Không “đại trà” như những đối thủ đến từ Đức, nhưng Maserati Grecale lại mang trong mình chất Ý riêng biệt, cả trong thiết kế lẫn vận hành; thực sự là “món quà” hợp gu với những ai muốn tìm một mẫu xe sang trọng, thời thượng nhưng ít “đụng hàng”.
“Chất Ý” mới từ Maserati
Khách quan mà nói, nếu so với Levante, Grecale được xem là mẫu Maserati SUV chỉn chu hơn. Không chỉ vì mẫu xe này “sinh sau đẻ muộn”, mà còn bởi, ở Grecale hãng xe Ý cũng gửi kèm nhiều thông điệp và cả những nỗ lực thay đổi, hoàn thiện.
Điều này không khó để nhận ra, khi ngay từ kiểu dáng, mẫu xe “em út” nhà Maserati đã cho thấy khác biệt nhờ thiết kế đã phần nào “mềm mại” và mượt mà hơn. Dù rằng, mẫu SUV mới này vẫn thừa hưởng nguyên vẹn những thứ đã tạo nên DNA của hãng, như biểu tượng cây đinh ba trứ danh, lưới tản nhiệt với những thanh nan đặt dọc hay các đường gân dập nổi đầy cơ bắp trên nắp ca-pô.
Sự chỉn chu, tinh tế còn thấy rõ khi mở cửa và bước vào bên trong xe. Có lẽ sẽ không quá nếu nói rằng, Maserati Grecale mới chính là sự giao thoa, là gạch nối giữa quá khứ – hiện tại – tương lai của hãng xe Ý. Bởi mẫu SUV “đàn em” gần như đã định hình lại phong cách thiết kế nội thất của Maserati, với sự xuất hiện của nhiều chi tiết hiện đại, mang hơi thở xu hướng.
Trong đó, dấu ấn lớn nhất nằm ở hai màn hình trung tâm dạng cảm ứng, kích cỡ lần lượt 12,3 inch và 8,8 inch, được bố trí như một cuốn sách lật giở. Cụm màn hình này đã loại bỏ sự tồn tại của nhiều nút bấm vật lý và gần như đóng vai trò điều khiển mọi hoạt động của xe. Chưa hết, khu vực bảng táp-lô cũng mới mẻ hơn với những chi tiết ốp gỗ vân mờ, đồng hồ thông minh hoàn thiện tinh xảo trông như đồng hồ cơ của Thụy Sỹ. Hệ thống đèn viền bố trí ẩn mờ đậm tính nghệ thuật hay hệ thống âm thanh mang đậm “chất Ý” với 14 loa công suất 860 watt “thửa riêng” từ một thương hiệu loa biểu tượng cũng của Ý – Sonus Faber.
Ngay cả ở khả năng vận hành, Maserati Grecale cũng mang đến làn gió mới đúng như tên gọi. Và nó cũng khác biệt hẳn so với “đàn anh” Levante. Mẫu SUV “em út” này sử dụng 2 tùy chọn động cơ gồm động cơ lai Mild Hybrid 4 xi-lanh trên bản GT và Modena, có công suất đầu ra lần lượt 300 và 330 mã lực; và động cơ V6 ở bản Trofeo đạt công suất lên đến 530 mã lực, với hiệu suất cao dựa trên động cơ Nettuno từng được trang bị trên MC20.
Nhưng cái hay của Grecale đến từ cách tinh chỉnh sức mạnh vận hành. Những khối động cơ kể trên rõ ràng vẫn đủ sức mạnh để khiến người lái phải dính lưng vào ghế sau mỗi cú nhấn ga. Tuy nhiên, với Grecale, “độ hỗn” của xe dường như đã được kìm lại và không còn cảm giác gây sốc. Một sự thay đổi cho thấy sự tinh tế, sự cầu thị của Maserati, nhằm mang đến “chất Ý” mới, hợp thời đại hơn.
“Của lạ” không dành cho số đông
Trong một phát biểu trước truyền thông, một đại diện của Maserati từng tự tin khẳng định: “Chúng tôi (Maserati – PV) không có ý định đấu với Porsche về doanh số. Điều mà Maserati nhắm tới là độ hiếm, sự sang trọng và đặc biệt nhất có thể”.
Nếu xét doanh số và độ phủ thương hiệu, quan điểm này có lẽ sát với thực tế. Maserati chưa hẳn là thương hiệu ô tô thể thao phổ biến và được đông đảo người yêu thích xe biết đến như đối thủ đến từ Đức. Nhưng có lẽ, nếu đã tìm đến thương hiệu cây đinh ba này, chắc chắn vị khách này phải là người “sành sỏi” về ô tô. Điều này càng đúng hơn tại Việt Nam – thị trường mà Maserati đặt chân đến muộn hơn khá lâu so với đối thủ Porsche.
Đó có lẽ cũng là lý do, bên cạnh chất riêng của sản phẩm, Maserati cũng rất biết cách tạo nên sự khác biệt cho những mẫu xe của mình. Trường hợp của Grecale là một điển hình gần đây nhất. Ngay từ cách định vị phân khúc, hãng xe Ý đã gần như tính toán thông số và sắp đặt cả giá bán để mẫu SUV này nằm ở một “mâm” riêng, lọt giữa hai dòng xe của đối thủ Porsche đã quá phổ biến, là Macan và Cayenne.
Nhưng khác biệt của Grecale nằm ở trang bị sẵn có trên xe. Nếu “soi” chi tiết sẽ thấy, ngay cả những gói trang bị tính năng vận hành “Standard”, mẫu xe Ý đã gần như đáp ứng đầy đủ cho người dùng. Trong khi nếu so với đối thủ Đức (Porsche Macan), để sở hữu những công nghệ tương đồng, khách hàng phải chọn thêm khá nhiều “option”, với số tiền “đội” lên khoảng gần 1 tỉ đồng. Còn “đàn anh” của Macan là Cayenne lại là mẫu SUV full-size với tầm giá cao hơn hẳn (tiệm cận 6 tỉ đồng).
Ngoài ra, cách thiết kế kích thước xe hay cách căn chỉnh công suất vận hành của Grecale cũng cho thấy sự tinh tế của hãng xe Ý. Mẫu SUV này được Maserati khéo léo xếp gọn gàng vào khoảng hở giữa hai mẫu xe của thương hiệu cạnh tranh Porsche. Nhờ đó, người dùng luôn tìm thấy sự “vừa vặn” ở Grecale.
Và cuối cùng, Maserati cũng rất thường xuyên tạo ra những phiên bản hoặc tùy chọn màu sắc độc đáo, giúp chủ xe có thể thỏa mãn sở thích cá nhân hóa – vốn là nhu cầu của giới thành đạt thích sở hữu ô tô. Một “điểm cộng” quan trọng, giúp chiếc Maserati Grecale lấy lòng những vị khách thực sự yêu thích “chất Ý”, chịu chi và không muốn “đụng hàng”.
Nguồn: thanhnien.vn