Monday, November 18, 2024

Bộ TN-MT công bố Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia 2021 – 2030

Sáng 15.11, Bộ TN-MT tổ chức Hội nghị công bố quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đối tượng nào được quy hoạch

Tại hội nghị, ông Nguyễn Thượng Hiền, Phó vụ trưởng Vụ môi trường (Bộ TN-MT), cho biết quy hoạch này được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 8.7.2024, xây dựng trên các quan điểm về bảo vệ môi trường, trong đó nhấn mạnh bảo đảm nguyên tắc xuyên suốt, không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế, tôn trọng quy luật tự nhiên, phát triển kinh tế với tư duy kinh tế xanh, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Bộ TN-MT công bố Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia 2021 - 2030

Ông Nguyễn Thượng Hiền phát biểu tại hội nghị

ẢNH: ĐÌNH HUY

Theo ông Hiền, quy hoạch xác định các mục tiêu cụ thể được đặt ra, với 4 nhóm đối tượng, gồm: phân vùng môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, khu xử lý chất thải tập trung, mạng lưới quan trắc và cảnh báo môi trường.

Đối với phân vùng bảo vệ môi trường, quy hoạch định hướng phân vùng môi trường thống nhất trên phạm vi toàn quốc theo tiêu chí yếu tố nhạy cảm về môi trường dễ bị tổn thương trước tác động của ô nhiễm, nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến sự sống và phát triển bình thường của con người và sinh vật.

Về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, quy hoạch định hướng bảo tồn giá trị tự nhiên và đa dạng sinh học, di sản thiên nhiên nhằm phục hồi và duy trì các hệ sinh thái tự nhiên, ngăn chặn xu hướng suy giảm đa dạng sinh học trên cơ sở củng cố, mở rộng, thành lập mới… Đến năm 2030, phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng; nâng tổng diện tích hệ thống khu bảo tồn trên phạm vi toàn quốc dự kiến đạt khoảng 6,7 triệu ha.

Trong khi đó, đối với khu xử lý chất thải tập trung, quy hoạch định hướng hình thành đồng bộ hệ thống khu xử lý chất thải tập trung cấp quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh có quy mô công suất và công nghệ xử lý phù hợp, đáp ứng yêu cầu tiếp nhận, xử lý được toàn bộ lượng chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường và chất thải nguy hại phát sinh trên phạm vi cả nước.

Đến năm 2030, định hướng hình thành được tối thiểu 2 khu xử lý chất thải tập trung cấp quốc gia, tối thiểu 7 khu xử lý chất thải tập trung cấp vùng, tối thiểu 1 khu xử lý chất thải tập trung cấp tỉnh tại mỗi tỉnh, TP trực thuộc T.Ư.

Về mạng lưới quan trắc và cảnh báo môi trường, quy hoạch định hướng thiết lập mạng lưới quan trắc chất lượng môi trường quốc gia tại các khu vực có tính chất liên vùng, liên tỉnh, xuyên biên giới, tập trung quan trắc tại các khu vực trọng yếu, khu vực có ý nghĩa quan trọng về bảo tồn thiên nhiên và phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

“Quy hoạch đặt ra đến năm 2050, môi trường Việt Nam có chất lượng tốt, trong lành; bảo tồn hiệu quả đa dạng sinh học và duy trì được cân bằng sinh thái; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; xã hội phát triển hài hòa với thiên nhiên, đất nước phát triển bền vững theo hướng chuyển đổi xanh nhằm hướng tới đưa phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050”, ông Hiền nói.

“Bảo vệ môi trường là vấn đề sống còn”

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ TN-MT Lê Công Thành cho biết, bảo vệ môi trường là vấn đề sống còn. Trên thế giới, các quốc gia có nhiều giai đoạn phát triển khác nhau. Giai đoạn đầu thì phát triển chậm, GDP còn thấp, sự ảnh hưởng đến môi trường thấp. Giai đoạn tiếp theo, GDP phát triển khoảng từ 5.000 – 10.000 USD/đầu người thì quốc tế đã rút kinh nghiệm đây là giai đoạn có nhiều tác động với môi trường nhất. Việt Nam chúng ta đang trong giai đoạn này.

Bộ TN-MT công bố Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia 2021 - 2030

Thứ trưởng Bộ TN-MT Lê Công Thành

ẢNH: ĐÌNH HUY

“Chính vì vậy, quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia đã chỉ ra những mục tiêu, giải pháp và kế hoạch đề ra để có hành động cụ thể hơn. Chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu để làm sao bảo vệ môi trường không ảnh hưởng, cản trở đến phát triển kinh tế, xã hội. Đặc biệt, phải làm sao để người dân sống trong môi trường trong sạch giống như các nước đi trước”, ông Thành nói.

Bên cạnh đó, ông Thành cho rằng phải có lộ trình tiến tới, hạn chế dần, không nhập phế liệu thực sự không cần thiết có thể gây ảnh hưởng đến môi trường như phế liệu nhựa, giấy. Ngoài ra, cần có sự chủ động, quyết tâm vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương và sự tham gia tích cực của các tổ chức, cộng đồng và mỗi người dân.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img