Saturday, November 23, 2024

8 cựu quan chức ‘giúp sức’ Chủ tịch Xuyên Việt Oil gây thất thoát 1.463 tỉ đồng

Gần 8 giờ ngày 20.11, cựu Chủ tịch HĐTV Xuyên Việt Oil, cựu Thứ trưởng Bộ Công thương, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre và 12 bị cáo khác bị áp giải vào phòng xử án để chờ TAND TP.HCM xét xử sơ thẩm.

Sáng nay (20.11), TAND TP.HCM xét xử sơ thẩm cựu Chủ tịch HĐTV Xuyên Việt Oil, cựu Thứ trưởng Bộ Công thương, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre và 12 bị cáo khác vì gây thất thoát ngân sách hơn 1.463 tỉ đồng.

Từ năm 2016 – 2021, bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh (cựu Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV Xuyên Việt Oil) đã sai phạm trong việc quản lý Quỹ bình ổn giá (BOG) và thuế bảo vệ môi trường xăng dầu, gây thất thoát cho ngân sách hơn 1.463 tỉ đồng.

Để “bưng bít” sai phạm trong thời gian dài, bị cáo Hạnh không tiếc tay, 22 lần chi hàng triệu USD nhằm móc ngoặc quan hệ với 8 cựu quan chức.

8 cựu quan chức 'giúp sức' Chủ tịch Xuyên Việt Oil gây thất thoát 1.463 tỉ đồng

Các bị cáo tại phiên tòa

ẢNH: NHẬT THỊNH

Cựu Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhận hối lộ 50.000 USD

Trong đó, bị cáo Đỗ Thắng Hải, cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương có thẩm quyền cấp giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu. Bị cáo Hải trực tiếp phụ trách, chỉ đạo Vụ Thị trường trong nước là đơn vị tiếp nhận, thẩm định, đề xuất cấp giấy phép kinh doanh xuất, nhập khẩu xăng dầu.

Theo cáo buộc, giữa tháng 6.2021, để xin cấp lại giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu cho Công ty Xuyên Việt Oil, bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh đã liên hệ nhờ bị cáo Đỗ Thắng Hải giúp đỡ, tạo điều kiện. Bị cáo Hải chỉ đạo Vụ phó Thị trường trong nước Hoàng Anh Tuấn xem xét, tạo điều kiện sớm cấp giấy phép cho Công ty Xuyên Việt Oil.

Ngày 19.11.2021, theo đề xuất của Hoàng Anh Tuấn, bị cáo Đỗ Thắng Hải đã nhận 50.000 USD (tương đương 1,139 tỉ đồng) của Hạnh tại phòng làm việc. Trong quá trình điều tra, bị cáo Hải đã nộp lại 730 triệu đồng.

8 cựu quan chức 'giúp sức' Chủ tịch Xuyên Việt Oil gây thất thoát 1.463 tỉ đồng

Cựu Chủ tịch HĐTV Công ty Xuyên Việt Oil – bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh

ẢNH: NHẬT THỊNH

Theo cáo trạng, năm 2018, bị cáo Lê Đức Thọ khi đó là Tổng giám đốc, Chủ tịch HĐQT Vietinbank, có thẩm quyền phê duyệt hạn mức, cấp giới hạn tín dụng và xem xét, phê duyệt hồ sơ vay vốn của doanh nghiệp. Cuối năm 2021, bị cáo Thọ làm Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre.

Cáo trạng xác định, từ năm 2019 đến 2021, bị cáo Thọ đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để nhận hối lộ và gây ảnh hưởng với người khác để trục lợi.

Cụ thể, từ năm 2019 đến tháng 1.2020, bị cáo Thọ đã hai lần nhận hối lộ, tổng 600.000 USD (tương đương 13,8 tỉ đồng) của Mai Thị Hồng Hạnh để tạo điều kiện giúp Công ty Xuyên Việt Oil vay vốn tại Vietinbank và xin cấp giới hạn tín dụng, kéo dài thời gian duy trì giới hạn tín dụng.

Bị cáo Lê Đức Thọ còn bị cáo buộc lợi dụng chức vụ, quyền hạn là Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre và nguyên Chủ tịch HĐQT Vietinbank để tác động, gây ảnh hưởng đến Giám đốc Vietinbank chi nhánh Bến Tre cho Công ty Xuyên Việt Oil được vay vốn thuận lợi, với hạn mức tín dụng 400 tỉ đồng, lãi suất ưu đãi và tỷ lệ tín chấp khoản vay là 40%.

Cơ quan điều tra xác định, bị cáo Thọ nhiều lần nhận tiền, tài sản hơn 22,1 tỉ đồng từ Mai Thị Hồng Hạnh. Quá trình điều tra, bị cáo Thọ đã tác động gia đình nộp lại 16,7 tỉ đồng khắc phục hậu quả. Bị cáo Thọ được Viện KSND tối cao ghi nhận có nhiều tình tiết giảm nhẹ như thành khẩn khai báo, có nhiều đóng góp cho xã hội…

Trở thành thương nhân đầu mối xăng dầu

Khi được các cựu quan chức “giúp sức”, tháng 8.2016, Công ty Xuyên Việt Oil được Bộ Công thương cấp giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu, qua đó trở thành thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu.

Sau khi được cấp giấy phép, lợi dụng việc được Nhà nước giao thu hộ tiền Quỹ BOG và quản lý, sử dụng tiền Quỹ BOG tại Công ty Xuyên Việt Oil, bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh đã làm trái các quy định của pháp luật về trích lập, quản lý và sử dụng Quỹ BOG, gây thất thoát tài sản nhà nước hơn 219 tỉ đồng.

Đặc biệt, theo quy định, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có nhiệm vụ giúp Nhà nước thực hiện việc thu hộ tiền thuế bảo vệ môi trường từ người tiêu dùng. Quản lý và nộp thay người tiêu dùng khoản tiền thuế này vào ngân sách nhà nước theo định kỳ (chậm nhất là 90 ngày kể từ ngày nộp tờ khai).

Tuy nhiên, bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh cố ý không chuyển nộp số tiền thuế bảo vệ môi trường đã quản lý, thu hộ cho Nhà nước vào ngân sách mà sử dụng cá nhân. Hành vi trên dẫn đến mất khả năng hoàn trả lại cho ngân sách nhà nước, gây thất thoát hơn 1.244 tỉ đồng.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img