Việc ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng đang thúc đẩy một cuộc tranh luận gay gắt nội bộ Iran, trong đó các chuyên gia và quan chức công khai cân nhắc liệu có nên đàm phán với chính quyền sắp tới của Mỹ hay sẽ có lập trường cứng rắn hơn và hướng tới việc sở hữu vũ khí hạt nhân.
Trong những ngày kể từ sau khi ông Trump đắc cử, một số quan chức Iran đã phát tín hiệu sẵn sàng đàm phán, mặc dù các phe phái cứng rắn ở Tehran vẫn phản đối điều này.
“Các kênh liên lạc giữa chúng tôi và Mỹ vẫn tồn tại”, Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi nói với báo chí bên lề một cuộc họp nội các trong tuần trước.
Theo New York Times, Elon Musk, một đồng minh của ông Trump, đã gặp đại sứ Iran tại Liên Hợp Quốc ở New York hôm 11/11. Bài báo cho hay, cuộc gặp được tổ chức theo đề nghị của ông Musk và tập trung vào cách xoa dịu căng thẳng giữa Tehran và Washington.
Cả ông Musk và phái đoàn Iran tại Liên Hợp Quốc đều chưa bình luận về thông tin trên. Cũng không rõ cuộc gặp có được thực hiện theo yêu cầu của Tổng thống đắc cử Donald Trump hay không.
Trong những phát biểu gần đây, Trump đã nói rằng ông “muốn thấy Iran thực sự thành công, nhưng điều duy nhất là họ không được có vũ khí hạt nhân”, ông Trump nói trong chương trình Podcast của PBD tháng trước.
Đàm phán hay theo đuổi vũ khí hạt nhân
Trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên, ông Trump đã theo đuổi chiến lược “gây sức ép tối đa” lên Iran, rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân mà nhóm P5+1 đã ký với Tehran, áp đặt lại các lệnh trừng phạt và ra lệnh tấn công hạ sát tướng Iran Qasem Soleimani. Khi đó, ông nói rằng, thỏa thuận hạt nhân do chính quyền Barack Obama đàm phán không bao quát đầy đủ các mối đe dọa từ Iran, bao gồm tên lửa đạn đạo và việc Tehran hỗ trợ cho các lực lượng dân quân đồng minh trong khu vực.
Dù vậy, đối với các nhà lãnh đạo Iran, sự khó đoán của ông Trump cũng như việc ông muốn được coi là một “bậc thầy đàm phán”, là dấu hiệu cho thấy con đường ngoại giao vẫn có thể khả thi.
“Hiện tại, Iran đang thận trọng”, ông Diako Hosseini, một nhà phân tích chính sách đối ngoại tại Tehran cho biết. Theo ông, giới lãnh đạo Iran không muốn “có mối quan hệ thù địch với ông Trump ở giai đoạn này”, nhưng cũng không muốn “hoan nghênh ngay lập tức” việc ông trở lại nắm quyền.
“Về phía Iran, cơ hội đối thoại và đàm phán với chính phủ Trump vẫn chưa hoàn toàn khép lại”, ông Hosseini nói thêm.
Theo các chuyên gia, một yếu tố quan trọng để Iran cân nhắc con đường ngoại giao là hiện nay họ không mạnh bằng 8 năm trước khi ông Trump lần đầu tiên trở thành tổng thống Mỹ.
“Vào năm 2017, Iran có vị thế tương đối mạnh mẽ”, Alex Vatanka, giám đốc chương trình Iran tại Viện Trung Đông ở Washington đánh giá.
Tehran đã ký thỏa thuận hạt nhân để đổi lấy việc dỡ bỏ hầu hết các lệnh trừng phạt quốc tế, cho phép nước này bán dầu mỏ trên thị trường toàn cầu. Các công ty châu Âu, bao gồm các nhà sản xuất ô tô, máy bay và dược phẩm khi đó cũng đã chuẩn bị đầu tư vào Iran.
“Hiện tại, nền kinh tế Iran đang gặp khó khăn và chiến lược phòng thủ của nước này cũng đang có vấn đề”, ông Vatanka nhận định.
Iran sẽ không đàm phán khi phải chịu sức ép tối đa
Trong những tháng gần đây, Israel đã phá hủy hoặc làm suy yếu các trụ cột chính trong sức mạnh răn đe của Iran trong khu vực, tiến hành các chiến dịch chống lại các nhóm vũ trang được Tehran hậu thuẫn ở Gaza và Lebanon, nhắm mục tiêu vào các hệ thống vũ khí và cơ sở tên lửa bên trong lãnh thổ Iran.
“Ngay cả khi Iran quyết định vẫn duy trì chiến lược phòng thủ hiện nay, bao gồm xây dựng lại hệ thống phòng không và duy trì mạng lưới ủy nhiệm, điều đó cũng đòi hỏi số tiền mà họ không có”, ông Vatanka cho biết.
Ông Trump và các trợ lý cứng rắn của ông có thể coi điểm yếu của Iran là cơ hội để gây sức ép hơn nữa.
“Mỹ sẵn sàng quay trở lại chiến dịch gây sức ép tối đa của Tổng thống Trump đối với Iran”, Hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa Elise Stefanik, người được Tổng thống đắc cử Mỹ chọn làm Đại sứ tại Liên Hợp Quốc, đã viết như vậy trên X sau cuộc bầu cử.
Theo ông, Mostafa Najafi, một chuyên gia về an ninh Trung Đông, hầu hết các phe phái chính trị ở Iran đều nhất quán rằng Tehran sẽ không đàm phán khi họ phải chịu áp lực.
“Nếu ông Trump quay lại chính sách gây sức ép tối đa, chắc chắn Iran sẽ không chọn đàm phán”, ông Najafi nói.
Trong những tuần gần đây, các chính trị gia theo đường lối cứng rắn đã thúc giục lãnh đạo tối cao của Iran, Đại giáo chủ Ali Khamenei, sửa đổi học thuyết quốc phòng để cho phép sản xuất vũ khí hạt nhân.
Ông Khamenei, người có tiếng nói cuối cùng về mọi vấn đề chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia của Iran, đã ban hành một sắc lệnh tôn giáo cấm sử dụng vũ khí hạt nhân vào năm 2003.
Tuy nhiên căng thẳng giữa Iran với Israel đã gia tăng khi cả hai nước đều tấn công trực tiếp vào lãnh thổ của nhau. Trong đợt tấn công mới nhất vào ngày 26/10, Israel nhắm vào các cơ sở quân sự của Iran, khiến 4 binh sĩ thiệt mạng.
“Nếu Iran phải đối mặt với mối đe dọa hiện hữu, chúng tôi sẽ xem xét lại chính sách hạt nhân. Vấn đề này vẫn còn trên bàn. Hiện tại, chúng tôi có năng lực kỹ thuật để sản xuất vũ khí hạt nhân và không gặp phải vấn đề gì”, cựu ngoại trưởng Iran và hiện là cố vấn của đại giáo chủ Khamenei, ông Kamal Kharrazi cho biết trong một cuộc phỏng vấn với kênh Al-Mayadeen của Lebanon đầu tháng 11.
Sau chiến thắng của ông Trump, nhà lập pháp cứng rắn Ahmad Naderi cho rằng, Iran nên nhanh chóng tiến hành “một cuộc thử hạt nhân” và chính thức công bố để có thể thiết lập “sự răn đe tối đa”.
Israel là một yếu tố cần cân nhắc
Hosseini, nhà phân tích chính sách đối ngoại, cho biết các nhà lập pháp, quan chức an ninh cấp cao và những người thân cận với chính phủ Iran có thể tin rằng “hiện tại chưa phải là thời điểm để đàm phán vì phía Mỹ đánh giá rằng chúng đang ở thời điểm yếu hơn trước rất nhiều”.
Dù vậy, tiếp cận mang tính đối đầu hơn sẽ mang lại những rủi ro nghiêm trọng cho Tehran, bởi trong những năm gần đây Iran đã chứng kiến làn sóng bất ổn trong nước, do cả những lo ngại về kinh tế và sự bất mãn với sự quản lý yếu kém.
Hezbollah, đồng minh hùng mạnh nhất của Iran trong khu vực, đã phải chịu những tổn thất lớn trong cuộc xung đột với Israel.
Trong khi đó, các cuộc không kích của Israel vào Iran tháng trước đã phá hủy hệ thống phòng không của nước này, khiến Tehran dễ chịu tổn thất trước một cuộc tấn công khác xảy ra trong tương lai.
“Đó là một diễn biến đáng chú ý”, David Albright, người sáng lập Viện Khoa học và An ninh Quốc tế, một tổ chức phi lợi nhuận tập trung vào việc ngăn chặn sự phổ biến vũ khí hạt nhân, cho biết.
“Một năm trước, 6 tháng trước… chúng ta không biết Israel thực sự có thể làm gì”, ông Albright nói.
Tehran sẽ phải cần cân bằng cách tiếp cận với cả Mỹ và Israel. Ông Trump đã ám chỉ rằng ông sẽ không gây áp lực đối với Israel để buộc Tel Aviv kiềm chế các hoạt động quân sự của nước này ở Trung Đông.
Các chuyên gia về Trung Đông tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Châu Âu cho rằng, trong khi chiến thắng của ông Trump khiến cả Israel và Iran tạm dừng một chút về động thái tiếp theo của họ, nhưng cả 2 đều có thể sẽ tìm cách tạo ra lợi thế trên thực địa trước khi ông nhậm chức tổng thống Mỹ vào tháng 1/2025.
Nguồn: vov.vn