Bị cáo Trương Mỹ Lan, người đang đối diện án tử hình, đưa ra ‘núi’ tài sản để chứng minh có khả năng bồi thường cho ngân hàng hơn 673.000 tỉ đồng, để mong được thoát mức án này.
Theo kế hoạch xét xử phúc thẩm, ngày 15.11, Viện KSND cấp cao tại TP.HCM đề nghị mức án đối với bị cáo Trương Mỹ Lan (68 tuổi, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và 47 đồng phạm, gây thiệt hại cho Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) hàng trăm nghìn tỉ đồng, trong giai đoạn 1.
Bị cáo Trương Mỹ Lan bị TAND TP.HCM xét xử sơ thẩm vào tháng 4.2024, tuyên phạt mức án tử hình cho 3 tội danh: tội tham ô tài sản (tử hình), tội đưa hối lộ (20 năm tù) và tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng (20 năm tù).
Tòa buộc bị cáo Lan bồi thường cho SCB hơn 673.000 tỉ đồng và 673 tỉ đồng án phí dân sự sơ thẩm. Không đồng tình với bản án này, nên bị cáo đã kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Trong quá trình xét xử phúc thẩm, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã đưa ra một loạt phương án cho rằng tài sản của mình có khả năng khắc phục hậu quả do mình gây ra, để “mong tòa cho bị cáo cơ hội được trở về”.
Cụ thể, sau phiên tòa sơ thẩm, gia đình bị cáo Lan đã nộp hơn 500 tỉ đồng để khắc phục hậu quả. Tại tòa phúc thẩm, nhiều lần bị cáo Lan mong SCB thông cảm trả lại 5.000 tỉ đồng để khắc phục hậu quả cho chính ngân hàng này. Đây là số tiền mà bị cáo và các cổ đông nộp để tăng vốn điều lệ cho SCB, được SCB hòa vào dòng tiền để sử dụng.
Bị cáo Trương Mỹ Lan còn khai rằng có khoảng 21.400 tỉ đồng là số tiền mà các cá nhân, tổ chức phải trả cho bị cáo (trong đó có bị cáo Nguyễn Cao Trí, Dương Tấn Trước, Công ty CP Quốc Cường Gia Lai, Công ty CP T&H Hạ Long và Công ty TNHH Âu Lạc Quảng Ninh…) và 172 tỉ đồng trong tài khoản phong tỏa để đảm bảo nghĩa vụ cho bị cáo Lan.
Số tiền mà Công ty Hoàng Quân định giá 726/1.166 mã tài sản đảm bảo cùng với tài sản cố định của SCB và các khoản nợ đã bán cho Công ty VAMC là 295.000 tỉ đồng. Như vậy, tổng cộng số tiền bị cáo Lan đã khắc phục, nộp lại là hơn 323.000 tỉ đồng.
“Núi” tài sản giá trị thực bao nhiêu?
Ngoài ra, bị cáo Trương Mỹ Lan còn có rất nhiều tài sản có giá trị rất lớn khác, bị cáo đồng ý dùng để khắc phục cho vụ án. Trong đó có 440 mã tài sản đảm bảo tại SCB không được Công ty Hoàng Quân định giá, và 658 mã tài sản không bảo đảm cho bất kỳ nghĩa vụ nào tại SCB đang bị cơ quan điều tra kê biên…
Đối với 440 mã tài sản đảm bảo cho các khoản vay tại SCB, theo bị cáo Lan là có giá trị ít nhất 100.000 tỉ đồng, nhưng không được Công ty Hoàng Quân định giá, nên bị SCB quy giá trị bằng 0.
Trên thực tế, trong số 440 mã này, có những tài sản giá trị rất lớn như quyền sử dụng đất tại: tòa nhà 2 – 4 – 6 Hai Bà Trưng (Q.1); nhà đất 152 Trần Phú (tổng diện tích xây dựng hơn 300.000 m2); 196 – 202 Nam Kỳ Khởi Nghĩa (dự án Grand Central)… Đây là những tài sản nằm tại trung tâm Q.1 và Q.3, TP.HCM.
Cũng theo bị cáo Lan, tổng giá trị của 440 mã tài sản không định giá được, theo trên sổ sách ước tính khoảng hơn 628.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, khi trả lời câu hỏi của Viện kiểm sát về giá trị thực của tài sản này, thì bị cáo Lan khai: “Theo kinh nghiệm bị cáo thì trên 100.000 tỉ đồng”.
Vụ án có 31 mã tài sản không thế chấp tại SCB, đang bị kê biên, chỉ tính 4/31 mã tài sản đã có khoảng hơn 12.000 tỉ đồng. Trong đó có căn hộ tại tầng 1 và tầng 2 tại 78 Nguyễn Huệ (Q.1); nhà đất tại 24 Lê Lợi (Q.1); nhà đất tại 21 Trần Cao Vân (Q.1)…
Đối với 658 mã tài sản không bảo đảm cho bất kỳ khoản vay nào, đang bị cơ quan điều tra kê biên, bị cáo cho rằng là của gia tộc mình. Trong số 658 mã tài sản, có 2 dự án lớn là dự án cảng Sài Gòn và dự án Amigo (tứ giác Nguyễn Huệ). Theo bị cáo, nếu dự án được phát triển đúng thời điểm và kịp thời thì sẽ mang về không dưới 200.000 tỉ đồng.
Trong số mã tài sản đã được Công ty Hoàng Quân định giá, có dự án Mũi Đèn Đỏ bị công ty này định giá chỉ có 18.000 tỉ đồng, trong khi đó một công ty khác định giá khoảng 150.000 tỉ đồng.
Còn dự án 6A khu Trung Sơn (H.Bình Chánh, TP.HCM) có diện tích 26 ha, đã nộp tiền sử dụng đất từ khoảng hơn 10 năm về trước, nhưng pháp lý bất cập nhiều năm qua, đang bị SCB giữ. Bị cáo Lan cho rằng dự án này rất đẹp, theo như định giá của Công ty Hoàng Quân thì chỉ được khoảng 16.000 tỉ đồng. Thế nhưng, trước khi bị cáo bị bắt, nhà đầu tư trả mức giá 40.000 tỉ đồng.
“Bị cáo đã cho SCB mượn dự án 6A, mà SCB cứ giữ thì lấy gì bị cáo khắc phục. Tài sản nào ra tài sản đó”, bị cáo Lan nói.
Trả lời câu hỏi của tòa về việc đang giữ dự án 6A, đại diện SCB khẳng định: “Hiện dự án 6A không còn đảm bảo khoản vay nào. Nếu bị cáo Lan đồng ý giao để SCB hoặc cơ quan thi hành án để khắc phục hậu quả thì SCB đồng ý yêu cầu này”, đại diện SCB trả lời.
Hồi tháng 10 vừa qua, UBND TP.HCM đã có quyết định về bảng giá đất mới, theo đó giá đất tăng lên nhiều lần. Do đó, luật sư của bị cáo Lan cho rằng nếu áp theo bảng giá đất mới, đương nhiên giá trị tài sản đảm bảo là quyền sử dụng đất của bị cáo Lan cũng sẽ thay đổi theo chiều hướng tăng lên.
Ngoài ra, bị cáo Lan cũng cho rằng bị cáo có khoảng 2.000 đơn của người dân xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo, bị cáo từng tích cực làm công tác xã hội.
Bồi thường 30.800 tỉ đồng cho 35.800 người trong giai đoạn 2
Ngoài vụ án trên, hôm 17.10, bị cáo Trương Mỹ Lan và 33 đồng phạm còn bị TAND TP.HCM xét xử sơ thẩm xảy ra tại Tập Đoàn Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2.
Tòa phạt bị cáo Lan tổng hợp hình phạt chung là tù chung thân về 3 tội danh: tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (tù chung thân); tội rửa tiền (12 năm tù); tội vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới (8 năm tù).
Tòa buộc bị cáo Lan bồi thường toàn bộ hơn 30.800 tỉ đồng cho hơn 35.800 người bị hại liên quan phát hành trái phiếu. Lý do là bị cáo Lan và 33 đồng phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản hơn 30.000 tỉ đồng của trái chủ, rửa tiền hơn 445.000 tỉ đồng, và vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới khoảng 106.730 tỉ đồng.
Nguồn: thanhnien.vn