Các ngân hàng phải giải bài toán cân đối nguồn vốn phân bổ cho vay tín dụng xanh trong toàn bộ nguồn vốn tín dụng song vẫn phải đảm bảo về tăng trưởng tín dụng.
“ESG thấp sẽ kéo tụt tín nhiệm ngân hàng”
Phát biểu tại Hội thảo “ESG trong ngành ngân hàng”, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Trưởng ban chỉ đạo ESG, Ngân hàng Agribank cho biết, các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế trước đây khi xếp hạng tín nhiệm ngân hàng chỉ đánh giá liên quan đến về việc hoạt động kinh doanh, không xem xét đến báo cáo phát triển bền vững. Nhưng trong 2 năm gần đầy, các tổ chức xếp hạng tín nhiệm đã có đánh giá riêng, độc lập về báo cáo phát triển bền vững.
“Như với Moody, tổ chức này xếp hạng từng yếu tố E, S, G với từng ngân hàng tại Việt Nam. Xếp hạng tín nhiệm có tốt đến đâu nhưng ESG xếp hạng thấp thì ngân hàng sẽ bị kéo tụt kết quả xếp hạng tín nhiệm xuống”, bà Nguyễn Thị Thu Hà nhấn mạnh tầm quan trọng của việc triển khai ESG trong ngành ngân hàng.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Trưởng ban chỉ đạo ESG, Ngân hàng Agribank nhấn mạnh tầm quan trọng của xếp hạng ESG trong đánh giá tín nhiệm các ngân hàng
Nói thêm về tầm quan trọng của việc triển khai ESG trong ngành ngân hàng, đại diện Agribank cho biết các tổ chức Châu Âu hiện nay đã đưa ra nhiều cam kết về phát triển bền vững ngày càng tăng dần và nâng cao. Ngày 1/10/2023, châu Âu đã thực hiện thí điểm cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) trong đó áp dụng với 6 mặt hàng. Đến năm 2026 sẽ áp dụng đầy đủ với hơn 60 mặt hàng.
“Việc các ngân hàng triển khai ESG sẽ góp phần tăng khả năng cạnh tranh, hỗ trợ cho khách hàng để tham gia các thị trường xuất khẩu sang Châu Âu”, bà Nguyễn Thị Thu Hà đánh giá.
Tuy nhiên theo đại diện Agribank, việc triển khai cho vay tín dụng xanh ở Việt Nam đang gặp nhiều thách thức. Theo đó, việc chưa có bộ tiêu chí xanh cụ thể khiến việc thẩm định, cấp tín dụng gặp rất nhiều khó khăn. Vấn đề thứ hai là với những dự án xanh thường có thời hạn dài, nguồn vốn lớn trong khi rủi ro cao, do đó quá trình thẩm định, cho vay phải rất kỹ lưỡng.
“Việc triển khai ESG trong ngành ngân hàng là một biện pháp tổng thể, không chỉ là cấp tín dụng không. Quá trình này cần nguồn vốn, con người, công nghệ”, bà Nguyễn Thị Thu Hà đánh giá.
Bà Nguyễn Thuỳ Dương, Chủ tịch Công ty Cổ phần Tư vấn EY Việt Nam cho rằng rất khó để có vốn xanh “giá rẻ”
Nói thêm về những khó khăn cho việc triển khai ESG trong ngành ngân hàng, bà Nguyễn Thuỳ Dương, Chủ tịch Công ty Cổ phần Tư vấn EY Việt Nam nhấn mạnh, các ngân hàng phải đáp ứng các chỉ tiêu đảm bảo an toàn của Ngân hàng Nhà nước. Ngoài ra phải đảm bảo lợi ích của cổ đông, cân đối giữa lợi ích trước mắt và dài hạn.
Các ngân hàng phải giải bài toán cân đối nguồn vốn phân bổ cho vay tín dụng xanh trong toàn bộ nguồn vốn tín dụng song vẫn phải đảm bảo về tăng trưởng tín dụng.
“Do đó, rất khó có câu chuyện đến ngân hàng để vay với lãi suất rẻ hơn cho các dự án xanh. Chuyện này gần như là không có”, bà Dương nói.
Do đó để có thể tiếp cận nguồn vốn xanh, bà Dương cho rằng ngoài việc “gắn mác xanh” cho dự án, doanh nghiệp và ngân hàng cần đi vào bản chất, nội hàm để giải quyết những vấn đề như phân bổ vốn, tính toán rủi ro…
Dòng vốn tín dụng tăng trưởng nhanh hơn ở lĩnh vực thực hành ESG
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, các nước châu Âu đang đặt ra những tiêu chuẩn rất gắt gao đối với hàng hóa xuất sang. Các doanh nghiệp không đạt được chứng chỉ về vấn đề môi trường hay giảm sẽ không đủ điều kiện nhập khẩu vào. Điển hình như trong lĩnh vực may mặc, nếu không đáp ứng tiêu chuẩn và chứng chỉ đánh giá giảm thải phát thải carbon, sản phẩm chưa chắc đã nhập khẩu được vào các quốc gia này.
Theo Phó thống đốc, đây là vấn đề nóng và rất cấp bách đối với các doanh nghiệp của Việt Nam. Với riêng ngành ngân hàng, việc thúc đẩy ESG như tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh, yêu cầu quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú
Phó thống đốc cũng nhấn mạnh rủi ro về môi trường và xã hội không đứng độc lập hay tách biệt, mà còn liên đới tới các rủi ro của tổ chức tín dụng (rủi ro tín dụng, rủi ro thị trường, rủi ro thanh khoản, rủi ro chiến lược, rủi ro danh tiếng…). Do vậy, việc thực hành ESG sẽ giúp các tổ chức tín dụng cải thiện hiệu quả quản trị rủi ro, từ đó nâng cao chất lượng hoạt động và lợi nhuận. Đồng thời, khi áp dụng ESG, các tổ chức tín dụng có cơ hội mở rộng thị trường, tiếp nhận các dòng vốn đầu tư, hỗ trợ kỹ thuật từ các tổ chức tài chính quốc tế, phát triển các sản phẩm tín dụng.
“Tăng cường áp dụng ESG đòi hỏi các tổ chức tín dụng phải thực thi, tuân thủ và cập nhật liên tục những thay đổi trong quy định và chính sách để thể hiện tốt trách nhiệm với môi trường và xã hội. Mặt khác, thực hành các tiêu chuẩn ESG sẽ giúp nâng cao uy tín, thương hiệu của tổ chức tín dụng thông qua việc công bố và minh bạch các vấn đề liên quan đến quản trị, môi trường và xã hội”, Phó Thống đốc nhấn mạnh.
Theo thống kê đến 30/9/2024, đã có 50 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ tín dụng xanh với dư nợ đạt trên 665.000 tỷ đồng, tăng 7,11% so với cuối năm 2023, chiếm tỷ trọng trên 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế, tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm hơn 43%) và nông nghiệp xanh (trên 30%).
Các tổ chức tín dụng đã tăng cường quản lý rủi ro về môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng, dư nợ tín dụng được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội đạt 3,28 triệu tỷ đồng, chiếm hơn 22,33%/tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế, tăng 15,62% so với cuối năm 2023.
Nguồn: vtv.vn