Tuesday, November 19, 2024

FECON sẵn sàng tham gia vào “nội địa hóa” đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam

Dự án Đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam đang thu hút sự quan tâm lớn từ Chính phủ, các bộ ngành, doanh nghiệp và người dân.

Dự án này không chỉ là bước tiến chiến lược nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, mà còn mở ra nhiều cơ hội cho các nhà thầu xây dựng hạ tầng trong nước khi đề xuất nội địa hóa đang được ưu tiên. FECON và các nhà thầu xây dựng trong nước xác định tâm thế, vai trò vàcơ hội của mình đối với dự án quốc gia này.

FECON sẵn sàng tham gia vào “nội địa hóa” đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam

Các doanh nghiệp tham gia buổi làm việc của thường trực Chính phủ với các doanh nghiệp xây dựng các công trình trọng điểm Quốc gia

Nhà thầu Việt và khả năng tham gia dự án đường sắt

FECON hiện là một trong những nhà thầu Việt Nam tiên phong trong các dự án về đường sắt đô thị (ĐSĐT) và có thế mạnh về hạ tầng ngầm và nền móng.

Ông Phạm Việt Khoa, Chủ tịch HĐQT FECON cho biết: “Doanh nghiệp đã chuẩn bị sẵn sàng để tham gia vào các dự án đường sắt, đường sắt đô thị và các hạng mục kết cấu hạ tầng của dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, đặc biệt trong các hạng mục đòi hỏi công nghệ cao và kỹ thuật phức tạp”.

“Khác với đường bộ, hạ tầng đường sắt có yêu cầu rất cao về tính chính xác và độ độ ổn định ngay khi thi công xong, không có khái niệm chờ lún sau thi công. Đây chính là lợi thế của FECON khi chúng tôi sở hữu những công nghệ xử lý nền móng và công trình ngầm cấp tiến nhất trên thế giới tại thời điểm hiện tại” ông Khoa nhấn mạnh.

Theo đề án được đưa ra, trong cơ cấu dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, khoảng 60% là cầu cạn, 30% trên mặt đất và 10% hầm ngầm. Trong đó, FECON có thể tham gia mạnh mẽ vào các công đoạn như xử lý nền móng trên mặt đất, thi công cọc móng và tường chắn, thi công cấu kiện dầm cầu và tà vẹt bê tông cốt thép cho phần cầu cạn, cầu qua sông qua núi, thi công các giải pháp TBM đào đường ngầm qua núi…

Một điểm nhấn mà FECON đưa ra là tầm quan trọng của việc chỉ định thầu đối với các nhà thầu nội địa. FECON đề xuất Chính phủ có cơ chế chỉ định thầu, cho phép các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào từng hạng mục, hợp thành các tổ hợp đảm nhiệm các phần việc khác nhau của dự án. Điều này giúp phát triển năng lực trong nước một cách hiệu quả lâu dài, phát triển được ngành công nghiệp hạ tầng đường sắt nội địa tương tự kinh nghiệm của Trung Quốc đã làm trong 30 năm qua.

FECON sẵn sàng tham gia vào “nội địa hóa” đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam

Ông Phạm Việt Khoa, Chủ tịch HĐQT FECON phát biểu

Nội địa hóa xây dựng đường sắt tốc độ cao và lợi ích cho nền kinh tế

Dưới góc độ nội địa hóa, FECON cho rằng đây là hướng đi phù hợp để giảm thiểu chi phí, tăng hiệu quả sử dụng nguồn lực trong nước. Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải hiện đang khuyến khích các doanh nghiệp tận dụng tối đa nguyên vật liệu và công nghệ trong nước. Hiện tại, mức độ nội địa hóa của các dự án đường sắt đô thị đang ở mức 30%, nhưng FECON kỳ vọng tỷ lệ này sẽ được nâng lên trên 70% tại các dự án đường sắt trong tương lai.

Theo ông Phạm Việt Khoa, việc nội địa hóa giúp tạo ra giá trị gia tăng cho nền kinh tế, thúc đẩy GDP và giữ nguồn thu ở lại trong nước. Đồng thời, chỉ có cách này mời giúp phát triển năng lực cho các nhà thầu và chuỗi cung ứng trong nước trở nên mạnh mẽ và chủ động.

Để đảm bảo chất lượng, tiến độ và chi phí dự án, FECON cũng đưa ra ý kiến nên mời các nhà thiết kế và chuyên gia quốc tế tham gia vào khâu thiết kế và quản lý dự án. Đây là các khâu quan trọng, yêu cầu tiêu chuẩn cao và không thể có sai sót, bởi đường sắt cao tốc là lĩnh vực có yêu cầu kỹ thuật và an toàn đặc biệt. “Chúng ta nên kết hợp với các chuyên gia quốc tế để quản lý chặt chẽ các yếu tố chất lượng, tiến độ và chi phí” đại diện FECON nhấn mạnh.

FECON sẵn sàng tham gia vào “nội địa hóa” đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam

Dự án Đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam kỳ vọng sẽ tạo đà phát triển đô thị

Ngoài các lợi ích về giao thông, dự án Đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam còn được kỳ vọng sẽ tạo đà phát triển đô thị. Các ga tàu lớn sẽ trở thành hạt nhân của mô hình “thành phố nén” – mô hình phát triển đô thị định hướng giao thông(TOD) xung quanh các trạm ga. Đây là xu hướng đang phổ biến tại các Quốc gia phát triển ngành công nghiệp đường sắt với các đô thị tích hợp xung quanh ga tàu, kết nối giao thông dễ dàng và tiện lợi, giúp tăng giá trị sử dụng đất dọc tuyến đường sắt và giúp đa số người dân tiếp cận được với các sản phẩm bất động sản hiện đại với giá cả phải chăng.

Các thành phố xung quanh các ga tàu sẽ tạo thuận lợi cho việc di chuyển, giúp người dân tại các địa phương có thể dễ dàng đến làm việc tại các trung tâm đô thị lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh trong bán kính 50-70km từ cơ quan.

Dự án Đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam không chỉ là cơ hội để Việt Nam cải thiện hệ thống giao thông công cộng với sức vận chuyển bứt phá, mà còn là cơ hội để các nhà thầu trong nước phát phát triển năng lực lâu dài, cùng nhau góp sức xây dựng một ngành công nghiệp hạ tầng đường sắt trong nước. Với sự tham gia của các nhà thầu, nhà cung cấp tại Việt Nam, cùng với chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, dự án này hứa hẹn sẽ mang lại nhiều giá trị cho kinh tế xã hội, góp phần quan trọng vào một trong 3 nhiệm vụ bứt phá chiến lược thời kỳ hội nhập sâu rộng với quốc tế mà chính phủ đã đặt ra.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img