Theo Đồ án quy hoạch chung xây dựng khu lò gạch gốm Mang Thít vừa được UBND tỉnh Vĩnh Long phê duyệt, nơi đây sẽ trở thành khu du lịch trọng điểm của tỉnh, định hướng là khu du lịch quốc gia.
Khu lò gạch gốm Mang Thít sẽ thành khu du lịch trọng điểm
Theo đồ án, khu vực quy hoạch lò gạch gốm Mang Thít có tổng diện tích khoảng 3.060 ha, thuộc địa bàn các xã Mỹ An, Mỹ Phước, Nhơn Phú và Hòa Tịnh (H.Mang Thít).
Ông Nguyễn Văn Liệt, Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long cho biết, cơ cấu phát triển không gian khu quy hoạch lấy vùng lõi dọc kênh Thầy Cai làm trung tâm. Các khu chức năng gắn với các trục đường chính (đường tỉnh 902, 909, 907) nối kết từ vùng lõi dọc kênh Thầy Cai đến trung tâm TP.Vĩnh Long, trung tâm các huyện Mang Thít, Long Hồ, Vũng Liêm (Vĩnh Long), trung tâm H.Chợ Lách (Bến Tre); phát triển khu vực dân cư nông thôn mở rộng về phía Tây và phía Đông Nam, tạo vành đai – vùng đệm sinh thái nông nghiệp bao quanh khu vùng lõi.
Các trục không gian chính của khu là chuỗi công trình dịch vụ, du lịch, thương mại dọc hai bên kênh Thầy Cai, đường tỉnh 902, tuyến tránh QL57 (đường dẫn Cầu Đình Khao). Các trục không gian mở sẽ là hệ thống cây xanh cảnh quan, công viên cây xanh – thể dục thể thao, cây xanh ven kênh rạch, kết hợp hệ thống cảnh quan bán ngập nước.
Phân khu chức năng không gian khu quy hoạch chia thành 9 phân khu. Cụ thể: Khu 1: Khu phát triển hỗn hợp (Dịch vụ – Du lịch – Khu dân cư nông thôn); Khu phát triển hỗn hợp (Dịch vụ – Khu dân cư đô thị); Khu dân cư Mỹ An – Hòa Mỹ; Khu dân cư sinh thái Cái Nhum; Khu nghỉ dưỡng sinh thái Mỹ Phước; Khu dân cư sinh thái Mỹ Phước; Khu dân cư sinh thái Nhơn Phú; Khu nghỉ dưỡng sinh thái Hòa Tịnh và Khu nông nghiệp sinh thái gắn với khu lò gạch, gốm.
Bảo tồn và phát huy giá trị di sản, văn hóa độc đáo
Bà Đoàn Thị Ngọc Diệp, Chủ tịch Hiệp hội gạch gốm mỹ nghệ Vĩnh Long cho biết, ngành sản xuất gạch, ngói xuất hiện tại Vĩnh Long vào đầu thế kỷ XIX. Đến những năm giữa thế kỷ XX, toàn tỉnh có 39 lò sản xuất gạch ngói nung, lao động làm gạch thời điểm đó khoảng 600 – 800 người. Đến những năm đầu thế kỷ 21, số lượng lò gạch tăng mạnh lên 2.284 lò.
Riêng ngành sản xuất gốm ra đời năm 1983 và phát triển mạnh từ năm 1997 trở lại đây, với hàng ngàn mẫu mã khác nhau. Sản phẩm gốm Vĩnh Long đã có mặt khắp các châu lục và quốc gia trên thế giới, như: EU, Mỹ, Châu Úc, Đài Loan, HongKong, Hàn Quốc, Nhật Bản… với sản lượng gần 50 triệu sản phẩm/năm. Thương hiệu “gốm đỏ Vĩnh Long” nổi tiếng bởi sản phẩm chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng, mang lại nhiều giá trị kim ngạch xuất khẩu cho tỉnh. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong vòng 10 năm qua, trên địa bàn tỉnh có trên 1.250 lò gạch gốm bị phá dỡ, hiện còn hơn 850 lò.
“Hiệp hội và người dân rất ủng hộ việc triển khai thực hiện Đồ án quy hoạch khu lò gạch gốm Mang Thít để phát triển du lịch. Qua đó, “vương quốc” gạch gốm Mang Thít sẽ trở thành một điểm đến trên bản đồ du lịch khu vực ĐBSCL trên cơ sở bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, văn hóa độc đáo mà các thế hệ trước để lại. Đồng thời, giúp người dân trong vùng chuyển đổi sinh kế, nâng cao đời sống, góp phần phát triển du lịch, dịch vụ, tạo đà cho H.Mang Thít đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội”, bà Điệp nêu quan điểm.
Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long Bùi Văn Nghiêm nhấn mạnh, Đồ án quy hoạch chung xây dựng khu lò gạch gốm Mang Thít đánh dấu bước phát triển trong bối cảnh mới; bảo tồn, phát huy và giữ gìn bản sắc riêng của khu vực. Đến năm 2045, nơi đây sẽ trở thành khu du lịch trọng điểm của tỉnh, định hướng là khu du lịch quốc gia, có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Vĩnh Long nói riêng và khu vực ĐBSCL nói chung. Bên cạnh đó, khai thác được các giá trị và tiềm năng tổng thể, phát triển du lịch cộng đồng thành một trong các trụ cột kinh tế trong mối tương quan phát triển bền vững với các lĩnh vực khác, hình thành hệ sinh thái cảnh quan – di sản – dịch vụ.
“Chúng tôi tin tưởng rằng, trong thời gian tới, các làng nghề truyền thống sẽ tiếp tục được các nhà khoa học, các cấp, các ngành hỗ trợ; các nhà đầu tư quan tâm tích cực; cộng đồng làng nghề cùng đồng thuận giữ gìn, phát triển có thể vừa bảo tồn, vừa đánh thức tiềm năng, mở ra triển vọng kết nối, nâng tầm du lịch của Vĩnh Long, các tỉnh, thành ĐBSCL, các nước trong khu vực và thế giới”, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long chia sẻ.
Nguồn: thanhnien.vn