Tuesday, November 19, 2024

Nghệ sĩ Quang Thảo và Hồng Ánh: Cần nuôi lửa trong tim

Vở ‘Dưới bóng giai nhân’ do Quang Thảo viết kịch bản và đạo diễn vừa gây được tiếng vang lớn, cũng là niềm vui lớn của sân khấu trong thời buổi khó khăn.

Và Quang Thảo cũng là gương mặt thân quen của sân khấu lẫn phim truyền hình, được khán giả ái mộ. Với đồng nghiệp, anh cũng được thương mến vì tánh tình hiền hậu, chu đáo. Còn cô đào đẹp Hồng Ánh là nghệ sĩ giỏi của phim nhựa lẫn phim truyền hình, kể cả sân khấu kịch. Chị nhận vai Thúy Kiều khiến khán giả khâm phục về tài lẫn sức.

Thanh Niên đã có cuộc chuyện trò thú vị cùng Quang Thảo và Hồng Ánh.

Đâu là lý do khiến anh không ngại khi dám “đụng” tới tác phẩm kinh điển như Truyện Kiều? Bởi sẽ có nhiều con mắt “soi” rõ từng chi tiết…

Nghệ sĩ Quang Thảo và Hồng Ánh: Cần nuôi lửa trong tim

“Từ ông bầu cho tới nghệ sĩ đều nghĩ lỗ cũng làm, coi như đền ơn tổ nghiệp và đền đáp cho khán giả đã ủng hộ các chương trình khác…”, đạo diễn Quang Thảo nói

ANH: NSCC

Đạo diễn Quang Thảo: Kịch bản này tôi viết suốt 5 năm, chỉnh đi chỉnh lại nhiều lần. Trong mùa dịch Covid-19, tôi phải nằm nhà thường xuyên vì sân khấu hạn chế biểu diễn, bỗng tôi nghĩ tới Truyện Kiều. Tôi bèn xem lại các tác phẩm về Kiều, từ thơ, cải lương tới kịch… và cuối cùng tôi chọn con đường “cảm tác”. Bởi nếu cảm tác, tôi sẽ có cơ hội lý giải, thể hiện những suy nghĩ của mình đối với những chi tiết, những nhân vật trong Kiều, tất nhiên khác hẳn so với bản gốc và các phiên bản trước kia. Một tác phẩm lớn luôn gợi cho chúng ta nhiều con đường cảm thụ, và theo từng thời đại chúng ta sẽ có sự cảm thụ khác đi một chút, tôi nghĩ rằng mình có thể chia sẻ điều đó với khán giả hôm nay.

Vâng, nhờ đó mới có cái gọi là “tác phẩm phái sinh”, và người sáng tạo hoặc người cảm thụ “có quyền” như vậy. Nhưng khi đem lên sàn diễn vẫn có những khó khăn nhất định chứ?

Cái khó đầu tiên là “ông bầu” Huỳnh Anh Tuấn từ chối đầu tư. Anh nói: “Thảo ơi, tại sao em phải làm Kiều? Ngán bị ‘soi’ lắm. Anh sẵn sàng đầu tư cho em làm tác phẩm khác”. Nhưng tôi kiên trì thuyết phục suốt một năm, rốt cuộc anh Tuấn đồng ý. Thật tình nếu IDECAF không đầu tư thì tôi cũng không biết sẽ dựng ở đâu, vì thời nay mấy ai chịu bỏ vốn lớn và nghiêm túc để làm vở như vậy. Lòng tôi vẫn cảm ơn sân khấu IDECAF đã tâm huyết đồng hành cùng chúng tôi, đặc biệt ông bầu Huỳnh Anh Tuấn đáp ứng tất cả những thứ mà tôi đòi hỏi khi dựng vở, không hề tiếc tiền.

Thật sự bỏ bạc tỉ ra dựng vở, rồi mỗi suất diễn tại Nhà hát Bến Thành (TP.HCM) chi phí khoảng 200 triệu đồng nữa, bán vé rất dễ bị lỗ, may mắn thì huề vốn (vì giá vé trung bình 350.000 đồng thôi), chứ còn bạc tỉ đầu tư thì… quên đi. Nhưng từ ông bầu cho tới nghệ sĩ đều nghĩ “lỗ cũng làm”, coi như đền ơn tổ nghiệp và đền đáp cho khán giả đã ủng hộ các chương trình khác, phần khác cũng nuôi được lửa nghề, thấy mình thăng hoa, phấn khích vô cùng. Chúng tôi vẫn phải mưu sinh nhưng thỉnh thoảng phải có những tác phẩm như vậy để cân bằng lại.

Nghệ sĩ Quang Thảo và Hồng Ánh: Cần nuôi lửa trong tim

Đình Toàn (trái) vai Hồ Tôn Hiến, Đại Nghĩa vai Từ Hải

ẢNH: H.K

Nhưng khán giả xem vẫn thấy vở có sự song hành giữa tính nghệ thuật và tính giải trí, đâu có phải loại kén khán giả…

Tôi chủ trương như vậy, làm sao cho vở nghiêm túc mà vẫn dễ xem. Nhưng do chi phí cơ bản từ thuê nhà hát lớn cho tới mọi thứ khác đã khá cao rồi, mà kịch thì không thể bán vé mắc quá, và cũng không thể thuê rạp nhỏ hơn bởi vở dựng hoành tráng, thôi thì chấp nhận, miễn mình vui, khán giả vui là được.

Vở này hình như anh không chỉ xoay quanh cô Kiều, mà chia đất cho nhiều nhân vật khác, kể cả nhân vật phụ như Hoạn Thư, Tú Bà, Hồ Tôn Hiến cũng có nỗi niềm, số phận, tâm lý, tính cách đầy đặn hơn.

Tôi muốn có một tập thể cùng tỏa sáng, vì cùng chung phận đàn bà. Riêng Hồ Tôn Hiến tôi khắc họa đây là một nhà chính trị có học, biết đàn, chứ không phải loại võ biền, vô học. Và đứng ở góc độ chính trị thì ông ta không sai, không thể nào để cho một lãnh thổ có 2 vua, lại là một tướng cướp nữa, thì tất nhiên phải diệt Từ Hải thôi. Tôi không bênh vực Hồ Tôn Hiến, tôi chỉ lý giải cho rõ hơn ở cái nhìn khách quan.

Còn trên sân khấu, nghệ sĩ chúng tôi cũng muốn cùng nhau tỏa sáng chứ không tranh giành nhau. Chúng tôi muốn vì cái chung của sân khấu hơn vì cái tôi của mình. Tất nhiên, trong một vở thì có vai chính, vai phụ, nhưng mình diễn bằng cái tâm với nhau, đoàn kết nhau, thì sẽ rất khác.

Anh ừng nhắc đến đạo diễn – NSƯT Hoa Hạ, anh chịu ảnh hưởng từ bà thế nào?

Tôi thật lòng xem đạo diễn Hoa Hạ là “thầy” của mình. Vì tôi đã xem rất nhiều vở do chị dàn dựng (thí dụ Ai giết nàng Kiều, Chiếc áo thiên nga, Nàng Xê Đa, Lê Văn Duyệt, Đam mê và quyền lực…), tôi học được ở chị những điều rất hay. Chẳng hạn, cách cắt lớp nhanh, gọn, nhịp và tiết tấu cũng nhanh, hiện đại, và cho khán giả coi “đã con mắt” trước tiên, nghĩa là thỏa mãn tính giải trí. Chị Hoa Hạ là một trong số ít đạo diễn chuyên dựng vở hoành tráng và rất thành công.

Xin cảm ơn anh!

Và xin hỏi nghệ sĩ Hồng Ánh, nghe nói chị bị ho ra máu trên sàn tập, ướt cả cuộn khăn giấy khiến bạn bè đồng nghiệp hoảng hốt?

Nghệ sĩ Hồng Ánh: Vâng, khi mới tập phân nửa vở thì tôi bị như vậy, đi khám mới biết mình bị tuyến giáp và trào ngược thực quản, bác sĩ không cho nói lớn tiếng, không cho căng thẳng, khóc cười nhiều, kể cả không được thức khuya… Mà trời ơi, nghề diễn của tôi dính hết mấy vụ đó. Thôi, cứ uống thuốc và tiếp tục làm nghề, may sao cũng ổn.

Nghệ sĩ Quang Thảo và Hồng Ánh: Cần nuôi lửa trong tim

Hồng Ánh (trái) vai Thúy Kiều, Mỹ Duyên vai Đạm Tiên

ẢNH: H.K

Trong 14 cảnh thì Hồng Ánh phải xuất hiện 11 cảnh, trong đó cảnh đánh trống bằng tay trần nên bị bầm tím hết. Quả thật vai của chị quá nặng, chứ không thấy nàng Kiều mong manh tí nào…

Tôi sơ ý đánh vào rìa trống nên bầm như vậy, suất sau tôi sẽ cẩn thận hơn. Nhưng tôi lại thích nhân vật mạnh mẽ chứ không thích mềm yếu. Tôi vốn da ngăm, có học võ, tính như đàn ông, kêu tôi đi chậm, yểu điệu thì đúng là cực hình. Cho nên tôi đã khắc họa Kiều khác xưa, nàng biết vùng vẫy nhưng vì cứu những người trong gia đình, trong lầu xanh, cứu cả tú bà, nên nàng hy sinh thôi, mà trong sự hy sinh vẫn có chút hiên ngang và hiểu mục đích hành động của mình. Tôi nghĩ đạo diễn Quang Thảo cũng thấy được sự mạnh mẽ ngầm trong tôi nên chấp nhận cho tôi thể hiện nàng Kiều như vậy.

Chị đã bỏ 3-4 bộ phim điện ảnh và truyền hình để chọn diễn vai Thúy Kiều, mà cát sê giữa điện ảnh – sân khấu chênh lệch lớn cỡ nào thì ai cũng biết, âu cũng là sự hy sinh?

Nói chữ hy sinh nghe lớn quá. Tôi chỉ nghĩ đơn giản, lâu lắm mới có một kịch bản sân khấu hay như vậy, mình đừng bỏ lỡ cơ hội, còn phim thì có nhiều hơn, mình sẽ gặp lại sau. Làm nghề cũng cần những lúc thăng hoa, sung sướng, nuôi lửa trong tim. Nếu là nghệ sĩ khác chắc cũng chọn lựa như tôi thôi.

Xin cảm ơn chị!

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img