Friday, November 22, 2024

Từ ngày 15.11, người dân có được ghi âm, ghi hình giám sát CSGT?

Sau khi Thông tư 46/2024/TT-BCA được ban hành, người dân vẫn được sử dụng thiết bị ghi âm, ghi hình để giám sát quá trình làm việc của CSGT. Tuy nhiên, phải bảo đảm các điều kiện được pháp luật quy định và không làm ảnh hưởng đến hoạt động của cán bộ, chiến sĩ khi đang thực thi công vụ.

Thông tư 46/2024/TT-BCA của Bộ Công an sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 15.11, trong đó có một số sửa đổi và bổ sung cho Thông tư 67/2019/TT-BCA quy định về thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Theo đó, sau khi Thông tư 46/2024/TT-BCA được ban hành, người dân vẫn được sử dụng thiết bị ghi âm, ghi hình để giám sát quá trình làm việc của CSGT. Tuy nhiên, việc này phải bảo đảm các điều kiện đã được pháp luật quy định và không làm ảnh hưởng đến hoạt động của cán bộ, chiến sĩ khi đang thực thi công vụ.

Từ ngày 15.11, người dân có được ghi âm, ghi hình giám sát CSGT?

Sau khi Thông tư 46/2024/TT-BCA được ban hành, người dân vẫn được sử dụng thiết bị ghi âm, ghi hình để giám sát quá trình làm việc của CSGT

ẢNH: HOÀNG TUÂN

Một số điểm mới người dân cần lưu ý

Trao đổi về vấn đề trên, luật sư Trương Văn Tuấn, Đoàn luật sư TP.HCM, cho biết khác với Thông tư 67/2019/TT-BCA, tại Thông tư 46/2024/TT-BCA đã bãi bỏ quy định về hình thức giám sát thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình trong quá trình làm việc của lực lượng CSGT.

Ngoài ra, Thông tư 46 cũng bãi bỏ các quy định liên quan việc lực lượng CSGT phải có kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện giao thông, kế hoạch tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm theo chuyên đề giao thông khi lập chốt kiểm tra như các quy định trước đây.

Bên cạnh đó, Thông tư 46/2024/TT-BCA đã sửa đổi, bổ sung các quy định về trách nhiệm của người dân khi tham gia vào hoạt động bảo đảm trật tự, an toàn giao thông như sau: Thông báo cho cơ quan công an hoặc UBND nơi gần nhất các vụ tai nạn, ùn tắc giao thông; các vụ đua xe trái phép, gây rối trật tự công cộng, vi phạm pháp luật hình sự làm ảnh hưởng an toàn giao thông; đặt chướng ngại vật trên đường gây cản trở giao thông; ném đất, đá hoặc các vật khác vào phương tiện hoặc người tham giao giao thông; vận chuyển trái phép chất cháy, chất nổ, chất ma túy hoặc vận chuyển trái phép các hàng hóa khác; các hành vi giả danh công an nhân dân; chống người thi hành công vụ và các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông khác.

Từ ngày 15.11, người dân có được ghi âm, ghi hình giám sát CSGT?

Luật sư Trương Văn Tuấn, Đoàn luật sư TP.HCM

ẢNH: NVCC

Quyền và nghĩa vụ của người dân trong việc giám sát CSGT

Cũng theo luật sư Trương Văn Tuấn, quyền và nghĩa vụ của người dân trong việc giám sát CSGT bằng cách ghi âm, ghi hình là một chủ đề pháp lý quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh nâng cao minh bạch và đảm bảo quyền giám sát của công dân.

Để đảm bảo việc giám sát này đúng quy định pháp luật, Thông tư 46/2024/TT-BCA nêu rõ việc giám sát của người dân phải đảm bảo các điều kiện như không làm ảnh hưởng đến hoạt động của cán bộ, chiến sĩ khi đang thực thi công vụ; không được vào khu vực thực thi công vụ, trừ người có quyền và nghĩa vụ liên quan; tuân thủ các quy định pháp luật khác có liên quan.

Luật sư Tuấn cho rằng việc ghi âm, ghi hình phải được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật; người dân cần thông báo cho CSGT về việc mình đang ghi âm, ghi hình để giữ lại làm chứng cứ, có thể cung cấp việc khiếu nại, khởi kiện nếu có hành vi sai phạm. Đây là trường hợp họ có quyền ghi âm, ghi hình với điều kiện là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trực tiếp đến vụ việc này.

Có được ghi âm, ghi hình CSGT làm việc, đăng lên mạng xã hội?

Liên quan vấn đề này, luật sư Trần Minh Hùng, Đoàn luật sư TP.HCM, cho rằng có rất nhiều trường hợp người dân đã ghi hình lại toàn bộ quá trình làm việc của CSGT rồi đăng lên mạng xã hội với nhiều mục đích khác nhau. Trong đó, không ít các trường hợp đăng lên mạng xã hội nhằm mục đích tuyên truyền, chống phá, bôi xấu, xúc phạm uy tín, danh dự của lực lượng CSGT.

Ngoài ra, cũng có không ít trường hợp các đối tượng, nhóm đối tượng tạo tài khoản mạng xã hội chuyên sử dụng để đăng tải các nội dung liên quan đến các mánh khóe, các chiêu trò lách luật, hướng dẫn người dân xử lý như thế nào khi bị lực lượng CSGT xử phạt nhằm mục đích “câu like”, “câu view”, tăng tương tác và tìm kiếm nguồn thu nhập từ các video được đăng tải.

Theo luật sư Hùng, hành vi phát tán quá trình làm việc của CSGT gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh lực lượng chiến sĩ CSGT, đến hoạt động bình thường cũng như quá trình làm việc của các chiến sĩ CSGT. “Do đó, người dân cần xem xét và cẩn trọng trước khi thực hiện các hành vi trên bởi ranh giới giữa giám sát và vi phạm pháp luật rất mong manh”, luật sư nêu quan điểm.

Từ ngày 15.11, người dân có được ghi âm, ghi hình giám sát CSGT?

Luật sư Trần Minh Hùng, Đoàn luật sư TP.HCM

ẢNH: NVCC

Ghi âm, ghi hình trái quy định có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Liên quan nội dung này, theo luật sư Trần Minh Hùng, người dân khi tham gia giao thông bị CSGT kiểm tra, xử lý vi phạm nhưng không đồng ý, cho rằng bản thân không có lỗi thì có quyền ghi âm, ghi hình để làm chứng cứ nhằm đảm bảo quyền lợi cho mình.

Tuy nhiên, người dân cần thông báo và phải được sự đồng ý của lực lượng CSGT trước khi tiến hành ghi âm, ghi hình. Đồng thời, các nội dung được ghi âm, ghi hình người dân phải sử dụng đúng mục đích, không được thực hiện các hành vi trái quy định pháp luật, các hành vi gây ảnh hưởng đến hoạt động của các cán bộ, chiến sĩ đang thực hiện nhiệm vụ.

Cũng theo luật sư, những cá nhân khác không liên quan nếu tiến hành ghi âm, ghi hình quá trình làm việc của lực lượng CSGT, đăng tải lên mạng xã hội nhằm mục đích bôi xấu, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của các chiến sĩ CSGT hoặc cố tình chống đối khi lực lượng CSGT ngăn chặn thực hiện hành vi ghi âm, ghi hình có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự tùy theo tính chất, mức độ vi phạm.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img