưu. 5. Xây đường trên cao, thêm đường song hành. 6. Làm nhanh các tuyến metro, xe điện, xe buýt xương sống và xương cá kết nối khu vực quận 7, quận 4, Nhà Bè với quận 1, TP.Thủ Đức, Bình Chánh. 7. Chế tài thật nặng các hành vi chen lấn, leo lề… của tất cả phương tiện giao thông”.

Trong khi đó, BĐ Phan Son đề xuất: “TP nên chia lại phần đường, ưu tiên cho giao thông công cộng, xe công vụ, y tế, phần còn lại cho phương tiện cá nhân. Quy hoạch giao thông công cộng thành hệ thống chặt chẽ, bảo đảm nhanh, rẻ, tiện lợi, an toàn và bảo vệ môi trường. Ban đầu thực hiện trong phạm vi trung tâm và phủ dần nội thành. Khi giao thông cá nhân trở nên khó khăn thì người ta dần tự bỏ xe máy, xe hơi đi thôi”.

“Cần di dời dần các trường đại học, cao đẳng ra ngoại thành. Các ký túc xá xây dựng gần trường học, các khu công nghiệp cũng cần có khu nhà trọ cho công nhân gần nhà máy. Các ngã tư lớn cần xây cầu vượt và khẩn trương xây thêm đường trên cao. Nên hạn chế văn hóa “cấm”, xe máy hay ô tô đều gây ra kẹt xe, nhưng cũng là kế sinh nhai của đại bộ phận người dân. Cần tìm giải pháp tốt nhất để vừa phát triển kinh tế vừa không để kẹt xe mới là quản lý giỏi”, BĐ Madam Ne Bê Na nêu quan điểm.

Cơ sở hạ tầng, mở rộng đường sá bao nhiêu cho đủ khi phương tiện và người đổ dồn về TP ngày càng nhiều?

9G5

Tập dần ý thức bớt tranh đoạt, học cách đi như người dân miền núi, cứ hàng một mà đi. Còn chưa ý thức trật tự thì đường có rộng như đường băng sân bay cũng không giải quyết hết kẹt xe được.

Hải Nguyễn Thành

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img