Hành lang pháp lý để đánh giá quy chuẩn dự án xanh được đánh giá chưa đầy đủ, dẫn đến hạn chế trong việc cấp tín dụng xanh cho doanh nghiệp.
Nhận định về xu hướng tín dụng xanh tại Việt Nam, luật sư Vũ Minh Tiến, Thành viên Hội đồng quản trị CTCP Tập đoàn Đầu tư và Du lịch VIAD (VIAD Group) cho biết, các tổ chức phi chính phủ, các quỹ đầu tư, các ngân hàng đã bắt đầu quan tâm và có những gói tài chính xanh thiết thực mà các doanh nghiệp có thể tham gia. Tuy nhiên, chúng ta chưa có hành lang pháp lý để đánh giá đâu là dự án xanh, đâu là dự án có thể cấp tín dụng xanh, do đó doanh nghiệp bị bối rối khi áp dụng.
“Hay có thể nói, thị trường đang thiếu quy chuẩn, quy luật thống nhất về cách hiểu, thẩm định về tiêu chuẩn, quy chuẩn đánh giá một dự án xanh để doanh nghiệp và tổ chức tín dụng đạt được đồng thuận”, ông Tiến nói.
Ông Vũ Minh Tiến, Thành viên Hội đồng quản trị VIAD Group
Theo ông Tiến, nhằm khắc phục vấn đề này, có một số tổ chức tín dụng đã áp dụng những quy định quốc tế. Như SeaBank áp dụng quy chuẩn tương tự Indonesia, phát hành trái phiếu xanh. BIDV bắt đầu có những khoản tiền gửi đầu tiên mang tên là tiền gửi xanh.
Khi câu chuyện tài chính được giải quyết, có nghĩa là đầu vào đã có, thì vấn đề tiếp theo là đầu ra của câu chuyện tín dụng xanh. Ông Tiên cho rằng vấn đề này rất cần cơ quan quản lý nhà nước quan tâm thúc đẩy, để khi xây dựng chính sách không có độ trễ, kịp thời đưa vào cuộc sống, giải ngân toàn bộ những khoản tín dụng xanh đang chờ cho nhà đầu tư.
Hôm 11/11, tại phiên chất vấn trước Quốc hội hôm, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết năm 2017, từ chỉ có 5 tổ chức tín dụng tham gia tín dụng xanh, đến nay đã có 50 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ tín dụng xanh và dư nợ vào khoảng 650.000 tỷ đồng. Trong đó tín dụng đối với năng lượng tái tạo, năng lượng sạch chiếm khoảng 45%; đối với nông nghiệp sạch, xanh chiếm 30%.
Đặc biệt, dư nợ tín dụng mà các tổ chức tín dụng khi cấp tín dụng đánh giá về các rủi ro môi trường đã tăng lên khoảng 3,2 triệu tỉ đồng trong tổng số dư nợ của cả hệ thống là 15 triệu tỷ đồng.
Tuy nhiên, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng chỉ rõ, hiện Ngân hàng Nhà nước cũng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc vì hệ thống ngân hàng cần được hướng dẫn của các cơ quan, bộ, ngành liên quan đến danh mục phân loại xanh để các tổ chức tài chính căn cứ vào đó khi cấp tín dụng. Còn đối với đầu tư vào lĩnh vực xanh như: Năng lượng tái tạo, năng lượng sạch…, đòi hỏi nguồn vốn với giá trị rất lớn và kì hạn dài, đây chính là những khó khăn của hệ thống ngân hàng khi nguồn vốn huy động của hệ thống ngân hàng rất ngắn hạn.
Thị trường tín chỉ carbon rất tiềm năng
Liên quan đến thị trường tín chỉ carbon, luật sư Vũ Minh Tiến nhấn mạnh đây là thị trường rất tiềm năng ở Việt Nam. Theo thoả thuận Paris, tín chỉ carbon là tài sản của mỗi quốc gia, vì thoả thuận Paris chỉ cho phép các nước phát triển và đang phát triển hợp tác với nhau để giảm khí thải. Từ đó, các nước phát thải nhiều cần bắt tay với các nước phát thải ít hơn, để cùng nhau xây dựng thị trường thông qua giao dịch tín chỉ carbon.
Trong khoảng 10 năm gần đây, tín chỉ carbon được nhắc đến rất nhiều, tuy nhiên hành lang pháp lý để phát triển thành thị trường carbon thực sự ở Việt Nam còn thiếu.
“Tin mừng là năm 2028, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ cùng nhau xây dựng một thị trường carbon hoàn chỉnh, để Việt Nam tiếp cận thị trường tín chỉ carbon quốc tế, từ đó phát huy tiềm lực về tài nguyên, thiên nhiên, nguồn lao động, quản trị và giảm khí thải, để biến tín chỉ carbon ở Việt Nam thực sự thành tài sản vô cùng lớn đóng góp vào nền kinh tế”, ông Tiến đánh giá.
Nguồn: vtv.vn