Liên hoan phim Dòng khát vọng và lễ tôn vinh 65 năm ngành hoạt hình VN đang diễn ra tại Hà Nội (từ ngày 8 – 30.11). Đây cũng là dịp để nhìn lại những tín hiệu khởi sắc và việc xúc tiến đưa phim hoạt hình Việt hội nhập thế giới.
Theo chia sẻ của những “ông trùm” trong ngành hoạt hình VN (như Alpha Animation Studio, Sconnect, Sun Media…) thì trong 10 năm trở lại đây, phim hoạt hình Việt đã có những bước khởi sắc với gần 800 tác phẩm ra đời, quy mô sản xuất 25 – 30 phim/năm, mỗi phim dao động dưới 30 phút chiếu. Phim hoạt hình Việt đã đóng góp 10 – 15% doanh thu cho toàn ngành điện ảnh. Năm 2023, Wolfoo và hòn đảo kỳ bí chiếu rạp đạt 5 tỉ đồng, lọt vào top 3 doanh thu phòng vé tại thời điểm đó, đánh dấu phim hoạt hình Việt đầu tiên chiếu rạp. Dự án Wolfoo còn phát hành hơn 4.000 tập trên các nền tảng mạng xã hội, trung bình mỗi tháng đem về hơn 4 tỉ lượt xem.
Trong làn sóng công nghệ và nội dung số phát triển mạnh mẽ, phim hoạt hình VN đang đứng trước những cơ hội đột phá chưa từng có. Theo ông Tạ Mạnh Hoàng (Tổng giám đốc Tập đoàn Sconnect): “Đã có những doanh nghiệp và sản phẩm hoạt hình trong nước thành công khẳng định sức ảnh hưởng, xây dựng vị thế không chỉ trong thị trường VN mà còn vươn ra quốc tế, trở thành điểm sáng trong ngành công nghiệp sáng tạo của nước ta. Thêm vào đó, sự hỗ trợ từ các quỹ đầu tư và chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp văn hóa của nhà nước cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án phim hoạt hình trong nước phát triển mạnh mẽ hơn trong thời đại số”.
Tuy nhiên, khó khăn và thách thức của phim hoạt hình Việt cũng không ít, như đạo diễn Đặng Hải Quang (DeeDee Animation Studio) cho biết: “Một trong những khó khăn lớn nhất của việc sản xuất phim hoạt hình tại VN là nguồn kinh phí hạn hẹp, làm giới hạn khả năng đầu tư vào công nghệ và nhân lực. Khác với phim người đóng, sản xuất hoạt hình chất lượng cao đòi hỏi công nghệ tiên tiến, cùng quy trình dài và phức tạp hơn, từ lên ý tưởng đến xây dựng nhân vật, bối cảnh, và diễn hoạt từng chi tiết”.
Nói thêm về điều này, ông Tạ Mạnh Hoàng nhấn mạnh: “Quá trình sản xuất phim hoạt hình đòi hỏi thời gian dài và chi phí lớn, đặc biệt là đối với các dự án có tầm cỡ và chất lượng cao. Tạo ra một bộ phim hoạt hình là một chuỗi các công đoạn công phu từ xây dựng kịch bản, thiết kế nhân vật, diễn xuất lồng tiếng cho đến hậu kỳ, tất cả đều yêu cầu sự đầu tư kỹ lưỡng về tài lực và nhân lực”.
ĐỂ CÓ NHIỀU PHIM HOẠT HÌNH VIỆT CHIẾU RẠP
Dù khởi sắc nhưng rất hiếm phim hoạt hình Việt ra rạp. Theo ông Tạ Mạnh Hoàng, để sản xuất một bộ phim hoạt hình VN chiếu rạp thì yêu cầu về kinh phí, nhân lực và thời gian đều lớn hơn đáng kể so với việc làm các series phim ngắn cho nền tảng trực tuyến. Một bộ phim chiếu rạp cần đầu tư kinh phí lớn để đạt được chất lượng hình ảnh, âm thanh và kỹ xảo đủ sức đáp ứng tiêu chuẩn của màn ảnh rộng. Kinh phí này có thể lên đến tối thiểu 3 triệu USD, đặc biệt nếu sử dụng công nghệ hiện đại hoặc các hiệu ứng phức tạp. Ngoài ra, đội ngũ sản xuất cho một phim hoạt hình dài từ 90 – 120 phút cần đủ chuyên gia ở nhiều lĩnh vực như viết kịch bản, thiết kế nhân vật, diễn hoạt, xử lý âm thanh và kỹ xảo hình ảnh.
Còn theo đạo diễn – NSƯT Trịnh Lâm Tùng (nhà sáng lập, CEO của Alpha Animation Studio): “Rất khó kêu gọi vốn đầu tư cho một phim hoạt hình chiếu rạp kể cả vốn nhà nước hay tư nhân. Quy trình sản xuất phim chiếu rạp cũng có nhiều vấn đề không thể hoàn thiện một sớm một chiều. Bên cạnh đó nguồn nhân lực cho ngành dù những năm gần đây khá dồi dào nhưng nhân sự chất lượng cao thì vẫn chưa đủ và chưa đáp ứng được nhu cầu cần có của một dự án lớn. Cuối cùng, là niềm tin của khán giả vào hoạt hình Việt ít nhiều vẫn chưa thỏa mãn. Vậy nên vòng luẩn quẩn này luôn là bài toán khó giải qua nhiều thế hệ”. Tuy vậy, đạo diễn – NSƯT Trịnh Lâm Tùng cũng nhận định: “Nếu nhìn một cách tích cực thì bài toán này đã và đang được giải một cách mạnh mẽ, sẽ quyết liệt trong thời gian tới”.
Đại diện của một số đơn vị sản xuất phim hoạt hình cũng cho rằng nhu cầu thị trường hoạt hình hiện nay rất lớn, đặc biệt với đối tượng trẻ em. Các bậc phụ huynh mong muốn có nhiều nội dung hoạt hình sạch, an toàn, giàu tính giáo dục. Tuy nhiên khi sản xuất phim hoạt hình chiếu rạp, nhà sản xuất, đơn vị đầu tư sẽ phải đối diện rủi ro lớn là phim hoạt hình vốn chủ yếu được sản xuất dành cho trẻ em – đối tượng khán giả chưa hình thành thói quen đến rạp, điều này đòi hỏi ngành công nghiệp phải nỗ lực thay đổi thói quen tiếp cận nội dung của khán giả nhí và gia đình, mở ra tiềm năng cho hoạt hình chiếu rạp trong nước. Một điểm thuận lợi là VN có nhiều chất liệu để khai thác thành những câu chuyện gần gũi, độc đáo và hấp dẫn từ kho tàng văn hóa dân gian phong phú.
Để có nhiều phim hoạt hình Việt chiếu rạp, “Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị, công ty tư nhân và nhà nước. Trong đó, nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc tạo cơ chế hỗ trợ tài chính, khuyến khích đầu tư, cung cấp các chính sách tài chính hỗ trợ doanh nghiệp sáng tạo và nhà sáng tạo nội dung số. Đồng thời, sự hỗ trợ về kết nối với các tổ chức quốc tế và tổ chức các liên hoan phim hoạt hình, hội thảo chuyên môn cũng là những hoạt động thiết yếu giúp nâng cao chất lượng ngành hoạt hình. Các công ty tư nhân cũng cần đổi mới sáng tạo, nghiên cứu thị trường, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, ứng dụng các công nghệ tiên tiến để tối ưu chi phí sản xuất và nâng cao chất lượng”, ông Tạ Mạnh Hoàng nêu ý kiến.
Hiện, Sconnect đang phối hợp với Sun Media triển khai dự án Matt, Not Again – Cuộc phiêu lưu của cậu bé thiên tài Matt. Sconnect và Alpha Studio cũng đang chuẩn bị sản xuất 3 dự án phim hoạt hình chiếu rạp có tựa đề: Truyền thuyết Kim Ngưu, Wolfoo và cuộc đua tam giới và “Chiến binh gốm Blank Blank dự kiến chiếu rạp trong năm 2025.
Nguồn: thanhnien.vn