Đường Hải Thượng Lãn Ông nổi tiếng là phố đông y lớn nhất TP.HCM với gần 100 cửa hàng chuyên kinh doanh thuốc bắc, dược liệu số lượng lớn.
Đoạn đường từ Châu Văn Liêm đến Học Lạc, rộn ràng không khí giáng sinh và năm mới khi hàng trăm hộ kinh doanh bán đồ trang trí như: câu đối, hoa đào, linh vật, cây thông… Còn phố đông y (đoạn từ đường Võ Văn Kiệt đến Châu Văn Liêm) như muốn “bày ra” trọn vẹn những hương thơm và mùi vị đặc trưng của riêng mình.
Không lo thiếu người kế nghiệp
Mùi thơm từ các loại thảo dược hòa quyện với mùi trầm hương, quế, hương thảo…, tạo nên một dư vị đặc biệt khiến người ta cảm giác được thư thái. Hai bên đường, các dãy nhà cổ mang phong cách kiến trúc của Pháp vẫn còn tồn tại đan xen với những tấm bảng hiệu chữ Hán càng gợi lên vẻ đẹp cổ kính.
Con phố là nhà thuốc đông y lớn nhất TP.HCM, các dược liệu khô được đựng trong các bao bì lớn và trưng bày trước các cửa hiệu; còn những loại thuốc đã được chế biến sẽ được chứa trong hộp kín. Trò chuyện với các lương y, chủ cửa hàng ở đây, chúng tôi để ý con phố luôn đông đúc, tấp nập người đến mua và giao thuốc.
Đa số các cửa hàng kinh doanh thuốc đều niêm yết bảng giá và bảng hiệu có sự đồng nhất khi đều có chữ “phát” và màu xanh. Sau khi tìm hiểu lý do, các chủ tiệm cho rằng, trong văn hóa người Hoa, chữ “phát” mang ý nghĩa sự may mắn và thịnh vượng.
Chúng tôi ghé một cửa hàng trên phố đông y để tìm mua táo đỏ và hoa nhài. Ở đây tôi gặp bà D. (70 tuổi, người Hoa) đang “bốc thuốc” để chuẩn bị cho bệnh nhân. Chia sẻ về cơ duyên đến với nghề, bà D. cười rồi nói: “Bán các loại lá, dược liệu để giải độc, chữa cho người ta hết bệnh tôi thấy hay và vui nên quyết tâm theo nghề”.
Bà D. cho biết, đa số dược liệu ở trên phố đông y Hải Thượng Lãn Ông đều nhập từ nhiều tỉnh thành khác nhau nhưng chủ yếu là miền Bắc; một số mối quen ở miền Nam trồng các loại cây giải độc, mát gan…, cũng mang lên con phố này để bỏ sỉ.
Còn những loại thuốc quý hiếm được nhập trực tiếp từ các nước lân cận như: Trung Quốc, Campuchia… Sau khi thu mua, dược liệu sẽ được bào chế rồi bán sỉ, lẻ tại cửa hàng và các hiệu thuốc ở khắp các tỉnh, thành.
Một niềm vui nho nhỏ với các cửa hàng đông y là họ không sợ nỗi lo nghề bị thất truyền, bởi lớp con cháu kế cận đã học nghề, nắm bắt các bài thuốc gia truyền và dần tiếp quản hiệu thuốc của gia đình.
Phố Hải Thượng Lãn Ông là chợ đầu mối thuốc bắc lớn nhất TP.HCM
ẢNH: UYỂN NHI
Hơn 1 thế kỷ hương thuốc bắc
Tâm sự về lịch sử phố cổ Hải Thượng Lãn Ông, bà D. nói không nhớ chính xác con phố này hình thành từ những năm nào, chỉ biết phố đông y có hơn 100 năm trước khi nghe người xưa kể lại. Lúc đó, trong quá trình giao thương, người Hoa di cư sang Việt Nam nhiều và chọn khu Chợ Lớn là “thủ phủ” của cộng đồng người Hoa.
Theo đó, những dược liệu quý ở Trung Quốc cũng được vận chuyển vào Sài Gòn – Chợ Lớn phục vụ cuộc sống của người dân. Đến sau này, người Việt có nhu cầu sử dụng các bài thuốc đông y để chữa bệnh nên đã biến khu này trở thành phố đông y lớn nhất Sài Gòn.
Chính sự kết hợp, giao lưu văn hóa giữa cộng đồng Việt – Hoa đã tạo nên sự độc đáo ở khu vực Chợ Lớn giữa lòng đô thị.
Bà D. chia sẻ thêm, trước đây việc học nghề chủ yếu theo hình thức “cha truyền con nối”. Các lương y truyền dạy cho con cháu thông qua tên thuốc, công dụng và các bài thuốc gia truyền để chữa bệnh. Ngày nay, để mở hiệu thuốc trên con phố này, người hành nghề phải có giấy chứng nhận lương y.
Lân la hỏi chuyện những người dân ở khu vực này, họ nói rằng, thập niên 50 của thế kỷ trước, đường có tên là Đại Lộ Khổng Tử; sau khi đất nước thống nhất, đường được đổi thành tên Hải Thượng Lãn Ông (danh hiệu của danh y Lê Hữu Trác 1720 – 1791).
Sau năm 1975 đến khoảng năm cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, con phố còn lại rất ít hiệu thuốc và cũng không còn đông đúc vì nhiều người đã bỏ tiệm để định cư ở nước ngoài.
Bà Út (53 tuổi, ở Q.5) nhớ lại: “Tôi chuyển đến đường này sống năm 1989, lúc đó vắng lắm chứ không đông như bây giờ. Khoảng năm 1990, con phố này mới phát triển mạnh, sầm uất trở lại khi có nhiều cửa hàng mọc lên. Khu này chủ yếu là người Hoa và người miền Bắc đến đây bỏ sỉ dược liệu”.
Thời gian có thể làm thay đổi nhiều điều, nhưng phố thuốc bắc đường Hải Thượng Lãn Ông vẫn lưu giữ trọn vẹn dấu ấn lịch sử, văn hóa của cộng đồng người Hoa; đồng thời mang nét độc đáo riêng như phần linh hồn của Sài Gòn – Chợ Lớn thuở xưa.
Tháng 12.2016, UBND Q.5 đã hoàn tất việc triển khai thí điểm phố đông y trên tuyến đường Lương Nhữ Học. Đến năm 2017, mô hình phố này được mở rộng ra 2 tuyến đường Triệu Quang Phục (với 22 hộ) và Hải Thượng Lãn Ông (57 hộ).
Con phố tập trung các cơ sở khám chữa bệnh, công ty và cửa hàng kinh doanh thuốc đông y trên địa bàn. Mô hình này đã tạo nên một không gian chuyên biệt; góp phần phát triển, nâng cao uy tín các cơ sở kinh doanh thuốc đông dược, y học cổ truyền và chẩn đoán y học tại khu vực.
Nguồn: thanhnien.vn