Wednesday, November 20, 2024

Thiên chức nghề giáo

Trong truyền thống văn hóa và đạo đức của người Việt, nghề giáo được xem là một thiên chức vì người thầy không đơn giản là truyền đạt tri thức mà còn định hình tương lai của học trò. Đó là lý lẽ của nhiều ẩn dụ sâu sắc tôn vinh thiên chức nghề giáo.

Là ẩn dụ “người lái đò” với sứ mệnh đưa học trò vượt qua dòng sông tri thức đến bến bờ thành công. Để sau mỗi “chuyến đò” trên “dòng sông tri thức”, những người học trò trẻ tuổi bước về hướng những con đường xán lạn, mãi tri ân sự kiên nhẫn và tận tụy của người thầy.

Là ẩn dụ “người gieo hạt”, những hạt giống tri thức, hạt giống tâm hồn trong sự nghiệp “trồng người”. Có khi, ẩn dụ “người gieo hạt” trở nên thấm đẫm công sức và sự cống hiến lặng lẽ, kiên trì của những thầy cô giáo vùng cao trong cách diễn đạt đầy thấm thía: “người gieo chữ nơi rẻo cao”. Đang có bao nhiêu thầy cô giáo như thế gắn bó tuổi trẻ của mình với sự nghiệp “gieo chữ” vào ánh mắt, vào tâm hồn trong veo của trẻ em vùng cao?

Rồi là “ngọn nến”, cháy hết mình để soi sáng cho học trò. Rồi là “người dẫn đường”, giúp học trò xác định phương hướng đúng đắn trong hành trình cuộc đời. Rồi là “người thắp lửa”, những ngọn lửa của cảm hứng, nhiệt huyết và đam mê. Rồi là “kỹ sư tâm hồn”, kiến tạo những giá trị nhân cách cho các thế hệ học trò.

Rồi gần đây, với những đổi thay sâu sắc trong lĩnh vực giáo dục, nghề giáo đón nhận những ẩn dụ khác mới mẻ hơn. Những ẩn dụ mới gần gũi với tinh thần giáo dục nhân văn và bình đẳng ngày nay, nhưng vẫn phản ánh kỳ vọng lớn lao của xã hội về vai trò và trách nhiệm của người thầy.

Là “người đồng hành”, thầy cô không chỉ dạy bảo học trò mà còn cùng học trò chia sẻ, đồng hành trong hành trình khám phá tri thức và cuộc sống. Là “người khai mở”, nhấn mạnh vai trò người thầy trong việc khơi gợi tư duy sáng tạo, thay vì áp đặt kiến thức, khai mở những cánh cửa tri thức và khai mở tâm trí của học trò giúp họ nhìn thấy những chân trời mới của tri thức và cuộc sống.

Những ẩn dụ giàu giá trị nhân văn ấy phản ánh tinh thần “tôn sư trọng đạo” đẹp đẽ mà xã hội VN phải có ý thức giữ gìn. Trước hết là sự giữ gìn của người thầy. Thiên chức nghề giáo phải gắn với sứ mệnh cá nhân, phải được khắc sâu trong tâm khảm và niềm tin của mỗi thầy cô giáo về giá trị nghề nghiệp. Người thầy đúng nghĩa phải xem việc dạy học là mục đích sống của mình, chứ không đơn giản chỉ là sinh kế.

Còn với xã hội, cần chia sẻ đầy đủ với thầy cô giáo những áp lực mà họ đang phải gánh vác khi người thầy được đặt ở vị trí trung tâm của việc định hình nhân cách, tri thức, và tương lai của cá nhân cũng như toàn xã hội. Những đòi hỏi về sự uyên bác, sự kiên nhẫn, sự tận tụy, hy sinh, sáng suốt, nhiệt huyết, sáng tạo, gương mẫu đối với thầy cô giáo đều là chính đáng cả. Nhưng cũng đừng vì thế mà thiếu đi sự thấu hiểu những khó khăn mỗi ngày mà thầy cô phải đối mặt. Đừng vì thế mà “thần thánh hóa” người thầy, biến thầy cô thành những hình tượng không thực tế. Xin hãy chú trọng và thành tâm góp phần hỗ trợ người thầy phát triển và hoàn thiện bản thân để thực hành trọn vẹn thiên chức.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img