Sunday, November 24, 2024

Thi đánh giá năng lực hỏi 11 lĩnh vực là khó hay dễ với học sinh?

ĐH Quốc gia TP.HCM vừa công bố cấu trúc đề thi đánh giá năng lực năm 2025 với nhiều thay đổi hoàn toàn khác so với dự kiến ban đầu khiến giáo viên lo lắng.

Thi đánh giá năng lực hỏi 11 lĩnh vực là khó hay dễ với học sinh?

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực đợt 2 năm 2024 của ĐH Quốc gia TP.HCM

ẢNH: NHẬT THỊNH

ĐH Quốc gia TP.HCM hôm qua (12.11) chính thức công bố cấu trúc mới đề thi đánh giá năng lực, áp dụng từ năm 2025. Đáng chú ý, đề lần này yêu cầu thí sinh phải dự thi 11 nhóm lĩnh vực kiến thức thay vì được lựa chọn 3 trong số 6 nhóm như thông tin trước đó ĐH này từng chia sẻ. Nội dung và số câu của các nhóm lĩnh vực kiến thức cũng thay đổi mà theo một số giáo viên, sẽ đặt ra không ít thách thức cho học trò.

Cụ thể, ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ giữ cấu trúc phần sử dụng ngôn ngữ và toán học, đồng thời tăng số lượng câu hỏi của hai phần này. Phần logic – phân tích số liệu và giải quyết vấn đề được cấu trúc lại thành phần tư duy khoa học, gồm hai nội dung là tư duy logic và phân tích số liệu, cùng suy luận khoa học (với lĩnh vực kiến thức của 6 môn: vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật).

Giỏi tiếng Anh sẽ có lợi thế

Thạc sĩ Bùi Văn Công, giáo viên luyện thi đánh giá năng lực trực tuyến ở TP.HCM, nói rằng cấu trúc mới “quay xe 180 độ” so với định hướng trước đó, khi không hề cho phép thí sinh chọn môn mà yêu cầu các bạn phải trả lời 120 câu ở 11 nhóm lĩnh vực kiến thức khác nhau. Tỷ trọng các môn cũng thay đổi, khi toán học, tiếng Việt và tiếng Anh chiếm phần lớn với 30 câu/môn, thay vì chỉ lần lượt có 10, 20, 20 câu hỏi như trước.

Trong khi đó, tư duy logic và phân tích số liệu từ 20 câu hỏi nay chỉ còn 12, còn 6 nhóm lĩnh vực còn lại chỉ có 3 câu hỏi/môn. “Có thể thấy, trọng tâm của đề xoay quanh 3 môn toán, tiếng Anh, tiếng Việt, còn 6 môn khác không đóng góp vai trò quá quan trọng như xưa. Đặc biệt, các bạn giỏi tiếng Anh sẽ có lợi thế rất nhiều vì phần toán, tiếng Việt đều có xu hướng khó hơn, trong khi đề tiếng Anh giữ nguyên cấu trúc”, thầy Công chia sẻ.

Phân tích chi tiết, thạc sĩ Công cho biết môn toán hỏi kiến thức ở cả 3 khối 10, 11, 12, thay vì chỉ tập trung phần lớn ở lớp 12 như cấu trúc cũ. Tuy nhiên, độ khó câu hỏi không đến mức “đánh đố” mà chỉ yêu cầu các bạn phải nắm kiến thức. Trong khi đó, môn tiếng Việt “đánh mạnh” vào kỹ năng đọc hiểu, khi ngữ liệu trong đề là các đoạn thông tin yêu cầu thí sinh phân tích, chứ không chỉ là những câu hỏi lẻ như trước.

“Đề tiếng Anh vẫn là những dạng câu hỏi cũ, song yêu cầu thí sinh có lượng từ vựng và hiểu cách dùng từ tốt hơn. Tăng câu hỏi tiếng Anh cũng khiến các thí sinh tại thành phố có lợi thế hơn so với vùng sâu, vùng xa”, thầy Công lo ngại. Nam giáo viên cũng lý giải động thái tăng số câu hỏi tiếng Anh phù hợp với định hướng xem tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai và đáp ứng nhu cầu của các trường ĐH.

Thầy Đặng Duy Hùng, quản lý hệ thống luyện thi đánh giá năng lực Lasan – Helius Education (TP.HCM), cho biết một điểm nhấn của đề thi 2025 là có nhiều câu hỏi chuỗi, không “hỏi khơi khơi” một vấn đề bất kỳ như trước. Trong đó, phần tiếng Việt tập trung nhiều hơn vào đọc hiểu nội dung, khi lần đầu tiên xuất hiện đoạn văn và một số câu hỏi về… địa lý, cụ thể là vấn đề biến đổi khí hậu.

“Trong phần này, đề đặt ra 4 câu hỏi yêu cầu thí sinh phải phân tích văn bản để tìm được câu trả lời, duy chỉ có một câu là hỏi về ngữ pháp. Đây là điểm mới thí sinh nên lưu ý”, thầy Hùng chỉ ra.

Với môn toán, nam giáo viên đồng tình với thầy Công, cho rằng 30 câu hỏi trải rộng từ lớp 10 đến 12 ở cả phần đại số và hình học, với số câu hỏi tương ứng với từng khối lớp dường như tương đương. Điều này khiến môn toán “khó ăn” hơn so với những lĩnh vực khác. “Phần tiếng Anh thì tăng cường đọc hiểu và có nội dung tiệm cận đề thi tốt nghiệp THPT 2025”, thầy Hùng lưu ý.

Trong khi đó, nam giáo viên cho rằng phần tư duy logic, phân tích số liệu không có thay đổi gì về nội dung, còn các nhóm lĩnh vực ở phần suy luận khoa học có ít đoạn đọc hiểu hơn trước.

Cũng theo thầy Hùng, cấu trúc đề mới với một nửa nội dung (60 câu hỏi) nằm ở phần ngôn ngữ sẽ tạo nhiều điều kiện cho các bạn học khối C và D. Trong khi đó, phần khoa học tự nhiên ‘hơi nhẹ và dễ’, không quá phù hợp để xét tuyển vào các trường ĐH thiên về phần này như Bách khoa, Khoa học tự nhiên, theo thầy Hùng.

“Số câu hỏi ở các môn suy luận khoa học ít hơn thì phù hợp với mục tiêu cắt giảm chương trình học ở phổ thông, không có phần lệch như ở 3 phần chính”, thầy Hùng nói thêm.

Thi đánh giá năng lực hỏi 11 lĩnh vực là khó hay dễ với học sinh?

Học sinh sau khi hoàn thành kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1 năm 2024

ẢNH: NHẬT THỊNH

Thầy Lê Minh Xuân Nhị, Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng văn hóa Tri Thức NP, thì nhận xét cấu trúc thi đánh giá năng lực năm 2025 của ĐH Quốc gia TP.HCM có trọng số các phần không cân đối, khi 6 nhóm lĩnh vực kiến thức chỉ chiếm tổng cộng 18 câu hỏi, tức 3 câu/môn. Điều này đặt ra hai vấn đề, là đề có đang đi ngược lại định hướng của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, và có phù hợp để tuyển sinh hay không?

Bởi theo thầy Nhị, chương trình mới cho phép thí sinh chọn học tổ hợp, do đó sẽ có bạn chưa từng học hóa học, vật lý, sinh học trong cả 3 năm THPT. Vì thế, thí sinh hoàn toàn không thể làm hết đề nếu chỉ học trên lớp. Chưa kể, có câu hỏi trong phần suy luận khoa học không hề cung cấp dữ liệu “thô” để kiểm tra kỹ năng mà chỉ kiểm tra kiến thức, dù chương trình mới không yêu cầu học sinh phải học hết kiến thức.

“Một học sinh giỏi tiếng Anh và không biết gì về hóa, sinh vẫn có thể đạt điểm cao hơn một bạn chỉ khá tiếng Anh nhưng giỏi hóa, sinh, bởi trọng số cho 6 môn còn lại quá ít”, thầy Nhị nêu băn khoăn, cho biết thêm điều này sẽ gây bất công cho các bạn muốn ứng tuyển vào những ngành học mà mình có thế mạnh, nhất là những thí sinh học phân môn khoa học tự nhiên.

Cần đổi cách ôn để thi đánh giá năng lực

Để đạt kết quả thi tối ưu, các chuyên gia khuyên thí sinh cần đổi hướng ôn luyện, không trải dài học tất cả các môn mà nên tập trung chính vào 3 phần toán, tiếng Việt cùng tiếng Anh. Làm tốt những phần này, thí sinh có thể nắm chắc dưới 900 điểm, thầy Công nhận định. Muốn trên 900 điểm, thí sinh tiếp tục tập trung vào phần tư duy logic và phân tích số liệu, và học 6 môn còn lại nếu muốn đạt 1.000 điểm trở lên, theo nam giáo viên.

“Hiện tại, các bạn cần đặt ra kế hoạch ôn tập phù hợp với năng lực học tập và mức điểm mà mình nhắm đến. Và dù ở trong trường hợp nào, thí sinh cũng nên ưu tiên ‘sống chết’ với toán, tiếng Anh và tiếng Việt”, thạc sĩ Công khuyên.

Thầy Đặng Duy Hùng thì cho biết trong thời gian tới, các trung tâm luyện thi sẽ ưu tiên tăng số buổi ôn tập 3 môn toán, tiếng Anh, tiếng Việt và cắt giảm bớt các nhóm lĩnh vực còn lại. Khó khăn nhất, theo thầy Hùng, có lẽ là các bạn phải ôn lại kiến thức môn toán lớp 10 và 11. Ngoài ra thí sinh cũng cần luyện kỹ năng đọc hiểu, tức đọc nhanh nhất có thể để lọc và xử lý thông tin phù hợp, từ đó trả lời câu hỏi mà đề ra.

“Bên cạnh đó, các bạn cũng cần tìm hiểu và chọn lọc các bộ đề tham khảo theo cấu trúc mới để ôn luyện”, thầy Hùng lưu ý thêm.

Thi đánh giá năng lực hỏi 11 lĩnh vực là khó hay dễ với học sinh?

Trước khi ĐH Quốc gia TP.HCM “chốt” cấu trúc đề thi đánh giá năng lực 2025, không ít thí sinh và phụ huynh hoang mang vì những đồn đoán trên mạng xã hội TikTok

ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH

Trước đó, như Thanh Niên đã đưa tin, nhiều kênh TikTok thời gian qua liên tiếp đưa tin “cập nhật mới nhất” về kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM cho rằng đề có “5 phần, 13 tổ hợp” hay chỉ có thể chọn thi môn tự nhiên hoặc xã hội. Các video này thu hút hàng chục nghìn lượt xem, gây hoang mang cho không ít thí sinh, phụ huynh và đã nhanh chóng bị ĐH Quốc gia TP.HCM bác bỏ.

Theo ĐH Quốc gia TP.HCM, kỳ thi đánh giá năng lực năm 2025 dự kiến sẽ tổ chức hai đợt vào ngày 30.3 và 1.6 tại 25 tỉnh, thành phố tương tự năm 2024.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img