Ngày 19/11, lễ khai mạc Tuần lễ số quốc tế Việt Nam 2024 đã diễn ra tại TP Hạ Long, Quảng Ninh với sự tham gia của đông đảo đại biểu trong nước và quốc tế.
Tuần lễ số quốc tế Việt Nam 2024 (Vietnam International Digital Week – VIDW 2024) do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với tỉnh Quảng Ninh tổ chức, với chủ đề trọng tâm là “Trợ lý ảo”.
Được đánh giá là lần tổ chức có quy mô lớn nhất từ trước tới nay, Tuần lễ số quốc tế Việt Nam năm nay mang tới 12 sự kiện chính thức và các sự kiện bên lề. Sự kiện thu hút khoảng 600 đại biểu trong nước và quốc tế từ gần 30 quốc gia, đại diện các tổ chức quốc tế và doanh nghiệp công nghệ hàng đầu.
Tuần lễ số quốc tế Việt Nam 2024 tập trung vào các trao đổi, thảo luận, chia sẻ thực tiễn, cách tiếp cận và sáng kiến mới để mở rộng hợp tác giữa các nước, tổ chức, doanh nghiệp về đẩy mạnh phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) và triển khai trợ lý ảo, với các chủ đề ưu tiên như: Ứng dụng trợ lý ảo, quản trị trí tuệ nhân tạo, Open RAN, khung pháp lý cho 5G, phát triển hạ tầng kỹ thuật số và nguồn nhân lực số…
Tuần lễ số quốc tế Việt Nam 2024 thu hút khoảng 600 đại biểu trong nước và quốc tế (Ảnh: Bộ TT&TT)
Trong khuôn khổ sự kiện, Hội nghị 5G lần thứ 5 đã tập trung trao đổi về các vấn đề ưu tiên chính liên quan đến việc triển khai Open RAN, khung pháp lý cho 5G và những tiến bộ trong việc đổi mới công nghệ và xây dựng hệ sinh thái; tiến độ triển khai 5G của các quốc gia ASEAN; xây dựng hạ tầng kỹ thuật số cùng nguồn nhân lực số…
Phiên toàn thể với sự tham dự của các nhà lãnh đạo Chính phủ, tổ chức quốc tế và doanh nghiệp chuyên ngành là điểm nhấn của sự kiện, tạo cơ hội mở rộng quan hệ đối tác và thúc đẩy hợp tác toàn cầu. Các đại biểu tập trung thảo luận về ứng dụng trợ lý ảo, nhấn mạnh tiềm năng hợp tác chặt chẽ hơn và phát triển các giải pháp sáng tạo, liên ngành; chia sẻ tầm nhìn về tương lai của công nghệ số, vai trò của trợ lý ảo trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao năng lực quản trị quốc gia, hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững; tăng cường hợp tác và thúc đẩy quan hệ đối tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam và các bên liên quan toàn cầu.
Phát biểu khai mạc Tuần lễ số quốc tế Việt Nam 2024, ông Nguyễn Mạnh Hùng – Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh: “Trí tuệ nhân tạo là công nghệ cốt lõi của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, có tầm quan trọng như động cơ hơi nước của cách mạng công nghiệp lần thứ nhất, máy phát điện của cách mạng công nghiệp lần thứ hai và máy tính cá nhân của cách mạng công nghiệp lần thứ ba. Ứng dụng đột phá của trí tuệ nhân tạo vẫn là câu hỏi lớn mà thế giới vẫn đang tìm kiếm. Trợ lý ảo có thể là ứng dụng đột phá của trí tuệ nhân tạo nhưng phải là trợ lý ảo cá nhân, giống như máy tính cá nhân. Mỗi cá nhân, mỗi tổ chức cần xây dựng trợ lý ảo của riêng mình, dựa trên dữ liệu và tri thức của mình”.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại lễ khai mạc Tuần lễ số quốc tế Việt Nam 2024 (Ảnh: Bộ TT&TT)
Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Tuần lễ số quốc tế Việt Nam được tổ chức thường niên sẽ là cơ hội để cơ quan quản lý của các nước, tổ chức quốc tế, hiệp hội, doanh nghiệp số toàn cầu cùng thảo luận, chia sẻ và thiết lập các quan hệ đối tác số, chung tay xây dựng thế giới số bền vững.
Phát biểu tại sự kiện, ông Đặng Xuân Phương – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh – cho rằng, Tuần lễ số quốc tế Việt Nam tổ chức tại Quảng Ninh là cơ hội để tỉnh được đón nhận, lắng nghe kinh nghiệm, giải pháp của các Bộ trưởng, tổ chức quốc tế, doanh nghiệp, chia sẻ tầm nhìn tương lai của công nghệ số, vai trò trợ lý ảo trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao năng lực quản trị quốc gia, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Ông Đặng Xuân Phương – Phó Bí thư Tỉnh uỷ Tỉnh Quảng Ninh – phát biểu tại sự kiện (Ảnh: Bộ TT&TT)
Theo ông Đặng Xuân Phương, tỉnh Quảng Ninh đã xác định phát triển mạnh kinh tế số, tạo nền tảng thúc đẩy phát triển và tạo ra các giá trị tăng trưởng mới trong các ngành, lĩnh vực kinh tế – xã hội; từng bước đưa kinh tế số giữ vai trò chủ đạo trong tăng trưởng kinh tế của tỉnh; là cơ hội để giải quyết các điểm nghẽn cũng như tạo đột phá trong phát triển, nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh. Quảng Ninh phấn đấu đến năm 2030, tỷ trọng kinh tế số chiếm khoảng 35% GRDP của tỉnh.
Nguồn: vtv.vn