Monday, November 18, 2024

Tâm sự của người thầy mong đừng ‘méo mó’ ngày Nhà giáo

Thế hệ chúng tôi là những người từng trải qua nhiều thập niên gắn bó với giáo dục; từng là học sinh rồi lớn lên, trở thành thầy cô đứng trên bục giảng dạy học. Thế nên, mỗi dịp ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11 đến, lòng chúng tôi khó tránh khỏi những cảm xúc, tâm sự…

Điều đầu tiên làm chúng tôi nhớ nhất trong ngày Nhà giáo Việt Nam, “Tết nhà giáo” là những người thầy, người cô đã từng giảng dạy mình từ thuở nhỏ, từ thời còn bập bẹ mầm non cho đến giảng đường đại học.
Tâm sự của người thầy mong đừng 'méo mó' ngày Nhà giáo

Những sản phẩm đáng yêu của học sinh gửi đến thầy cô nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11

ẢNH: TRẦN NGỌC TUẤN

“Trọng thầy mới được làm thầy”

Dân gian Việt Nam có câu nói rất chí lý:Trọng thầy mới được làm thầy”. Muốn thế hệ sau tôn trọng mình, thì chí ít bản thân người thầy phải là tấm gương cho sự tưởng nhớ, tôn trọng ấy. Song tiếc thay, bụi thời gian bào mòn tuổi tác còn nghiệt ngã hơn cả bụi phấn “rơi trên tóc thầy” mà lời bài hát Bụi phấn của nhạc sĩ Vũ Hoàng từng nói đến.

Những người thầy, người cô giảng dạy năm xưa ngày nay kẻ còn, người mất. Cuộc sống mưu sinh đẩy đưa thầy cô đi muôn nơi. Có người đã đổi nghề vì đồng lương nhà giáo không kham nổi gánh nặng áo cơm gia đình. Tin tức về thầy cô năm xưa người có người không nên khó cho phép những nhà giáo chúng tôi ngày nay có điều kiện để “trả lễ” ơn thầy trọn vẹn.

“Tết nhà giáo” thời học sinh chúng tôi khác ngày nay nhiều lắm. Những năm trước và sau thời kỳ đổi mới 1986, kinh tế đất nước còn khó khăn. Ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11, “quà” cho thầy cô của chúng tôi là những lời chúc mừng đơn sơ, mộc mạc qua tấm thiệp tự làm; là những bài hát về thầy cô, trường lớp chất chứa xúc cảm cùng các tràng vỗ tay cuồng nhiệt của cả lớp như pháo nổ ran; là những bài thơ, bài văn biểu cảm tha thiết về thầy cô bằng chữ viết tay dán trên trang báo tường…

Tôi nhớ năm ấy là lớp 7, tôi đã sáng tác bài thơ khá dài tặng thầy cô để đưa lên báo tường, trong đó có mấy câu: “Cao, cao – cao dãy núi/ Sâu – sâu thẳm đại dương/ Sánh công ơn để ví/ Là thầy cô yêu thương…”.

Tâm sự của người thầy mong đừng 'méo mó' ngày Nhà giáo

Học sinh lớp 11 Trường THPT Tây Thạnh (TP.HCM) làm sản phẩm tái chế chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11

ẢNH: TRẦN NGỌC TUẤN

Cần sự giản dị, đơn sơ mà ấm áp tình nghĩa thầy trò

Học trò ngày nay hơn hẳn thế hệ thời học sinh của chúng tôi nhiều thứ. Nhưng sự chất phác, giản dị, đơn sơ mà ấm áp tình nghĩa thầy trò thì e rằng học trò nay không khó có được như xưa. Công nghệ đã “lấn một phần sân” của cảm xúc con người. Những tấm thiệp với lời chúc hồn nhiên viết tay, tự làm ít dần. Thay vào đó là những tấm thiệp in sẵn, những ảnh động, lời chúc mặc định trên điện thoại thông minh đã “thay lời muốn nói” cho tâm hồn của các em.

Khoảng gần một tháng trước, dịp ngày Phụ nữ Việt Nam 20.10, thấy một Facebooker chia sẻ tình huống đáng suy ngẫm. Người dùng Facebook này viết: “Hôm nay dạy trên lớp, cô giáo của con mình nói với học sinh trong lớp là sắp tới ngày 20 tháng 10 rồi nhé các em”. Câu nói của cô giáo THCS trên đặt ra tình huống và đã có rất nhiều bình luận bên dưới, đại ý chung là cô “nhắc khéo” học sinh để cô được nhận quà!

Đây là cách nhìn sai lệch về thầy cô, thiếu thiện cảm về nhà giáo. Bổn phận, trách nhiệm của thầy cô là phải giáo dục các em, kể cả việc các em phải có ý thức về tôn sư trọng đạo, nhớ ơn nghĩa dạy dỗ của thầy cô, trong đó có mình.

Cho nên, thiết nghĩ xã hội cần có suy nghĩ tích cực, những nghĩa cử trong sáng, đúng mực… để không làm “méo mó” ý nghĩa ngày Nhà giáo Việt Nam. Như thế mới mong bảo lưu vững bền truyền thống hiếu học và tôn sư trọng đạo của dân tộc Việt.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img